MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bảo tồn di tích Cố đô Huế dưới dạng số (3D). Ảnh: Nguyễn Kim Sơn

Chuyển đổi số trong quản lý và phát huy di sản Việt Nam

Nguyễn Kim Sơn LDO | 19/03/2023 14:27
Trong thời đại công nghệ phát triển, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và nó mở ra nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Trong việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, việc số hóa và chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng, giúp quảng bá các giá trị văn hóa trên không gian mạng và mang lại những thay đổi tích cực trong việc giới thiệu hình ảnh, con người Việt Nam đến với mỗi người con dân tộc Việt và bạn bè quốc tế.

Di sản văn hóa Việt Nam - “trăm hoa đua nở”

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Di sản văn hóa, tính đến cuối năm 2019, cả nước hiện có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 13 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 112 di tích quốc gia đặc biệt, 3.494 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh và thành phố, 341 Di sản Văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia; 187 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Hệ thống bảo tàng cũng đang tiếp tục được mở rộng với tổng số 169 bảo tàng (gồm 125 bảo tàng công lập và 44 bảo tàng tư nhân).

Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá này, việc áp dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, lưu trữ số có thể kết nối và chia sẻ trên toàn quốc, sẽ là một trong những biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Trong lĩnh vực bảo tồn di tích, các hoạt động ưu tiên được đặt ra đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di tích phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn di tích, ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa. Việc hình thành dữ liệu số hóa và chia sẻ bằng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, quảng bá về di sản trên môi trường số.

Như vậy, có thể nói chưa bao giờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong mọi hoạt động của đất nước được khuyến khích như hiện nay. Đồng thời, cần xác định rằng, với những chính sách trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động bảo vệ và phát  huy giá trị di sản văn hóa không chỉ còn là một xu hướng chung cần tham khảo mà còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bảo tàng và cơ quan quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Hơn 10 năm qua, công tác sưu tầm, bảo tồn và chuyển đổi số trong quản lý và phát huy di sản văn hóa Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cục Di sản văn hóa hiện lưu trữ hồ sơ và số hóa một phần các tài liệu, hồ sơ liên quan đến Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới; Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Di sản Văn hóa phi vật thể ở tình trạng khẩn cấp, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, bảo vật quốc gia. 

Ngoài ra, tại một số địa phương cũng đã và đang tiến hành triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa. Một số cơ sở dữ liệu do các cơ quan, đơn vị xây dựng và vận hành như: Phần mềm quản lý hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Cơ sở dữ liệu về tu bổ, tôn tạo di tích của Viện Bảo tồn di tích; Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Chương trình quản lý hiện vật và ảnh - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Thuyết minh tự động/2018 - Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ; Phần mềm điều tra di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế/2009 - Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế; Lễ hội cung đình Huế/2016, chương trình thiết lập ngân hàng dữ liệu bảo tồn di tích Cố đô Huế dưới dạng số (3D) - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; Đề án của tỉnh Bắc Ninh xây dựng phần mềm Quản lý khai thác Cơ sở dữ liệu di sản văn hóa; Xây dựng ngân hàng dữ liệu dạng số về di sản gồm hồ sơ khoa học về di sản, dữ liệu hồ sơ số cơ sở dữ liệu không gian 3D...

Viên ngọc đen bên bờ vịnh hạ Long, điểm sáng trong chuyển đổi số

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhận định: Chuyển đổi số, là một trong những hoạt động cần thiết mà các bảo tàng, di tích cần chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới. Mỗi bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới.

Trong đó, Bảo tàng Quảng Ninh là một điểm sáng trong thực hiện chuyển đổi số rất hiệu quả trong thời công nghệ. Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng cấp I trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Đây Là công trình kiến trúc văn hóa nổi bật tại trung tâm TP.Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh đã trở thành điểm đến rất được yêu thích của du khách trong và ngoài nước, thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan. Tính riêng năm 2022 có khoảng 700.000 lượt khách tới đây, ngày cao điểm lên tới 10.000 lượt, mang lại doanh thu hơn 16 tỉ đồng. Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh duy nhất toàn quốc và nằm trong 3 bảo tàng trong cả nước tự chủ 100% về nguồn chi thường xuyên (cùng với 2 bảo tàng chuyên ngành là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng).

Bảo tàng Quảng Ninh hiện có hơn 30.000 hiện vật, trong đó có 12 Bảo vật quốc gia. Cùng với hệ thống trưng bày hiện đại, Bảo tàng Quảng Ninh đã đưa các màn hình tương tác cỡ lớn vào hoạt động; kết nối truyền hình ảnh trực tuyến từ di tích Yên Tử, chiếu phim tài liệu... hỗ trợ gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan. Bảo tàng Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình tivi, màn hình Led và màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị.

Không chỉ sở hữu số lượng lớn hiện vật và Bảo vật quốc gia, Bảo tàng Quảng Ninh còn là bảo tàng tiên phong trong việc xây dựng bảo tàng ảo tại Việt Nam. Bảo tàng phối hợp với Công ty TAJ Media Việt Nam để thực hiện phần mềm bảo tàng ảo, đã được triển khai từ đầu năm 2015. Thông qua bảo tàng ảo, khách tham quan có thể nghe giới thiệu về tổng quan của Bảo tàng Quảng Ninh và lần lượt khám phá các không gian trưng bày với nội dung cơ bản và súc tích.

Kể từ khi ra mắt, bảo tàng ảo 3D của Bảo tàng Quảng Ninh đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem và theo dõi. Du khách có thể tham quan phiên bản số hóa của Bảo tàng Quảng Ninh trên trang web. Toàn bộ không gian của bảo tàng được mô hình hóa bằng công nghệ 3D, bao gồm kiến trúc ngoại cảnh độc đáo của “viên ngọc đen” bên bờ vịnh Hạ Long, các không gian bên trong như “khoang thuyền” chứa lịch sử của nhiều thời đại, hầm lò khai thác than dưới lòng đất và Bảo vật quốc gia trên non thiêng Yên Tử.

Ngoài khả năng cung cấp góc nhìn chân thực cho khách tham quan chưa có điều kiện đến trực tiếp, Bảo tàng Quảng Ninh còn trang bị kiốt tương tác để du khách có thể tìm hiểu trước khi bắt đầu hành trình khám phá. Bảo tàng ảo của Bảo tàng Quảng Ninh đã ghi nhận được lượng truy cập tăng cao trong những thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Bộ VHTTDL phê duyệt Quyết định 3611 năm 2021 về Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa hướng đến phát triển kinh tế số do Bộ VHTTDL quản lý gồm: Di sản văn hóa, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; thư viện; du lịch; thể thao...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn