MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hạt cơm trắng tinh gợi ký ức tuổi thơ là thước quà Tết quý giá ở miền Tây.

Cốm nổ ngày Tết ở miền Tây

Bài và ảnh Phong Linh LDO | 15/01/2024 08:07

Ở vùng chuyên lúa gạo của chúng tôi, món ăn vặt nhiều không đếm xuể, nhưng để liệt kê món ngon uy tín ngày Tết thì nhất định phải có mứt dừa, chuối ngào đường, kẹo me,... và nhất là cốm nổ.

Thanh âm ngày Tết

Nhiều năm cận Tết được mẹ đưa sang ở nhà ngoại, đủ để tôi nhớ món cốm nổ được làm như thế nào. Theo đó, cốm chủ yếu được làm từ gạo nếp, với đồ nghề là một bếp lửa hồng, một ống nổ và một túi mành chứa cốm. Đầu tiên, người làm cho gạo vào bên trong ống, đặt lên bếp lửa rồi liên tục quay ống nổ cho đều tay. Công đoạn này không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh nhưng cần sự nhẫn nại và nhanh tay để gạo không bị khét. Khoảng chừng 15 phút, vô số hạt gạo cũng chín căng để chuẩn bị cho cốm ra lò.

Du khách xem đập cốm nổ tại Cồn Sơn.

Lúc này, người thợ (thường là đàn ông vì có sức khỏe) sẽ mang ống nổ rời khỏi bếp và đặt hướng vào túi mành. Một người khác sẽ cầm thanh gỗ hoặc cây búa gõ vào phần chốt trên ống nổ. Lúc đó, nắp ống sẽ mở ra và giải phóng toàn bộ áp suất. Sau tiếng nổ “Đùng!”, gạo rang cũng có được hình hài mới - vô số hạt cốm trắng tinh tuôn vào túi mành, tạo nên món cốm nổ miền Tây.

Du khách hứng cốm nổ.

Nghe thì đơn giản nhưng chính thanh âm nồng nàn đó đã ôm ấp chúng tôi từ tấm bé đến khi trưởng thành. Ngày đó, khoảng độ hai mươi ba tháng Chạp, cả nhà tôi thường về nhà ngoại xin làm cốm nổ và ăn dần trong Tết. Người lớn thì hàn huyên còn bọn trẻ con thì mải tranh giành tạo ra tiếng nổ. Các anh họ tôi thường hào hứng thưởng thức ngay tại chỗ, không như bọn con gái phải đợi ngào đường mới chịu nhâm nhi.

Những hạt cơm trắng tinh gợi ký ức tuổi thơ.

Với cốm ngào đường cũng không xa xỉ là bao, chủ yếu phải chọn một cái chảo to, cho đường thốt nốt hoặc đường chảy, thêm một chút nước, một ít gừng chỉ thái thật mỏng. Sau đó, bắc chảo lên bếp đảo đều cho đường tan thành chất lỏng màu cánh gián đẹp mắt.

Du khách nước ngoài thích thú với cốm nổ miền Tây.

Lúc này, cho cốm gạo vào chảo, dùng hai chiếc đũa tre loại to để đảo nhanh cốm, giúp cho các hạt cốm dính đường thật mịn đều. Kế đến, người ta đổ chảo cốm đã ngào đường ra cái mâm lớn với độ dày chừng 3 - 5cm, ai thích thêm mè, đậu phộng rang cũng có thể rắc thêm một lớp rồi hãy cán. Đợi chừng vài phút, khi khối cốm đã cứng lại và nguội bớt, người ta có thể cắt ra và thưởng thức.

Cốm nổ có thể để được lên đến hai tuần nhưng thường thì chúng tôi ăn nhanh lắm! Có năm chưa sang mùng 3 Tết là nhà đã hết cốm, không phải vì lâu ngày không được ăn mà vì mải mê vị ngọt của đường và hạt cốm tan đều trong miệng.

Thức quà du lịch

Ở miền Tây ngày nay, món cốm nổ không khó tìm, từ các tiệm tạp hóa ven đường, ven sông đến các chợ cóc, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đâu đâu cũng có. Nhưng có vẻ người ta làm theo công nghiệp nên gói nào cũng có vị như gói nấy, không như những ngày xưa, có hôm ngọt bùi, có hôm thanh nhẹ.

Rồi một bận tôi có việc sang đất Cồn Sơn, TP Cần Thơ, tiếng “Đùng!” - của cốm nổ tại Nhà vườn Công Minh trả tôi trở về bao ký ức. Khách tham quan ai nấy đều háo hức vì mắt thấy, tai nghe “tuyệt phẩm ăn vặt” của đồng bằng. Anh Bùi Công Thuận, hướng dẫn viên du lịch tại đây chia sẻ: “Ngay cả chính tôi, có khi nghe quen tai vì cả ngày có đến 5 - 7 mẻ cốm, nhưng vẫn không khỏi giật mình. Và biết đâu, cái giật mình đó mới chính là cách mà cốm nổ lấy lòng người Nam bộ”.

Chị Kiều Nguyễn Anh Thư (tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Ngày xưa, nhà tôi cũng hay làm cốm nổ để ăn Tết. Dần dần bộn bề công việc, món cốm cũng ít được làm, thay vào đó là mua ở chợ. Sau này tôi đi học, làm việc, cốm cũng không còn quen thuộc trong những ngày Tết cổ truyền. Hôm nay được nghe lại âm thanh cũ, thấy lại hình ảnh xưa, kỷ niệm trong tôi lại ùa về. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà bao nhiều đứa trẻ miền Tây khác, cốm nổ là một món ăn thân thương, ngọt ngào lắm”.

Từ mẻ cốm nổ ở Cồn Sơn mà khách rộn ràng dọn nước trà ra bàn để nhấm nháp. Dưới gian nhà Nam Bộ ấy, tôi như thấy được một cái Tết xưa hiện về.

Có thể nói, cây lúa miền Tây muôn đời muôn thuở đã làm đủ thứ món ngon để ai ở quê cũng thương, ai đi xa cũng nhớ. Nhưng với đám trẻ miền Tây chúng tôi hay những người lớn cũng từng là trẻ con miền Tây thì cốm gạo ngày Tết vẫn là một món ăn vặt thân thương khó tả...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn