MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rùa con về với biển, sau khi trưởng thành, chúng sẽ quay trở lại nơi chúng sinh ra để đẻ trứng, tiếp nối những vòng sự sống mới. Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thùy Linh

Chung tay vì một Côn Đảo xanh

Ghi chép của Thành Sơn LDO | 14/07/2024 06:45

Côn Đảo - quần đảo nằm ở vùng biển Đông Nam của Việt Nam ngoài khơi bờ biển phía Nam, luôn khiến cho chúng ta rưng rưng cảm xúc vì những câu chuyện hào hùng của lịch sử, giờ đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho những du khách gần xa. Những năm gần đây, vấn nạn rác thải nhựa đại dương, sự đe doạ mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng môi trường xanh đã khiến cho Côn Đảo phải đương đầu với những thử thách lớn. Thế nhưng, càng khó khăn lại càng dễ dàng cảm nhận được những cố gắng, nhiệt huyết của những con người yêu mến, trót "phải lòng" vùng đất này. Họ vẫn ngày ngày nỗ lực, chung tay vì một Côn Đảo xanh.

Đất lành - Rùa Đậu

Cuối tháng 4, một cá thể rùa Malaysia (thuộc giống rùa xanh/vích) tìm tới bãi Cát Lớn, hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo làm tổ đẻ 108 trứng. Quá trình cứu hộ hỗ trợ, cán bộ kiểm lâm VQG Côn Đảo phát hiện cá thể rùa biển này ước tính sơ bộ khoảng 40 tuổi và nặng gần 100kg, đang đeo thẻ theo dõi của Malaysia, có số hiệu 4240.

Kể từ ngày mẹ rùa Malaysia chọn hòn Bảy Cạnh - Côn Đảo làm nơi hạ sinh 108 quả trứng của mình, lực lượng kiểm lâm nơi đây đã ngày đêm chu đáo, ân cần ấp ủ những đứa con của vị khách đặc biệt. Thế rồi, họ cùng nhau đếm ngược từng ngày tiễn rùa baby Malaysia "xuất ngoại".

Bãi Cát Lớn ấy đẹp lắm, là nơi rùa mẹ Malaysia đẻ ra những quả trứng - mở ra một hành trình sự sống mới đầy hy vọng và những mầm sống mới cũng sẽ được thả ra từ bãi Cát Lớn này. Những chú rùa con sau khi trưởng thành, sau 20 - 30 năm sẽ lại trở về nơi chào đời của chúng để đẻ trứng. Côn Đảo lúc này như là quê hương, như là đất mẹ dang rộng vòng tay chào đón những đứa con thiên nhiên trở về đoàn tụ trong một ngày không xa.

Gần 2 tháng sau, nhờ sự nỗ lực và kinh nghiệm của lực lượng Kiểm Lâm VQG Côn Đảo, 89 cá thể rùa con từ mẹ rùa Malaysia đã được ấp nở thành công và thả về với biển.

Huyện Côn Đảo là bãi đẻ lớn nhất, nhiều nhất, với khoảng 90% rùa biển của Việt Nam chọn đây là nơi sinh sản. Bởi chỉ có môi trường thiên nhiên rừng, biển còn hoang sơ như ở Vườn quốc gia Côn Đảo mới là điểm về lý tưởng của rùa biển. Từ năm 2018 - 2023, đã có hơn 145.000 vích con được ấp nở và thả về biển. Thống kê VQG Côn Đảo cho thấy, riêng năm 2023 đã có hơn 2.700 lượt rùa mẹ lên đẻ trứng ở các bãi cát. Cách đây khoảng 6 năm, cũng có một rùa biển đeo thẻ của Indonesia đến Côn Đảo và đẻ khoảng 100 trứng.

Những chú rùa con đa quốc gia là những tín hiệu vui cho thấy Côn Đảo thực sự là miền “Đất lành số 1 về môi trường”, và công tác cứu hộ, bảo tồn loài rùa biển quý hiếm tại VQG Côn Đảo thực sự thành công, lan tỏa không chỉ trong nước, khu vực và cả quốc tế.

Giám đốc VQG Côn Đảo - ông Nguyễn Khắc Pho tự hào chia sẻ: "Rộng khoảng 20 nghìn héc-ta, gồm 14 hòn đảo, VQG Côn Đảo nằm giữa biển khơi chung chiêng “giữa đại dương”, công tác quản lý còn nhiều khó khăn, thế nhưng nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên VQG Côn Đảo, kiểm lâm chúng tôi đã và đang dồn hết tâm huyết của mình để bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị của Khu rừng đặc dụng đặc biệt này, của các hệ sinh thái biển đảo và nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử tộc người quý báu khác ở nơi này".

Những hoạt động rộng mở, giàu ý nghĩa diễn ra ở khu vực VQG Côn Đảo như đi bộ, leo núi, lặn ngắm san hô; tham gia vào hoạt động thả rùa sơ sinh về với biển, thăm “Hải đăng Bảy Cạnh” huyền thoại, chiêm ngưỡng “kỷ lục Việt Nam” đảo Trứng với sự quần tụ của hàng vạn cá thể chim hoang dã quý hiếm cùng lúc; khám phá các hang yến nổi tiếng trên hòn Bông Lan...

Những tán bàng xanh Côn Đảo tại các điểm di tích lịch sử. Ảnh: Thành Sơn

Những hoạt động này không chỉ đem lại thu nhập cho ngành du lịch địa phương, ổn định kinh tế cho bà con; mà hơn thế, nó còn có vai trò quan trọng phát huy giá trị của kho di sản thiên nhiên của chúng ta. Góp phần đắc lực nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, biến mỗi người dân, mỗi du khách dần trở thành “tai mắt”, thành cánh tay nối dài của cơ quan chức năng trong chống lại các hành vi xâm hại thiên nhiên hoang dã...

Một trong những vấn đề đang được trăn trở nhất là những rạn san hô đang bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo do gia tăng bất thường của nhiệt độ nước biển ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Để cho hệ sinh thái rạn san hô có thời gian phục hồi tự nhiên trở lại sau khi bị tẩy trắng, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã thông báo tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại nhiều địa điểm.

Vịnh Côn Sơn, hòn Trác Lớn, hòn Trác Nhỏ, hòn Tài, hòn Thỏ, hòn Bông Lan, hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, mũi Tàu Bể, Đầm Tre, Hòn Trứng, bãi Ông Cường, Bãi Sạn, bãi Đất Thắm, bãi Bàn, Ông Đụng, Ông Câu, hòn Tre Nhỏ, hòn Tre Lớn, Đầm Quốc - Hòn Bà và Hòn Vung... được chăm chút, bảo vệ từng li từng tí. Nhưng tai biến thiên nhiên thì... đành chịu.

"Phải để cho thiên nhiên có thời gian phục hồi. Dẫu biết bảo tồn thiên nhiên - phát triển bền vững là mục tiêu lớn, phải bền bỉ, nhưng không hề dễ dàng" - Giám đốc Pho chỉ tay về phía các hòn đảo nhỏ, nơi những rạn san hô đang trắng dần, trắng dần trong ngỡ ngàng và tiếc nuối.

Quyết liệt với rác thải nhựa, giữ xanh từ đáy biển

Cuối tháng 6.2024, 21 tình nguyện viên - thành viên của Trung tâm đào tạo lặn biển Viet Divers đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia nhặt rác trên biển. Họ đã hỗ trợ VQG Côn Đảo trong công việc dọn dẹp đáy biển, thu lưới ma và diệt sao biển gai ở các rạn san hô của Vườn, thu gom rác ven bờ, rừng ngập mặn...

Trải qua 3 ngày nỗ lực không ngừng, các bạn tình nguyện viên và cán bộ của Vườn đã thu gom được 300kg lưới ma vướng vào rạn san hô tại khu vực Hòn Trứng; 220kg lưới ma tại khu vực Hòn Tài, bắt được 50 con sao biển gai.

"Ngày thứ 3 chúng tôi nhặt rác thu gom tại khu vực bãi Bờ Đập Hòn Bảy Cạnh, đa số là rác thải đại dương, bao gồm các chai nước suối, chai nước mắm..., và rất nhiều thùng xốp là ngư cụ trong lúc đánh cá được vứt ra biển. Hơn 3 mét khối rác được nhặt tại khu vực, khiến không ít người dân cũng phải sửng sốt"- cán bộ Vườn Quốc gia Côn Đảo chia sẻ.

Tình nguyện viên lặn biển nhặt rác tại Côn Đảo. Ảnh: VQG Côn Đảo

"Chúng tôi cũng rất xót xa với hình ảnh rạn san hô đẹp nhất Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề cùng sự kiện san hô bị tẩy trắng lần thứ 4 trên toàn thế giới. Bên cạnh đại đa số rạn dần như trắng toát, chúng tôi thấy vẫn còn rải rác các khu rạn còn khoẻ. Trước ngày nhóm tới và rời đi, Côn Đảo đã có nhiều cơn mưa lớn, mong sao nhiệt độ đại dương có thể điều hoà trở lại để rạn san hô có thể hồi phục. Nhưng chắc hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian" - chị Ngọc Anh, thành viên của đoàn tình nguyện tiếc nuối, kể về những ngày hì hụi làm sạch đáy biển.

Lượng rác thải nhựa khổng lồ không thể tiêu hủy được, trôi dạt khắp nơi trên đại dương, chìm xuống đáy biển và hòa lẫn vào chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Cuối cùng, con người lại tiêu thụ các nguồn thức ăn bị ô nhiễm nhựa này. Càng thấy nhiều những mảng lưới rác, túi nilon, chai nhựa... đang hàng ngày siết chặt sự sống trong lòng biển, các tình nguyện viên càng mong sao người dân sẽ ý thức hơn về việc sử dụng nhựa 1 lần, tiêu thụ thực phẩm từ biển có chọn lọc và tránh lãng phí.

Lượn một vòng xung quanh những con đường hun hút xanh ở Côn Đảo, đâu đâu cũng thấy những biển bảng được thiết kế một cách giản dị đầy chủ ý, từ những vật liệu tự nhiên nhất, đôi khi đó chỉ là những tấm bảng gỗ sứt mẻ được sơn lên mấy dòng chữ, khẩu hiệu: "Giảm rác thải nhựa, tăng màu sống xanh"; "Ở đây không dùng túi nilon, vì một Côn Đảo xanh"... được phủ sóng khắp nơi, từ các khu di tích đến các điểm check-in thu hút đông đảo khách du lịch. Những chú rùa biển, cá voi, những cua xe tăng kềnh càng được uốn tạo hình từ những thanh sắt mỏng mảnh và lưới đánh cá rách được vớt lên từ biển... đã trở thành chiếc lồng "nhốt" rác thải nhựa, gây ấn tượng với du khách, khiến họ phải giật mình nhìn lại chiếc chai nhựa đựng nước hay bịch nilon gói đồ trên tay mình.

Côn Đảo xanh - không chỉ bởi màu xanh miên man bất tận của biển trời xứ sở, không chỉ xanh bởi những tán bàng rợp bóng lịch sử mà đang ngày một xanh hơn bởi những nỗ lực của Vườn Quốc gia, của chính quyền và người dân Côn Đảo trong phát triển du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn