MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ thể dục giữa buổi đầy tươi vui.

Cô giáo ơi, bao giờ lại đi học?

quân anh - tâm ninh LDO | 01/01/2018 08:07
“Phụ huynh bây giờ nghỉ hè cứ gọi điện hỏi: Cô giáo ơi, bao giờ lại đi học. Họ muốn con họ đến trường chứ không muốn để ở nhà nữa”, cô Lê Thị Hoàng Yến - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Khắt (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) xúc động chia sẻ.

Đó là những tín hiệu tích cực của Đề án hợp lòng dân và mang tính nhân văn sâu sắc “chuyển đổi mô hình bán trú” mà Sở Giáo dục tỉnh Yên Bái đã thực hiện ở điểm trường Nậm Khắt xa xôi này. 

“Con đã biết bày đĩa trái cây”

Vượt dốc đèo lên điểm trường cao chót vót của xứ sở Mù Cang Chải, nhiều người trong đoàn chúng tôi đã phải ngỡ ngàng trước một Nậm Khắt tiện nghi, quy củ, chẳng thua kém trường chuẩn quốc gia nào dưới thành phố. Cổng trường được làm kiên cố bằng những thanh sắt to bản, chắc chắn, có bảo vệ túc trực. Khoảng sân đầy nắng lát gạch hồng tươi, có bồn hoa cây cảnh, có khẩu hiệu gắn trang trọng trên những tòa nhà nhiều tầng. Một khuôn viên rộng lớn với đầy đủ phòng, lớp, thư viện, sân chơi, bếp nấu, vườn rau, phòng ăn, phòng ngủ, phòng y tế ngăn nắp, tiêu chuẩn và ấm áp.

Lớp học thực hành với không gian mở ngoài sân có mái che, tốp học trò nhỏ chụm đầu vào nhau xếp hình, nặn con vật bằng đất đầy màu sắc. Vẻ đông đúc, có phần chật chội của cô trò dưới nắng nhẹ và nhiệt độ quanh năm lúc nào cũng hiu hiu lạnh.

Nhóm con gái trong khu bếp thực hành nấu ăn được học cách nặn bánh, cắt tỉa trái cây, bày đĩa trông rất đẹp mắt. 5 học sinh lớp bốn đang thay nhau bày đĩa táo, đĩa dưa giống như cánh thuyền, như bông hoa hướng dương mở trăm cánh. Cả năm em đều chuyển từ điểm trường lẻ về hơn một năm trước và đây là lần đầu tiên các em được học cách bày đĩa trái cây. Một cô bé tóc đuôi ngựa ngúng ngẩy cho biết: Con đã biết xếp đĩa hình trái tim, hình ông mặt trời đấy, ở trường cũ không được học thế này đâu…

Cô Hoàng Yến, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường chia sẻ: “Các em chia nhóm và lần lượt được thực hành như nhau, cả học sinh nam và nữ đều được học, hai cô giáo khéo tay được giao phụ trách lớp nấu ăn này. Chúng tôi muốn các em học thêm những kỹ năng của cuộc sống, hay chí ít ở độ tuổi này các em cũng được quan sát, tập làm để hiểu biết dần”. 

Khuôn viên trường học lớn, với đầy đủ điều kiện học tập ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Khắt.

Tiếng trống giờ ra chơi điểm, sân trường như đàn ong vỡ tổ, rồi tiếng loa cất lên thông báo giờ tập thể dục giữa buổi bắt đầu. Học sinh ríu rít xếp hàng dài trong trang phục đồng phục đẹp mắt, sau đó cùng im lặng thực hiện những động tác vươn vai, cổ theo tiếng nhạc du dương.

Một đồng nghiệp của tôi thốt lên: Leo dốc vượt đèo mỏi chân suốt cả một ngày mới gặp được điểm trường như thế này, giá như có thêm nhiều điểm trường nữa cho con em đồng bào các dân tộc nước ta ở trên những bản mù sương gian khó và thiếu thốn này.

Còn nhớ chỉ vài giờ trước, chúng tôi phải chứng kiến hình ảnh cơm nắm măng rừng, mì tôm lạnh ngắt của các cháu ở điểm trường lẻ Lìm Thái, xã Khau Phạ. Lớp học bằng những tấm ván ghép tạm và cô trò quây bạt nằm trên phản cùng nhau cho bớt lạnh... mà thương đến buốt lòng. Ước sao các em đều được chuyển đổi đến những điểm trường ấm áp và chắc chắn như ở Nậm Khắt này. Được biết, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch và xúc tiến thực hiện việc nhân rộng mô hình của Nậm Khắt ra khắp các bản làng, trong đó có Lìm Thái.

Được nhiều hơn mất

Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Khắt thực hiện đề án mô hình chuyển đổi thành trường bán trú trong khoảng thời gian 2 năm qua. Sự chuyển đổi này được ban lãnh đạo nhà trường đánh giá là được nhiều hơn mất.

8 điểm trường lẻ đã được chuyển về điểm trường chính Nậm Khắt, đưa số lượng học sinh từ 300 em lên 681 em. Số học sinh được ở bán trú theo quy định là trên 3km từ nhà đến trường, còn dưới khoảng cách này các em phải đi về mỗi ngày. Nhưng tính số lượng ở bán trú đã chiếm tới 72% tổng số học sinh của toàn trường. Chi phí để các em ở bán trú được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. 

Lớp học thực hành vui chơi ngoài trời để các em được thay đổi không gian học tập ngay tại trường.

Cái khó ban đầu là thuyết phục phụ huynh học sinh, vì thấy con đi học xa quá, bố mẹ nhớ và không yên tâm khi con còn nhỏ. “Nhà trường và giáo viên phải mất một thời gian thuyết phục, làm tâm lý cho phụ huynh, đến nay thì phụ huynh nào cũng muốn con được đến trường. Vì gửi đầu tuần, cuối tuần mới đón con về cho nên nhiều bố mẹ đi làm cũng tiện. Nghỉ hè mà thấy lâu lâu thì họ gọi điện bảo: Cô giáo ơi, bao giờ lại đi học, sao nghỉ hè lâu thế vẫn chưa đến năm học mới à...”, cô Hoàng Yến, Phó Hiệu trưởng cho biết.

Cô Yến phân tích thêm: Việc chuyển đổi này được nhiều hơn mất chứ, thứ nhất là các em học ở môi trường có đầy đủ điều kiện để học tập, được cọ xát với các anh, chị và các bạn cho nên tự tin, mạnh dạn hơn, tự lập hơn. Rồi còn được học các kỹ năng cơ bản, được ăn ngủ, học tập có giờ giấc, khoa học. Phụ huynh xuống thăm thấy thế đã bắt đầu thích thú với môi trường mà các con được học tập, họ đã rất yên tâm và muốn gửi con đến.

Chẳng hạn như việc ăn uống, ăn ở trường bao giờ cũng đúng bữa, có thức ăn đầy đủ, dẫu ít nhưng không có bữa nào thiếu rau, thịt hay cá. Bữa ăn được nóng sốt, chỗ ngủ, chỗ học tập sáng sủa, ấm áp. Rau được trồng ngay tại “Vườn rau của em” trong khuôn viên trường... Những điều kiện này ở các điểm trường lẻ hiện nay chưa thể làm được một cách đầy đủ.

Thuận lợi nữa là các cô không phải đi đến từng nhà vận động học sinh đến trường nữa, khi về đây thì tự nhiên không phải đi gọi nữa, phụ huynh cứ bảo nhau, người nọ mách người kia thế là họ tự nguyện đem con xuống. Học sinh nghỉ cũng ít, hầu như chỉ khi ốm, có khi ốm còn không muốn về nữa. Có phụ huynh con ốm, đi ra xe trường bảo: Cô giáo ơi, hôm nay mới đi đến báo cáo với cô giáo là vì mình không có điện thoại, nhưng hôm nay mình mới đưa con ra vì con mình ốm, ở nhà con khóc cứ đòi đi thôi. 

“Góc vẽ” trong cũng nằm trong không gian mở của sân trường.

Cô Phạm Thị Lân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian đầu khá vất vả, cơ sở vật chất quá tải, hơn một nửa học sinh dồn về, cái gì cũng thiếu thốn, lạ lẫm. Sau hai năm thì cơ bản đã đi vào ổn định, cơ sở vật chất được xây mới, bổ sung, chất lượng giáo viên và học sinh đều được nâng cao. Đề án đã cho thấy tính khả thi của nó.

Cái thiếu hiện nay là nhân viên hợp đồng 68, nhân viên thư viện, quản sinh để giáo viên giảm việc làm ngoài giờ. Vì lượng học sinh đông, mà có những lớp còn bé như lớp 1, lớp 2, nên giáo viên phải thay mẹ chăm sóc các cháu cả sinh hoạt cá nhân nữa thì hơi vất vả.

Đề án chuyển đổi sang mô hình bán trú, với điều kiện lý tưởng để học tập cho con em vùng dân tộc thiểu số đó là một tín hiệu đáng mừng. Sẽ không còn cảnh cơm đùm, chân đất vượt đường xa đến trường, không còn cảnh sách, bút mượn chung, bàn ghế cọc cạch. Với sự ủng hộ của phụ huynh về khoảng cách địa lý và sự bảo bọc thầy cô để các em được phát triển dưới mái trường đúng chuẩn, hứa hẹn sẽ có được những thế hệ học trò chất lượng.

Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 03.3.2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016-2020 được xây dựng nhằm huy động tối đa học sinh ra lớp, đưa học sinh tại những điểm trường lẻ có quy mô nhỏ về học tại điểm trường chính, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, công tác xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị trường Mầm non, Tiểu học, THCS, PTDTBT trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Kết quả thực hiện bước đầu, sau sáp nhập cuối năm học 2015-2016 (tháng 6.2016), toàn huyện có 34 trường với 47 điểm trường lẻ. Có 522 nhóm, lớp với 16.600 cháu, học sinh, có 8.160 học sinh bán trú; 17 trường PTDTBT, 4 trường chuẩn quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn