MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình trình diễn âm nhạc hiện đại, truyền thống kết hợp ánh sáng 3D tại quảng trường Ngọ Môn trong "Huế by light - The live show". Ảnh: Phúc Đạt

Công nghiệp văn hóa - lối đi ngay dưới chân mình

Linh Anh LDO | 17/12/2023 11:31

Tôi đã từng có lúc rất bực mình vì cô con gái lớn của mình từng bỏ ăn sáng để dành tiền săn mua poster của vài nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc. Thế nhưng một thời gian sau, con gái tôi thông báo là đã bán lại những poster đó và lời chút ít, đủ để “bing chilling” vài bữa thì tôi bật cười. Hóa ra, kinh doanh văn hóa không quá phức tạp như tôi nghĩ, phát triển công nghiệp văn hóa cần bắt đầu từ những việc nhỏ.

Nói về công nghiệp văn hóa, thì phải nói đến Hàn Quốc. Đó là một hình mẫu đáng để nghiên cứu và học tập không chỉ là câu chuyện quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người mà còn là câu chuyện kiếm tiền từ văn hóa.

Tôi nhớ đến phát biểu của đại biểu Quốc hội - Đỗ Chí Nghĩa tại hội thảo về các nội dung kinh tế - xã hội hồi cuối tháng 10. Ông Nghĩa dành thời gian nhắc đến chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam được phê duyệt năm 2016, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tổng giá trị doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn đạt 20 triệu USD, đến năm 2030 đạt 31 triệu USD.

Con số này rất khiêm tốn nếu đặt cạnh doanh thu của nhóm nhạc BlackPink khi sang Việt Nam biểu diễn. Ông Nghĩa cho biết khi vào TP Hồ Chí Minh làm việc, lãnh đạo Sở VHTTDL nói do sân vận động tại đây không đủ tiêu chuẩn, nếu không BlackPink đã diễn thêm 2 đêm nữa. "Vậy chỉ cần 4 đêm diễn, doanh thu của họ đã bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030" - ông Nghĩa trăn trở.

Ở mức độ tổng thể, theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá sau 5 năm triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, 12 ngành công nghiệp ở Việt Nam gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỉ USD, tương đương 3,61% GDP.

Mục tiêu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp khoảng 7% GDP là một thách thức lớn. Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hẳn chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam với mục tiêu tổng quát là huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.

Mục tiêu là vậy, thực tế khó khăn hơn rất nhiều. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh lâu nay được cho là có môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động nhất cả nước. Thế nhưng theo báo cáo của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh tại phiên họp gần nhất thì tới đây sẽ có 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao - văn hóa, bao gồm các trung tâm biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, các công trình phục vụ thể thao sẽ mời gọi tư nhân tham gia rót vốn, như xây mới Nhà hát Gia Định; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Nhà hát Bến Thành; tu bổ di tích Đình Bình Trị Đông... Dù vậy, tư nhân không mặn mà với các dự án này do khả năng sinh lời không cao.

Trở lại câu chuyện của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa khi đề cập đến thực trạng "nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát". Có những nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý tới 5 khu đất "vàng" giữa thành phố nhưng chỉ vận hành 1 điểm, 4 địa điểm còn lại thì bỏ hoang hoặc cho thuê, tốn tiền bảo vệ, tốn tiền điện nước. Ngược lại, phần lớn các đoàn biểu diễn nghệ thuật không có nơi biểu diễn, muốn diễn thì phải đi thuê.

Chỉ riêng nhân lực cho ngành nghệ thuật biểu diễn đã cho thấy những vấn đề đáng lo. Đó là tình trạng “già hóa ngành sân khấu”. Giữa năm nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn, đưa ra số liệu: số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Đặc biệt ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Lý giải cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ đãi ngộ, sự khắt khe trong đào tạo chuyên ngành đòi hỏi sự đam mê, dấn thân hết mình cho nghệ thuật rất lớn. Chính vì vậy, việc tuyển được một diễn viên trẻ đối với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong thời điểm hiện tại là vô cùng khó.

Chuyện giáo viên, bác sĩ bỏ nghề vì thu nhập thấp được báo chí nói đến nhiều nhưng chuyện nghệ sĩ bỏ nghề, hoặc phải làm những công việc khác kiếm sống thì ít được đề cập. Khoảng trống nhân lực trong công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng đang là trở ngại lớn cho sự phát triển.

Chương trình trình diễn âm nhạc tại quảng trường Ngọ Môn trong “Huế by light - The live show“. Ảnh: Phúc Đạt

***
Tôi đến thành phố Huế, lại nghe câu chuyện khác. Đó là trước đây, Huế có chính sách miễn vé đối với sinh viên các ngành văn hóa khi tới các khu di tích nghiên cứu, học tập. Thế nhưng gần đây, chính sách này đã thay đổi, nghĩa là sinh viên cũng mất 150.000 đồng khi vào tham quan Lăng Minh Mạng, 250.000 đồng vào cố đô như mọi du khách tham quan khác. Tất nhiên doanh thu từ du lịch đóng góp chủ yếu cho ngân sách Thừa Thiên Huế nhưng nếu không có biện pháp khuyến khích người trẻ Huế nghiên cứu, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thì chúng ta đánh mất một nguồn lực lớn trong tương lai.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi dự cuộc họp về Chương trình mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đã nói rằng: “Chúng ta cần thay đổi cơ bản, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý văn hóa. Trong đó, phân định rõ vai trò quản lý, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế, chính sách động viên, huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, mang lại lợi ích thiết thực, gắn với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân”.

Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên câu chuyện quảng bá lại cho thấy những tồn đọng. Ngày 11.12 vừa qua quần thể Di tích Cố đô Huế tròn 30 năm được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Đây là di sản thứ 410 trong danh mục Di sản thế giới và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).

Mặc dù vậy, việc quảng bá sự kiện này chưa được chú trọng, mới chỉ dừng lại ở vài hoạt động mang tính địa phương. Điều này cho thấy để công nghiệp hóa văn hóa phải là một quá trình tổng thể.

***
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Còn trong bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam", Tổng Bí thư nhận định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Phát triển công nghiệp văn hóa không phải là dập khuôn, sao chép cũng không phải xây dựng một nền văn hóa chạy theo lợi nhuận mà rời xa những giá trị mà chúng ta đang theo đuổi.

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dự kiến sắp diễn ra được cho là sẽ làm rõ những dư địa để phát triển trong đó nguồn nhân lực, cơ chế và nguồn vốn chính là các yếu tố được đặc biệt quan tâm.

Cơ hội cho công nghiệp văn hóa đang đến, để chậm chân hay bỏ lỡ cơ hội chính là bỏ lỡ một nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nâng tầm và thế của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn