MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bức ảnh trong dự án “Bàn ăn nhà bếp” của Astrid Reischwitz . Nguồn ảnh: Internet.

Chụp ảnh gia đình: Sợi dây kết nối ngày xưa và hôm nay

việt văn LDO | 20/02/2018 12:56
Trong trào lưu nhiếp ảnh đương đại (contemporary photography), càng ngày càng có nhiều nhà nhiếp ảnh hướng ống kính vào gia đình của họ, thể hiện những hình ảnh thân mật, riêng tư. Họ muốn tìm lại ký ức, muốn lưu lại những khoảnh khắc hiện tại và hơn thế muốn tạo một sự kết nối sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình với nhau, để giữ gìn và lưu truyền những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau.

Câu chuyện của họ

Nữ nhiếp ảnh Astrid Reischwitz (Mỹ) tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Braunschweig, Đức với nghiên cứu về hóa học, bắt đầu nghiên cứu về nhiếp ảnh tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ở New York ngay sau khi chuyển đến Hoa Kỳ. Cô đã thực hiện một dự án sáng tạo với nhiếp ảnh ý niệm (concept) về gia đình, truyền thống và ký ức, đó là “Kitchen Table” (bàn ăn nhà bếp). Đó là sự pha trộn, kết hợp hoàn hảo giữa những đồ vật mang giá trị văn hóa, bức ảnh chụp gia đình cũ đen trắng mang tính tư liệu và những bức ảnh chụp mới về những đồ vật có lịch sử và ý nghĩa, để kể một câu chuyện cá nhân, nhưng phổ quát. Cô đã xây dựng một thế giới riêng có màu sắc của sự tưởng tượng về ký ức, thân phận, về chính ngôi nhà của mình.

Một bức ảnh trong dự án “Mẹ tôi”. Ảnh: Việt Văn

Về ý tưởng dự án, Astrid Reischwitz bộc bạch: “Tôi đã tạo ra “Những câu chuyện từ bàn ăn trong bếp” để lưu giữ và tôn vinh một lối sống đã bị phai mờ đi trong ngôi nhà thời thơ ấu của tôi, một lục địa xa. Đi về nhà có nghĩa là đi du lịch xa đến một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc nước Đức và ngôi nhà cổ của gia đình tôi, một căn nhà dường như không bị ảnh hưởng bởi thời hiện đại, và, một ngày nào đó nó sẽ bị bỏ lại phía sau. Những khó khăn của nông nghiệp và các sự kiện trong Thế chiến II đã tạo ra một cái bóng đầy cay đắng cho các thành viên trong gia đình mà vẫn có thể cảm thấy ngày hôm nay. Kể lại những câu chuyện này cho tôi một cơ hội để suy nghĩ và chuyển đổi. Những kỷ niệm và những cảm xúc đã đan xen vào những câu chuyện mới”.

Khi về nhà, Astrid Reischwitz đã nhớ lại hương vị của những món ăn quen thuộc, cùng đồ nội thất, hình ảnh, đồ trang sức, và các dụng cụ nhà bếp đã bị hư hỏng từ trước khi cô chào đời. Và hơn thế là không khí ấm áp đã trở thành đặc trưng của gia đình cô khi tất cả quây quần ăn trong bàn bếp và chia sẻ những câu chuyện cũ và mới.

Và sau nhiều ngày suy nghĩ, Astrid Reischwitz đã tìm ra cách thể hiện: “Kết hợp quá khứ và hiện tại, đó là những bức ảnh cũ của gia đình và ảnh mới chụp phản ánh cách mà tôi nhận thức về di sản của tôi ngày hôm nay. Tôi sử dụng hoa và những mảnh vải rải rác: Những chiếc khăn ăn, khăn trải bàn và treo tường trang trí (từ năm 1799) đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác - như một lời chào hỏi đối với những phụ nữ sống và làm việc dưới mái nhà này. Các mảnh trang phục truyền thống, chôn trong nhiều thập niên trong một thân cây già, thêm một lớp lang lịch sử vào hình ảnh của tôi”.

Astrid Reischwitz đã giành hàng loạt giải thưởng danh giá cho dự án gia đình mạnh mẽ của mình ở các cuộc thi quốc tế ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu.

Hay một dự án khác khá thú vị của nhà nhiếp ảnh Sarker Protick (Bangladesh) với một lối chụp theo trường phái tối giản, sử dụng ánh sáng mang tính trừu tượng, đến cả lời dẫn cũng được viết rất văn chương: “Ảnh chụp vào một buổi chiều khi tôi đang ngồi trên sofa của ông. Cửa đang mở hé và tôi thấy ánh sáng lọt vào, ánh sáng trắng xóa hòa vào cánh cửa trắng lẫn bức tường trắng. John và Prova - ông bà của tôi - họ đã yêu thương lẫn chăm sóc tôi khi tôi lớn lên. Họ từng là người trẻ, từng khỏe mạnh. Thời gian trôi qua, tóc bà chuyển bạc, sơn tường cũng sờn tróc. Ông bà luôn thích tôi chụp ảnh họ, vì khi đó tôi ở bên họ nhiều hơn, và họ không cảm thấy cô đơn nữa”. Anh chụp “những gì còn lại” về chính ông bà anh, liên kết được những gì anh nhìn thấy và cảm thấy. Bộ ảnh đã thắng giải nhì ảnh bộ “Cuộc sống hàng ngày” của cuộc thi ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) 2014.

Và câu chuyện của tôi

Trước đây, tôi đã chụp mẹ nhưng thường là ảnh kỷ niệm gia đình vào dịp lễ, Tết. Dự án “Mẹ tôi” chính thức khởi động tháng 2.2016 khi mẹ tôi nằm ốm trên giường không thể đi lại được. Tôi muốn lưu giữ lại những hình ảnh mẹ không chỉ trong tâm mà trong hình dáng cụ thể.

Mẹ tôi là người đàn bà giàu nghị lực, quả cảm hết lòng thương chồng, yêu con, phấn đấu gian khổ đi lên từ một phụ nữ làm tư liệu đến một PGS.TS. Lê Thị Đức Hạnh với 7 cuốn sách in riêng, 31 cuốn sách in chung, là đại biểu duy nhất của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia đi dự Đại hội đại biểu nữ công nhân viên chức tài năng toàn quốc và đi báo cáo tại Hội nghị lao động giỏi thủ đô, được nhiều lần khen thưởng, huy chương...

Mẹ tôi vốn rụt rè trước ống kính, nhưng dần dần khi bà quen hơn và sợi dây liên kết giữa hai mẹ con ngày càng thắt chặt hơn thì những bức ảnh có hồn hơn. Và tôi đã hiểu mẹ tôi hơn và hơn thế còn được biết những câu chuyện của gia đình, từ cây phả hệ cho đến những ký ức cá nhân... Thật thú vị khi xem lại những bức thư bố viết cho mẹ được mẹ giữ cẩn thận, ngôn từ thấm đẫm yêu thương, trên những chiếc phong bì dán tem đã cũ... Sợi dây chuyền khắc hai chữ cái tên bố và mẹ. Tấm ảnh hai người chụp năm 1965 sau ngày cưới mấy tháng vì khi đám cưới không có điều kiện chụp ảnh.

Chiếc áo dài hồng nhạt mẹ mặc ngày cưới vẫn còn đây và khi treo cạnh những chiếc áo dài mẹ mặc bây giờ vào dịp lễ, Tết hay những khi đi hội họp quan trọng, nó là một so sánh thú vị. Hay câu chuyện về ông bà ngoại ngày xưa vất vả ra sao, thương yêu con cái như thế nào, rồi những giá trị truyền thống được lưu giữ nhiều đời, để sau này, mỗi gia đình nhỏ luôn giữ được cốt cách của một đại gia đình lớn nối tiếp từ thế hệ ông, bà, tổ tiên...

Tôi đã chụp những hình ảnh trong cuốn album gia đình, những đồ vật kỷ niệm còn lưu giữ mang dấu ấn của tình yêu, và những bức ảnh mới thể hiện nỗ lực của mẹ tôi trong hoàn cảnh nào cũng lạc quan, vươn lên chiến thắng bệnh tật, chiến thắng khó khăn. Lúc mẹ gắng gượng chống gậy đi, quyết tâm tập thể dục ngày 2 lần, lúc uống thuốc, khi đi bấm huyệt, thời điểm dần khỏe lại và những chuyện nhỏ như bữa ăn sáng...

“Mẹ tôi” là một dự án ảnh mang tính cá nhân, nhưng ngày càng nhận được sự chia sẻ của anh em, bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Nó đã được in thành sách, triển lãm cá nhân tại một liên hoan ảnh quốc tế (Photometria, Hy Lạp 2017), và đoạt nhiều giải quốc tế tại Mỹ, Nhật, Italia...

Dự án còn tiếp tục...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn