MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện gia đình hơn 200 năm dạy học ở thủ đô

Nguyễn Thu Hiền LDO | 05/07/2020 20:06
Trên số báo Thanh Nghị đầu tiên, giáo sư Vũ Đình Hoè có viết: Trong giáo dục gia đình không thể dùng cách thuyết giáo, chỉ có thể giáo dục bằng gương mẫu của chính người lớn. Không chỉ viết mà chính ông đã làm như vậy.
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cùng vợ trong thời kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp

Gia đình nhà giáo

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dạy học, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi được biết đến là người có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục. Bên cạnh việc giảng dạy tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Hà Nội), thầy còn là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Nga, tác giả của bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Nga, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về văn hóa và giáo dục.

Gặp thầy trong căn nhà nhỏ nằm khép mình trên phố Đội Cấn, đúng như hình dung của chúng tôi, thầy xuất hiện trong dáng vẻ giản dị, chỉn chu quen thuộc của một nhà giáo với chiếc áo sơ mi trắng cùng quần vải tối màu. Đón chúng tôi, thầy cầm theo mấy cuốn sách về cụ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) và ông Vũ Đình Hòe (1912 - 2011).

Gia đình thầy Vũ Thế Khôi có hơn 200 năm làm nghề dạy học tại Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ khoảng năm 1770 thời cụ Vũ Tông Uyển - ông nội cụ Vũ Tông Phan - cho đến ngày nay. Trong suốt 8 đời làm nghề giáo, có những cái tên đã ghi danh sử sách, trở thành tên của những con đường như Vũ Tông Phan.

Cụ Vũ Tông Uyển đỗ Hương cống từ thời Lê sau làm tới Thị nội văn chức, phụ trách việc thảo công văn giấy tờ và dạy học trong phủ Chúa Trịnh ven hồ Hoàn Kiếm.

Cha cụ Vũ Tông Phan là cụ Vũ Tông Cửu đỗ tú tài khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn. Sau đó, “ẩn cư thụ đồ” (ở ẩn đi dạy học), cụ đi dạy ở các làng ven Thăng Long và xứ Đoài, mở trường dạy chữ Hán ở làng Mậu Hòa. Trường tồn tại suốt hơn một thế kỷ từ năm 1807 cho đến khoảng năm 1918, truyền lại lần lượt cho năm thế hệ ông đồ họ Vũ.

Cụ Vũ Tông Phan đỗ tiến sĩ vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Sau 7 năm lăn lội chốn quan trường, cụ nhận ra “học gương người xưa, nay làm quan chẳng hợp” nên đã cáo quan về thôn Tự Tháp nằm ở phía tây Hồ Gươm, mở trường Hồ Đình dạy học. Học trò của cụ nhiều người đỗ đạt cao trở thành những trọng thần triều Nguyễn. Cụ Nghè Phan không những dạy học giỏi mà còn là một nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc trong nửa đầu thế kỷ XIX. Với cụ, dạy làm người mới quan trọng, vì thế, tiến sĩ Vũ Tông Phan đã cùng Thần Siêu, Thánh Quát, các ông Nghè, ông Cử Hà thành lập hội Hướng Thiện, sáng lập đền Ngọc Sơn để chấn hưng văn hóa Thăng Long. Nhờ vậy, nhiều môn sinh của cụ đã trở thành những văn thân, sĩ phu yêu nước, tích cực tham gia các phong trào chống Pháp.

Cứ như vậy, cha truyền con nối, đến giáo sư Vũ Đình Hòe là đời thứ 7. Tốt nghiệp khoa Luật tại Viện Đại học Đông Dương, sau đó tham gia giảng dạy tại hai trường tư thục nổi tiếng là Thăng Long và Gia Long, ông còn tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội khác như giữ chức Chủ nhiệm báo Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Hội truyền bá Quốc ngữ. Tháng 8.1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau là Bộ trưởng Tư pháp trong suốt 15 năm.

Nối nghiệp gia đình, con trai trưởng của giáo sư Vũ Đình Hòe - thầy Vũ Thế Khôi - tiếp tục công việc giảng dạy và đào tạo thế hệ trẻ. Ngoài thầy Vũ Thế Khôi, gia đình còn có năm người em cũng từng dạy học. Trong số đó, chỉ có bà Vũ Băng Tú được định hướng đào tạo về chuyên ngành sư phạm, trở thành cô giáo dạy văn giỏi ở Hà Nội, được phong Nhà giáo ưu tú. Những người còn lại đều xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật hoặc khoa học xã hội và mặc dù không được đào tạo theo nghề sư phạm một cách bài bản, song như thầy Vũ Thế Khôi chia sẻ, do truyền thống của gia đình, nghiệp dạy học dường như đã ngấm vào máu, cho nên bước lên bục giảng là dạy say mê và trở thành những người dạy giỏi, yêu nghề.

Kết hợp giữa giáo dục với hoạt động văn hóa - xã hội là một trong những điểm đặc biệt của gia đình với hơn 200 năm dạy học này. Từ thời cụ Vũ Tông Phan, cụ quan niệm: Nếu chỉ đóng khung trong việc dạy học sẽ không giải quyết hết được hoài bão của mình, vì thế bên cạnh việc dạy học, các thế hệ vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống, kết hợp dạy học với nghiên cứu và tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội khác.

Nhà giáo Vũ Thế Khôi.

Nghề chọn người

Năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp chấm dứt. Nhiệm vụ cấp thiết lúc này là khôi phục, kiến thiết lại đất nước cùng sự giúp đỡ của một đội ngũ các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc. Trước tình hình đó, chàng trai Vũ Thế Khôi lúc bấy giờ được cử sang Liên Xô học tập.

Thầy Vũ Thế Khôi kể lại: “Hồi đó, chúng tôi đang học trường Thiếu sinh quân Việt Nam, 10 giờ đêm có lệnh tập hợp lại, nghe đọc lệnh 100 người đi học tiếng Nga. Sau hai năm học chuyên môn tiếng Nga, 80 người phải về nước phục vụ, làm phiên dịch cho chuyên gia Xô Viết. 20 người còn lại, trong đó có tôi, được cử học tiếp 5 năm đại học để trở thành giảng viên dạy tiếng Nga”. 

Đó cũng là cái duyên đưa thầy Vũ Thế Khôi đến với nghề giáo. Tự nhận thấy, bản thân mình là người hạnh phúc vì nghề giáo lại vô tình phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, một trong những lý do khác khiến thầy yêu nghề đó là sự độc lập. Độc lập trong sinh hoạt tinh thần, trong nghiệp vụ chuyên môn, độc lập về mặt thời gian và kế hoạch làm việc. Bởi bên cạnh việc giảng dạy, thầy còn dành thời gian để nghiên cứu và tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội khác theo đúng truyền thống gia đình.

Dù cách nhau bởi một khoảng cách thế hệ nhưng quan điểm dạy học trò của gia đình với hơn 200 năm dạy học này luôn có những điểm tương đồng. Với tiến sĩ Vũ Tông Phan, dạy học không phải là dạy làm quan để vinh thân mà là đào tạo ra những kẻ sĩ giúp đời, như bức hoành vua Tự Đức ban, từng treo tại từ đường họ Vũ: “Đào thục hậu tiến” (Rèn luyện lớp người sau). Trong quá trình giảng dạy, cũng có những cơ hội thay đổi công việc chuyển sang ngạch quan chức, với vị trí cao hơn khiến thầy Khôi phải cân nhắc nhưng rồi thầy vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, với học trò: “Đối với tôi quan trọng nhất là sự thành đạt của học trò” - thầy Khôi chia sẻ.

Con cái - tấm gương phản chiếu của cha mẹ

Trên số báo Thanh Nghị đầu tiên, giáo sư Vũ Đình Hoè có viết: Trong giáo dục gia đình không thể dùng cách thuyết giáo, chỉ có thể giáo dục bằng gương mẫu của chính người lớn. Không chỉ viết mà chính ông đã làm như vậy.

Với thầy Vũ Thế Khôi, kỉ niệm lớn nhất trong cuộc đời có lẽ là gương của người bố. “Mặc dù xuất thân trong gia đình nho giáo nhưng ông cụ tôi là người rất tiên tiến. Một là, luôn miệng nói tay làm. Hai là, luôn tôn trọng ý kiến của các con, khi cần quyết định, cụ vẫn quyết định nhưng cụ luôn hỏi, bàn, luôn có ý thức gây dựng nền nếp gia đình” - thầy chia sẻ.

Thời kháng chiến chống Pháp khó khăn, mỗi lần đi công tác chính phủ về, giáo sư Vũ Đình Hòe lại xoay trần, cầm cuốc ra vườn tăng gia sản xuất, gọi các con ra làm cùng, đứa cuốc đất, đứa nhổ cỏ, đứa hái chè, nấu cơm. Rồi vợ giáo sư, cô con gái quan Tuần phủ Sơn Tây vốn sống trong nhung lụa, thời kháng chiến khó khăn cũng quay sang cấy lúa, vắt sữa dê, sao chè... một mình gánh vác giang sơn nhà chồng 14 người để chồng yên tâm đi làm việc nước.

Bản thân thầy Vũ Thế Khôi, đến khi làm một người bố, một người ông cũng luôn cố gắng làm tấm gương cho con cháu. Thầy chia sẻ: Một ví dụ nhỏ trong việc đọc sách. Gia đình tôi từ cụ Hòe đã tạo cho các con từ nhỏ có thói quen đọc sách. Khi mới có hai con trai, cụ đã lập tủ sách Khôi - Khanh. Noi theo gương cụ, tôi lập tủ sách Minh - Thắng mang tên hai con trai tôi. Đến khi có cháu, tôi cũng lập riêng cho nó một tủ sách nhỏ. Nhờ có ông hướng dẫn, mới 5 tuổi nhưng cháu tôi đã ham đọc, tủ sách của cháu có tới 300 đầu sách. Cần chia sẻ với bạn bè ở quê, cháu có thể rút trên giá xuống một lúc 50 cuốn. Với cháu trai nhỏ, mới học lớp 3, tôi dành thời giờ chơi cờ vua, chơi bóng rổ, học tiếng Anh cùng nó. Trẻ con nó tinh lắm, ai dành thời gian cho nó, bảo ban nó là nó biết người đó yêu thương nó. 

Trong một bài báo cuối đời, giáo sư Vũ Đình Hòe viết: Trong một tuần, phải có một ngày ông bà được trông thấy, được chơi với các cháu, để các cháu lớn lên thành những người nhân hậu. “Chơi với ông bà để học tình thương và cách giao tiếp với con người" - thầy Vũ Thế Khôi kết luận. Chính vì vậy, giáo dục gia đình, không chỉ là trở thành tấm gương cho con cháu noi theo mà cũng cần được thực hiện bằng hành động, sự yêu thương, sẻ chia và quan tâm nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn