MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh Xâm Pha, Hồ Bể nhìn từ đỉnh tháp Phước Hải An Tự. Ảnh: CTL

Chuyện chưa kể ở giồng Vàm Sát

CAO THÀNH LONG LDO | 08/05/2022 08:34
Ngày nay nếu về Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hẳn ít ai ngờ rằng vùng đất này ngày xưa cũng có cọp, có nai, có rắn hổ mây, rồi khỉ thì bầy bầy. Cả vùng đất này khi xưa vốn là “rừng sác” mà!? Người viết đã có lần được vị trụ trì chùa Prey Chop (xã Lai Hoà - Vĩnh Châu) kể cho nghe chuyện về những con cọp ở đất này. Prey Chop tiếng khmer có nghĩa “rừng liền rừng”.

Theo đó thì cọp ở vùng rừng sác nhỏ con, ngoài chuyện bắt nai, bắt khỉ thì còn có biệt tài bắt cá ở những vụng nước trong rừng. Cọp xứ này trừ khi đói quá chứ gặp người cũng nhát... chỉ cần một đoàn 4-5 người, có cầm theo cây mác thông nạt một tiếng “cọp” thiệt lớn là cong đuôi chạy.

Ngôi chùa Việt xưa giữa rừng Sác Lạc Hoà

Nhưng câu chuyện về cọp thì phải đến thăm Phước Hải An Tự, một ngôi chùa Việt cổ ở giồng Vàm Sát xưa, tức là khu vực xã Lạc Hoà ngày nay. Đến đây, ta sẽ được nghe câu chuyện về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát, xứ Vĩnh Châu, về một thời khó khăn, cực nhọc của những người khai phá vùng đất mới. Tính đến nay, Phước Hải An Tự đã trải hơn 160 năm với 6 đời trụ trì. Đây có thể xem là một ngôi chùa do người Việt lập nên có niên đại lâu đời nhất ở vùng này.

Ngay từ khi mới lập chùa cho đến nay, các vị sự trụ trì chùa đã cho trồng rất nhiều cây sao, vừa để tạo bóng mát, vừa để lấy gỗ xây dựng. Khi xưa, dưới những tán lá sao rợp mát, mái ngói rêu phong của  Phước Hải An Tự là khung cảnh cổ kính, nên thơ. Hiện nay, ngôi chùa dù đang được xây dựng lại nhưng khung cảnh vẫn không khác xưa là mấy. Có chăng chỉ là toà tháp vươn cao khỏi những tán lá sao. Lên đỉnh tháp, cả một vùng rộng lớn của Xâm Pha, Giồng Mù U, Hồ Bể đều nằm trong tầm mắt. Biển vẫn thật gần. Trên đỉnh toà tháp mới xây, vị trụ trì đã cho đúc “một cặp tượng ông Cọp” mà cốt là bộ xương cọp của con cọp được tương truyền là con cọp cuối cùng ở đất Vĩnh Châu. 

Chuyện về con cọp cuối cùng

Câu chuyện về con cọp cuối cùng ở Giồng Sát đến nay vẫn được lưu truyền qua một bài vè con Cọp khá ngộ nghĩnh mà hiện nay, chỉ còn vài người cao niên ở xứ này còn nhớ láng máng. Đó là vào thời điểm năm 1927, khi vùng này vẫn còn hoang vu với những rải rừng sác rậm rạp. Thật may mắn, chúng tôi đã tìm được chú Triệu Vinh Quang (77 tuổi) nhà ở gần bên chùa vẫn còn nhớ được một phần bài vè này. Dưới tán vườn cây sao cổ thụ ông vui vẻ đọc để tôi chép lại bài vè Con Cọp (*) và chuyện ông Tà Sết.

Quang cảnh Xâm Pha, Hồ Bể nhìn từ đỉnh tháp Phước Hải An Tự. Ảnh: CTL

Theo đó thì vùng này còn khá nhiều rắn rít ở mé ven biển Vĩnh Hải xưa có một người tên là Sết có tài bắt rắn và trị rắn cắn. Người ta nói rằng cái lưỡi của ông Sết đen từ ngoài vào tới trong. Khi bị rắn độc cắn, ông chỉ cần lè lưỡi liếm vào vết rắn cắn là nọc độc tiêu ngay. Chú Quang kể rằng chính ông Sết đã qua khu vực Chùa Hải Phước để bắt một con rắn Hổ Mây lớn mà theo người trước kể lại thì ông chỉ ôm được khúc đuôi con rắn này mang về vì con rắn đã chui kịp vào trong một hốc cây Lâm Vồ lớn nên ông Sết ôm đuôi kéo ra không nổi bèn chặt lấy khúc đuôi. Còn rắn Hổ Mây ngày sau bò ra chết ngoài trảng. Nó lớn tới mức phải 5-6 người khiêng mới nổi. Địa danh Trà Sết chính là tên của ông.

Người ta sống không chỉ bằng ăn-uống, mặc-ở, đi lại mà còn sống vì niềm tin. Khi niềm tin ấy nhân sức mạnh của con người lên thì rõ ràng là nó đã trở thành sức mạnh vật chất. Giúp con người vượt qua những gian khó. Vùng cửa sông Mỹ Thanh và cả những vùng cửa sông Tây Nam Bộ trước đây vốn là vùng rừng ngập mặn... Có rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết về ông Hổ, cá sấu, rắn rết ở những khu rừng ấy với bao bí hiểm, nhưng cũng chính là nơi cung cấp nguồn sống cho cư dân. Thông thường, người ta thường linh thiêng hoá nó! Và để chế ngự được những thế lực vừa hư ảo, vừa có thực đó thì người ta cũng phải tìm được sức mạnh tinh thần của chính mình. Và đôi khi những truyền thuyết, những huyền thoại được xây dựng nên từ đó. Truyền thuyết bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng của sự thật và nếu như nó không có lý do thực tế thì nó cũng vẫn tồn tại với lý do về mặt tinh thần. Để tạo được sức mạnh giúp con người vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Mới đó thôi nhưng đã có câu chuyện vụt trở thành quá khứ, nhưng vẫn có những câu chuyện vẫn còn như nguyên vẹn trong tâm thức của nhiều người qua những câu ca dao, bài vè truyền khẩu. Đó chính là sức sống mãnh liệt của dòng văn hoá dân gian khi ghi lại nhưng dấu ấn về con người, về quê hương, xứ sở.

(*) Vè con Cọp ở làng Vàm Sát

Bài vè này chú Triệu Vinh Quang đọc và tôi ghi âm lại khi hai chú cháu cùng ngồi dưới tán lá sao mát rượi ở Phước Hải An Tự. Văn bản được ghi theo giọng đọc “vần vè”, mỗi câu vè kết thúc bằng dấu chấm “.”.

“Trải xem trong tổng Thạnh Hưng. Tại làng Vàm Sát có thôn Lạc Hoà. Trước là có phố có nhà. Lại thêm chùa phật, chùa bà rất linh. Tổng, làng dân sự an ninh. Cao Mên, Chệt Khách thái bình an cư. Kể từ năm tỵ tháng tư. Tại chùa Hải Phước ông sư trên chùa. Đang khi gõ mõ vẽ bùa. Nghe la có cọp chạy ùa ra coi. Kẻ thì sách mác cầm roi. Ông sư miệng niệm nam mô. Ngài là ông chúa đừng hô um sùm... Có chệt Mã Xiêm. Tay cầm cu liêm. Giựt gài móng lay. Sơn lâm nổi giận trở quày. Vố cho một vố thẹo trầy huyên thuyên. Mã xiêm thất vía ngả nghiêng. Anh em xúm lại mà khiêng Xiêm về. Tưởng là xiêm đã có nghề. Hay đâu xiêm lại nhà quê quá đời. Vợ con la khóc kêu trời. Chuyến này mày chết hết đời Xiêm ơi. Bảy Cụt chưa rõ khúc nôi. Còn đang uống rượu loi thoi nhậm nhầy. Nghe la có cọp tới đây. Mau mau bước xuống mời ngài đi tu. Chấp tay cúi lạy chổng khu. Xin ông thương lão đạo tu bạn cùng. Ai ngờ đến lúc cơn khùng. Lại gần ông cọp anh hùng mới khen. Tưởng là ông cọp làm quen. Hay  đâu ông lại chen vô cấu quào. Bảy Cụt hoảng hốt té nhào...”.

Đến đây thì chú Quang đã quên mất những đoạn sau nhưng chú khẳng định là bài vè vẫn còn dài. Chú hứa sẽ cố gắng lần nhớ và sưu tầm lại đầy đủ để tôi chép lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn