MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và tờ Báo Lao Động số đầu tiên.

Chuyện kể về lần xuất bản bí mật đầu tiên

LAO ĐỘNG LDO | 14/08/2020 10:00
Ngày 28.7.1929 tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón - Hà Nội, lúc đó là Hiệu thuốc lào Thuận Mỹ, đã diễn ra một cuộc hội nghị quan trọng sau này trở thành một sự kiện lịch sử: Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (TCHĐBK). Dự hội nghị có 7 đại biểu do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, quyết định ra một tờ báo mang tên Báo Lao Động, một tạp chí mang tên Công hội Đỏ.

1. Tại sao ngay trong cuộc họp thành lập Tổng Công hội đỏ đã quyết định ra một tờ báo? Và tờ báo mang tên Báo Lao Động? Câu trả lời chỉ có thể tìm trong những kinh nghiệm đầu tiên của Cách mạng Việt Nam và trong phong trào công nhân quốc tế. Nguyễn Ái Quốc - người Cộng sản và người đoàn viên Công đoàn đầu tiên của Việt Nam, năm 1922 sau khi thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, đã tổ chức xuất bản tờ báo Lơ Paria (Le Paria, Người cùng khổ). Tờ báo đã tạo một luồng gió cách mạng thổi qua Đông Dương và nhiều nước thuộc địa khác. Năm 1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) và sau đó ngày 21.6.1926 xuất bản tờ tuần báo Thanh Niên - cơ quan của Tổng bộ Thanh niên. Ngày 21.6 sau này trở thành ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. 

Năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu của VNTNCMĐCH, đã được đọc báo Thanh Niên và nhiều số báo Lơ Paria, chắc chắn đã cảm thụ nhạy bén những kinh nghiệm vận động cách mạng bằng một tờ báo, và ông đã vận dụng ngay vào việc sáng lập tổ chức Công đoàn năm 1929. Còn tại sao tờ báo mang tên Báo Lao Động thì chắc chắn cũng bắt đầu từ Nguyễn Ái Quốc. Những năm đầu của thập kỷ XX, ông đã có mặt ở Liên Xô, đã đọc báo Lao Động của Tổng Công hội Liên Xô. Những chuyện kể của ông về Liên Xô, về Công đoàn Liên Xô và tờ Báo Lao Động chắc chắn đã được Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn - hai người giảng viên trong lớp huấn luyện năm 1927 của TNCMĐCH - kể lại cho Nguyễn Đức Cảnh nghe, và tên tờ báo đã hình thành cùng với chủ trương ra báo.

Sau hội nghị 28.7, Nguyễn Đức Cảnh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị ra Báo Lao Động. Địa điểm làm báo là một ngôi nhà nhỏ ở Ngõ Thông Phong đầu phố Hàng Bột, ngày nay là phố Tôn Đức Thắng. Đặc điểm ngôi nhà là nó quay lưng ra một cái hồ mang tên Hồ Giám, ở một góc hồ có một hòn cù lao um tùm cây cối, bên kia bờ hồ tiếp giáp với một khu vườn có lối thông sang cổng lớn của khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám, thời đó cũng rậm rạp cây cối. Tường sau của ngôi nhà là một bức tường mỏng, tường mười, có khoét sẵn một lỗ hổng đủ người chui lọt, xếp gạch và dán giấy báo để nghi trang, phòng khi có động, người làm báo chỉ việc chui ra bờ hồ, bơi ra ẩn trong hòn cù lao. Khi cần thì bơi sang bên kia hồ, lọt vào khu Văn Miếu, tạm nương thân dưới bóng các bậc thánh hiền, hoặc luồn ra phố tẩu thoát. Ngày nay, trước cửa Văn Miếu, bờ hồ bị san lấp, nhà cửa mọc lên san sát, nhưng cái hồ và hòn cù lao vẫn còn.

2. Một điều hết sức may mắn cho tất cả thế hệ làm Báo Lao Động là một trong hai người đầu tiên làm Báo Lao Động năm 1929 còn hiện diện cho đến 1994: Trần Hồng Vận. Tháng 11.1993, ông xuất hiện tại Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam trong tiếng vỗ tay vang dội kéo dài. 

Trần Hồng Vận tên thật là Trần Văn Sưu. Sau khi ở Côn Đảo về, tên chính thức ông dùng cho đến nay là Trần Học Hải. Ông sinh ngày 5.5.1905 (tuổi Tỵ), quê xã Yên Lãng, nay là Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương (Hải Hưng). Hồi nhỏ, học ở Hải Dương, đậu séctiphica (certificat, cao đẳng tiểu học) nhưng không lĩnh bằng. Ông đã làm phu mỏ ở Mạo Khê, sau làm y tá Nhà thương (bệnh viện) Phủ Doãn. Có hai sinh viên Trường Đại học Dược cho ông mượn tờ Lơ Paria và Việt Nam Hồn, đọc say mê và bắt đầu liên lạc với những người cách mạng và yêu nước. 

Trong một cuộc dẫn đầu tẩy chay mấy sếp Tây, bị trù, đẩy xuống Nhà thương Cống Vọng (Bạch Mai). Tại đây, gặp năm chết dịch nhiều, một đêm đi qua nhà xác thấy có tiếng động trong một áo quan, bảo người gác thử mở nắp, thì thấy một cô đào (người làm nghề hát ca trù) còn sống mà đã bị đổ vôi bột; bèn khiêng vào, cứu được. 

Sau sự việc này, ông bị đuổi lên Tuyên Quang, rồi ra mỏ Cẩm Phả đẩy xe than. Trong một cuộc cãi nhau với cai, buột miệng nói tiếng Pháp, nó thắc mắc tại sao culi mà nói được tiếng Pháp; bèn thú thật đã từng làm y tá. Cai cho làm y tá ở Mông Dương. Tại đây, ông tham gia hoạt động cách mạng, được điều về Hà Nội, làm thợ cho hãng Avia (Nhà máy ôtô Ngô Gia Tự sau này). 

Ông tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 17.6.1929, được Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Đảng bộ Hà Nội lúc đó - phân công phụ trách công vận. Ông đã thành lập công hội ở Avia và lãnh đạo bãi công ở đó. 

Ngày 28.7.1929, ông dự Hội nghị thành lập TCHĐBK ở 15 - Hàng Nón với tư cách đại biểu Hà Nội. Năm 1930, ông bị thực dân bắt, bị kết án đầy ra Côn Đảo, ở đây 15 năm. Năm 1945, ông trở về đất liền cùng các bạn tù khác. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, ông làm Bí thư Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Năm 1954, ông ra Bắc làm ở ngành Ngân hàng.

3. Trần Hồng Vận kể:

- Số 1 Báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 đúng nửa tháng sau hội nghị thành lập TCHĐBK. Nơi làm báo là nhà chị Vinh, có em gái là Hồng, em trai là Hiển. Cậu Hiển đẹp trai, tính tình điềm đạm, không to tiếng với ai bao giờ, biết giữ bí mật. Chị Vinh vốn là người của Quốc dân Đảng được Nguyễn Đức Cảnh nói cho những hiểu biết mới, liền theo cộng sản. Làm báo thời đó tuy đơn giản nhưng cũng rất lỉnh kỉnh. Nào là giấy mua về cất giấu ở đâu, rồi là khay, đất sét, chỗ phơi phóng, nơi viết bài, nơi trình bày... rất dễ bị lộ. 

Ngoài Vinh còn có một nữ đồng chí xinh đẹp tên là Vân. Vân chữ đẹp, giúp tôi làm công việc ấn loát nghĩa là chép bài lên giấy làm bản in trên đất sét. Vân lại thông minh, bảo viết cho những tin ngắn, viết được ngay. 

Chúng tôi bảo Vân chạy mua giấy Kỳ Lân để in cho đẹp, Vân lùng sục nhưng xem ra khó, đành bảo Vân thôi, dùng giấy Đáp Cầu vậy. Tôi chạy mua thạch, định in thạch cho đẹp nhưng số lượng nhiều, chưa có nhân mối, cũng lại sợ lộ. Tôi đành dùng đất sét lấy ở ao Ngọc Hà, đem về còn phải lắng, lọc cho thật mịn rồi mới đóng thành khuôn in. Định in mỗi lần 40 bản, nhưng chỉ được 25 bản chữ đã bắt đầu mờ. Phải làm khuôn chữ nhiều lần vậy. 

Mỗi khuôn chữ chép bằng mực tím đặc, áp lên mặt đất sét để 10 phút rồi mới bóc, sau đó in từng tờ. In xong, vận chuyển đến chùa Hương Tuyết gần đường phố Bạch Mai, phát hành ở đấy. Phát hành viên là các bà, các chị buôn thúng bán mẹt, chạy hàng trên tàu hoả. Báo Lao Động phát hành cùng với báo Búa Liềm của Đảng, xếp trong những cái thúng hai đáy, đưa về Sơn Tây, Phủ Lý, Hải Phòng, Thái Bình, Hòn Gai. 

Tôi phát hành báo về quê Hải Dương. Tôi có nhân mối ở nhà máy rượu, một anh làm suyếcvâyăng (bảo vệ) trước có đi lính khố xanh. Nhưng chỉ được một thời gian rồi cắt. Tôi nhận thấy anh này tính tình không kín đáo.

Nguyễn Đức Cảnh rất bận, anh đến từng lúc, kiểm tra công việc rồi đi. Khi cần soạn bài, anh bơi ra hòn cù lao giữa hồ, ở lỳ ngoài đó. Cô Vân thường lóng ngóng trong nhà trông chừng, canh gác cho anh. Sau này, Vân được cử đi làm tài chính cho Đảng. Chúng tôi quyết nghị cấm làm tài chính bằng các biện pháp mạo hiểm và cử Vân làm việc này là thích hợp nhất.

Năm 1929, báo Lao Động ra được 4 số thì ngừng. Ba số đầu in bằng đất sét, số 4 in bằng máy stăngsin. Báo ngừng vì anh Cảnh phải điều động đi công tác khác, rời khỏi Hà Nội. Lúc đó chỉ biết thế, sau này mới biết anh được cử vào Vinh và bị bắt ở đó.

Năm 1983, Trần Học Hải tức Trần Hồng Vận đến thăm Toà soạn Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ, Hà Nội. Ông đã phác họa lại cho anh chị em hình dung được makét trang 1 số 1 Báo Lao Động ra ngày 14.8.1929 và sao lại bài báo trên trang 1 mà ông đã thuộc lòng: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại! Toàn kỳ đại biểu đại hội lần thứ nhất của Bắc Kỳ lao động liên hiệp Tổng Công hội”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn