MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Con đường để Trung Quốc thắt chặt hơn quan hệ với Nga

MINH ANH (Theo Diplomat) LDO | 13/08/2016 15:30
Sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR) của Trung Quốc dường như là một phần rất quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ đang phát triển với Nga.

Phán quyết ngày 12.7 của Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là một đòn giáng với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Thật vậy, lập trường hung hăng của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vốn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế của nước này trên toàn cầu, nay lại sẽ đặt ra mối nguy hiểm lớn hơn với các lợi ích và an ninh quốc gia về lâu dài. Cùng với một nền kinh tế đang gặp khó khăn, thị trường chứng khoán đầy biến động, nguồn vốn dễ bay hơi và tín dụng xấu, việc bong bóng nợ của Trung Quốc phát nổ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc bất ngờ tăng lên trong quý đầu tiên của năm nay, song những thống kê đó có thể được phóng đại vì lý do chính trị hoặc đôi khi bị thao túng. Từ tất cả những vấn đề trên, có vẻ như Trung Quốc đang đối mặt với một tương lai ảm đạm khi bị tước mất tất cả đồng minh thực sự trong khu vực và có khả năng phải đương đầu với một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có.

Viễn cảnh đó, tuy nhiên, cũng có thể đã bị quá phóng đại. Bắc Kinh đã thủ sẵn một vài sáng kiến, cụ thể là sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Chủ tịch Tập Cận Bình. OBOR không chỉ mang lại lợi ích trong việc giảm bớt những tai ương đối với nền kinh tế của Trung Quốc, mà còn làm giảm bớt những căng thẳng về mặt chính trị trong khu vực cũng như bôi trơn một số mối quan hệ của mình, bao gồm cả với Nga.

Mục đích chính của OBOR là để kích thích sự phát triển kinh tế trong khu vực nghèo của Trung Quốc thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, và sản xuất. Trong một chuyến thăm cấp nhà nước gần đây tới Uzbekistan, ông Tập Cận Bình bày tỏ quan điểm rằng, Con đường Tơ lụa hiện đại đang được hình thành, thương mại của Trung Quốc với các nước tham gia OBOR tăng 1 nghìn tỉ USD so với năm trước, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư gần 15 tỉ USD cho các nước OBOR suốt cùng khoảng thời gian - ít hơn nhiều so với con số 4 nghìn tỉ USD mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ mang đến cho hơn 40 quốc gia được kết nối bởi Con đường Tơ lụa.

Một dự án dài hạn như OBOR là cả một bài toán trong chính sách ngoại giao cũng như trong việc nỗ lực để thay đổi cách nhìn nhận về nền kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực. Tầm nhìn của Bắc Kinh chỉ hoàn thiện khi Trung Quốc trở thành trung tâm của một mạng lưới thương mại khổng lồ nối liền từ Trung Á tới Trung Âu.

Với 900 thỏa thuận chính thức trị giá 890 tỉ USD đang được thực hiện, các tác động thương mại và đầu tư lớn trên khắp Âu - Á cũng có thể góp phần định hình lại một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.

Chương trình đầu tư của Trung Quốc vào các nước OBOR giúp DNNN luôn hoạt động sôi nổi, góp phần hiện đại hóa năng lực sản xuất của Bắc Kinh, và tạo ra mức độ phúc lợi phù hợp với mục tiêu đã đề ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xây dựng "xã hội khá giả toàn diện" trong năm 2020.

Cuối cùng, OBOR có thể giúp Trung Quốc tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của mình và bù đắp rủi ro xuất phát từ chiến lược xoay trục của Mỹ sang Châu Á và những thất bại trong vấn đề Biển Đông.

Với quan điểm địa chính trị rộng lớn hơn, vai trò của OBOR trong việc thúc đẩy quan hệ Trung - Nga không thể bị bỏ qua. Trong một báo cáo được công bố năm ngoái, nhiều chuyên gia Nga cho rằng sự hợp tác trong các dự án kinh tế của Nga, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), và OBOR của Trung Quốc "tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự tham gia và hội nhập của các dự án EEU và Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa".

Bản báo cáo nói thêm, "từ quan điểm kinh tế, không có sự mâu thuẫn giữa 2 dự án này, trái lại, chúng bổ sung cho nhau". Bản báo cáo này là một dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi cố hữu từ những nhà chức trách Nga rằng, OBOR có thể được thay thế bằng một nhóm mới nổi gồm những người lạc quan chiến lược. Nga ngày càng muốn tham gia vào hoạt động trên, và do đó quan hệ Trung - Nga đã bắt đầu được cải thiện.

Không bất ngờ khi phương tiện truyền thông Nga và Trung Quốc đã dùng nét bút tích cực để vẽ nên mối quan hệ song phương, và cũng không ngẫu nhiên khi các nhà lãnh đạo Nga - Trung bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ. Nga, nước có truyền thống nắm giữ ảnh hưởng đến các quốc gia Trung Á nhỏ hơn tạo thành trụ cột chính của OBOR - quan trọng nhất đối với Trung Quốc trong khu vực, thì hợp tác với Trung Quốc có thể là điểm mấu chốt dẫn đến những dự án thành công trên Con đường Tơ Lụa.

Và trong khi các hợp đồng riêng rẽ như thỏa thuận khí đốt 400 tỉ USD ký năm 2014 giữa ông Putin và Tập Cận Bình được biết đến rộng rãi, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã được tăng cường một cách đáng kể. Con đường Tơ lụa, trải dài 6.695 dặm từ Moskva, được tài trợ bởi công ty Gazprom của Nga và nhà sản xuất xe hơi BAIC của Trung Quốc, có thể được mô tả là một thành tựu về địa chính trị để tìm cách "tạo ra cầu nối hữu nghị bền vững giữa Nga và Trung Quốc".

Trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc đang cung cấp tài chính cho một dự án đường sắt cao tốc 21 tỉ USD nối Moskva với Kazan ở miền Trung Tây nước Nga. Dự án được mong đợi sẽ là bước đầu tiên cho một tuyến đường sắt 153 tỉ USD trong tương lai nối từ Moskva đến Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 6, Tổng thống Putin đã ký 58 sáng kiến kinh doanh trị giá 50 tỉ USD bao gồm cả việc bán cổ phần trong các dự án khác nhau của Nga cho các công ty Trung Quốc, một hợp đồng cung cấp dầu, đầu tư kinh doanh trong các sáng kiến hóa dầu ở Nga. Ngoài ra còn có những cuộc đàm phán về các dự án cơ sở hạ tầng lớn, như xây dựng "tuyến đường siêu liên kết" 70km dọc bờ biển Thái Bình Dương để kết nối cảng Zarubino của Nga với tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc.

Cũng giống như Nga có tầm nhìn hướng Đông về Trung Quốc để bù đắp những thiệt hại về kinh tế do cấm vận sau vụ sáp nhập Crưm, Trung Quốc hiện đang hướng Tây hơn vì đất nước này đang bị xa lánh ở Châu Á. Mặc dù OBOR là một dự án vẫn còn đang ở trên giấy, đây có vẻ như là một phần quan trọng thể hiện hai nước đang thắt chặt mối quan hệ ra sao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn