MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố Tạ Hiện (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Con gái phố cổ

Lê Hồng Lam LDO | 23/04/2023 09:48
1. An bảo tôi: Anh vẫn còn nợ bọn em một bài viết đấy nhé, thanh minh cho con gái phố cổ bọn em.

Tôi bảo An, mình sống sao thấy đúng, thấy thoải mái là được chứ sao cần phải đi thanh minh thanh nga với ai làm gì hả em?

- Không, con gái phố cổ bọn em bao năm nay mang tiếng oan, chịu định kiến là ăn chơi đua đòi, không chịu khó học hành, coi thường người lao động..., chả biết làm thế nào. Nay có ông anh văn hay chữ tốt, in cuốn sách cả ngàn bản, vậy nên phải “minh oan” cho em và Huyền, cho con gái phố cổ.

Nghe tone giọng cô em bạn tôi được đẩy cao dần đều, Huyền ngồi bên cạnh tủm tỉm cười rồi thủng thẳng:

Người ta bảo: “Gái phố cổ làm khổ đàn ông”, mày chồng con đề huề rồi mà vẫn làm khổ ông anh nhà văn vậy hả An? Vậy người ta có “định kiến” gì thì cũng ít nhiều đúng đắn.

Cả ba anh em phá lên cười vui vẻ.

2. Gặp An lần đầu ở quán café phố Triệu Việt Vương - con phố có từ đầu thế kỉ 20 thời thuộc Pháp với cái tên Rue Chanceaulme. An là cháu ruột của ông chủ khai sinh ra quán này (có từ năm 1927), quán café nổi tiếng với hạt cafe được rang cùng bơ tươi Pháp và đun bằng củi. Bạn tôi, cũng là dân văn chương chữ nghĩa và sành café kể: Hồi ông chủ đời thứ ba của quán café này vẫn còn, bọn em toàn chui lên gác xem rang hạt cà phê bằng củi. Ở đó thứ gì cũng đẫm hương café, cả con chó nằm chân cầu thang mà từng sợi lông của nó cũng tỏa ra mùi café.

An bảo, em còn sinh ra và lớn lên ở Triệu Việt Vương là phố Tây, chứ Huyền đây này, chính gốc dân Hàng Bồ, còn cổ hơn em. Hồi xưa cả nhà ông em mấy thế hệ, mười mấy nhân khẩu cùng ở chung trong số 27 đấy, chả biết hồi đó các cụ sắp xếp sinh hoạt ăn ở ra sao.

Lần gần nhất gặp nhau là hôm ăn Tất niên ở hàng lẩu cua phố Hàng Cót, rồi mấy anh em vào Hàng Lược ngắm đào quất chụp hình ở chợ hoa. 5, 6 anh em có mỗi tôi là Hà Nội “nhảy dù”, dân tỉnh lẻ mà lại là người biên chép, văn thơ, kiểu như người đứng từ xa mới nhìn thấy được tổng quan, có con mắt và tâm hồn trần trụi mà cảm sâu, mà ố à hăm hở về phố cổ Kinh thành, về những thị dân gia truyền nhân khẩu từ đời này sang đời khác ngay giữa Kinh kì.

An bảo tôi, đấy anh thấy không, “cái khổ đầu tiên” của bọn em là sinh ra giữa vùng lõi Hà Nội nên những gì bọn anh thấy là đẹp, là xinh, là cổ kính rêu phong trầm mặc kẻ chợ Kinh kì nên nhạc nên thơ... thì đã quá ư quen thuộc với bọn em rồi, đến mức đôi khi cảm giác đơn điệu là có đấy, đôi lúc đi học về hết tiền xin mẹ không cho còn thấy cảnh đó nó nhàm tẻ.

Tôi bật cười, đó là em sống trong vùng lõi mãi, chứ rời “lõi” ra em đi xa một hồi, vào Sài Gòn dăm năm hay sang châu Âu vài năm như anh, như bạn anh xem, em sẽ thấy thế nào. Chỉ cần vẳng nghe lời ca dặt dìu thao thiết lúc giao mùa:

“...Chiều đông/ Sương giăng phố vắng/ Hàng cây lặng câm/ Tháp cổ mặc trầm

Ta còn chờ ai/ Nhạt phai sắc nắng/ Heo may tan nhòa/ Bao giấc mơ xưa...”

Em đã đủ rưng rưng, cồn cào mong nhớ những “nhàm tẻ, đơn điệu” kia rồi...

An lại cười, cái cười trẻ trung xen lẫn nét vô ưu của một người phụ nữ hạnh phúc: Em xa Hà Nội chỉ cần 10 ngày thôi thì cái gì cũng thèm anh ạ! Từ sân bay về là phi ngay vào hàng phở, sáng hôm sau kiểu gì cũng phải mò lên phố cố hít thở không khí đặc quánh mùi xăng dầu bên cốc café nâu. Trưa tụ tập ngay đám bạn làm suất bún đậu cho ấm lòng người đi xa mới trở về. Chiều tối là mon men hàng ốc lộc, cút lộn sốt me. Ở Hà Nội khổ lắm anh, khổ nhất là việc giảm cân, nó gần như là nhiệm vụ bất khả thi ấy ạ!

Chúng tôi lại cùng bật cười vui vẻ sau màn kể khổ của An.

3. Sau hôm đi chợ hoa Hàng Lược, anh nhiếp ảnh gia trong đoàn chọn đúng sáng 30 Tết thả vào group chat chung, trả ảnh cho mấy chị em phụ nữ. Sau những ố á xuýt xoa ảnh đẹp trường sâu màu nền xuất sắc... thì mấy chị em lại bắt tôi vịnh thơ cho... từng tấm. Báo hại sáng 30 Tết công việc chưa xong mà vẫn kì cạch ngồi sáng tác ngâm vịnh làm mẹ tôi phải ré lên: Còn cành đào Tết, bao giờ con mới đem về hả Lam?

Em thấy không, tôi bảo An, ở quê mọi thứ rất hạn chế, trong khi Hà Nội nhà em có hẳn một chợ hoa với trăm hồng ngàn tía, đào thắm đào phai lớn bé to nhỏ gì đều ê hề thì ở quê, còi cọc nhiều lá ít nụ hoa tàn... cũng phải cố bằng lòng.

Xời, nếu so Tết ở quê với Tết Hà Nội thì bây giờ Hà Nội tuổi gì mà đọ được về độ sum vầy, ấm áp, vui vẻ tưng bừng hả anh? So gì vài mươi cành đào chậu quất.

Anh không biết chứ - nãy giờ nghe hai anh em trò chuyện, giờ Huyền mới tham gia vào cuộc “luận chiến” - em nhớ Tết Hà Nội xưa cầu kì nhất là mâm cỗ. Cỗ Tết là phải ít nhất 6 bát 8 đĩa. 6 bát là: măng, bóng, canh, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa là: gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, dứa xào lòng gà và cá trắm kho. Hồi bé cứ thấy Tết là thích chứ giờ cho em lo mâm cỗ Tết này chắc toát mồ hôi hột.

Tôi nghe Huyền tả xong quả “6 bát 8 đĩa” kia cũng đã toát mồ hôi hột rồi chứ chưa cần phải bắt tay vào làm. Nghĩ bụng con gái thời nay thích uống bia Tạ Hiện, thuộc tên trà sữa và fast food hơn những món ăn này, liệu có mấy ai đủ “dũng cảm” và kiên nhẫn tham gia vào một mâm cỗ Tết Hà Nội xưa?

Nói mới nhớ, An lại tái hồi chất giọng ấm ức, ngay cả khi đi học Đại học rồi, bọn em thèm được như các bạn ngoại tỉnh lắm. Muốn đi đâu thì đi, đi đến khi nào cũng được. Trong khi đó con gái phố cổ bọn em đi chơi đến 9h tối là phải về, nếu chưa về thì 10h đêm bố mẹ gọi điện cứ gọi là “cháy máy”. 

Thế thì yêu đương tìm hiểu thế nào, tôi thắc mắc.

Như khơi đúng mạch nguồn, An liền “dào dạt”:

- Thế anh chưa biết à? Hồi xưa chỗ bọn em, anh nào mà thích cô nào thì đi... tán bố mẹ trước, Phụ huynh thấy hiền lành tử tế là cả nhà vun vào, mình phải gật chứ chả có cơ hội nào hơn.

- Thế tán bố mẹ xong, đêm Tân hôn vạch mạng che mặt cô dâu ra mới nhìn thấy nhau hả em?

- Không đến nỗi thế đâu anh. Đêm tân hôn cũng có vạch nhưng là vạch cái khác chứ không phải mạng che mặt như là ở phim Tàu cổ trang anh hay xem.

Cả hội lại rũ ra cười nghiêng ngả.

4. Thực ra, thế hệ anh em tôi, những người sinh ra vào những năm cuối 7X đầu 8X được gọi là “thế hệ thập thò”, cái cũ là nguồn gốc nên khi lớn lên vẫn là nền tảng trong cách suy nghĩ, hành động. Cái mới ào đến đầy lạ lẫm, thu hút và choáng ngợp nhưng không thể theo hết, không thể “đổi màu” hoàn toàn.

Nói chuyện với An, với Huyền, tôi mới phần nào hiểu được những nỗi niềm của “con gái phố cổ”. Thuở mới lớn tự do “trong khuôn khổ”, muốn đi đâu làm gì ăn gì quen ai cũng không được thoải mái khoáng đạt như dân ngoại tỉnh bọn tôi, và vì sống trong cái khung Kinh kì từ thuở nhỏ, có niềm kiêu hãnh, ít nhiều được sự ngưỡng mộ nhưng quen sống an toàn rồi nên nhiều trường hợp ngại thay đổi và bị tụt hậu dần dần.

Giờ anh thấy đó, đại gia toàn người ngoại tỉnh. Còn dân phố cổ đôi khi làm trông xe, bảo vệ, bán dưa cà... Dân phố cổ gần đây bán dần đất bán nhà đi ra ngoại thành ở, rồi đem tiền về quê mua đất làm nhà, làm vườn. Nên giờ ngay vùng lõi Hà Nội, Kinh kì kẻ chợ đan xen nhà quê chân chất, cũ mới xoắn cài...

Cũng có thể như các bạn trẻ nói, “vượt khó” luôn dễ dàng hơn “vượt sướng” đó em. Vượt khó là không có gì để mất, là để cuộc sống được tốt đẹp hơn, danh tiếng hơn. Chứ “vượt sướng” là bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đôi khi là một cuộc phiêu lưu, đánh đổi, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đâu đó cần cả lòng dũng cảm.

Chỉ một buổi trưa ăn chả cá và uống café trứng với “con gái phố cổ” mà tôi được chia sẻ và hiểu thêm bao điều. Đúng là đằng sau mỗi người, mỗi cuộc sống, mỗi vùng đất luôn là những câu chuyện thú vị, nhiều trăn trở, rất đáng để lắng nghe và suy ngẫm, mà những câu chuyện của “con gái phố cổ” thì càng cuốn hút, thi vị và xinh xắn biết bao nhiêu...

(Hà Nội, những ngày nồm ẩm tháng Hai năm nhuận, 18.4.2023).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn