MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL.

Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở: “Cần sớm ban hành Nghị định sẽ giảm lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước”

mai châu (thực hiện) LDO | 26/11/2017 10:30
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động xoay quanh vấn đề Bộ VHTT&DL trình Chính phủ nghị định liên quan đến các hoạt động kỷ niệm, ngày truyền thống, bà Ninh Thị Thu Hương thẳng thắn nêu quan điểm riêng.   

Bộ VHTT&DL vừa có Dự thảo Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ. Xin bà cho biết ý nghĩa cụ thể về Nghị định này?

- Theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương được nhiều cơ quan có thẩm quyền ở các cấp công nhận như: Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, bộ chủ quản, Ủy ban nhân dân các cấp, dẫn đến tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm tràn lan, không thống nhất về thẩm quyền công nhận; phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều nơi tổ chức buổi lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng nhiều, gây tốn kém, lãng phí hoặc cũng có nơi tổ chức quá đơn giản, thiếu sự trang trọng, dẫn đến việc tổ chức các buổi lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, hơn nữa còn làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân.

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận; về quy mô, nghi thức, thành phần, số lượng khách mời của buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung quy định việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống chỉ được quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 17, chương IV Nghị định 145/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Vì vậy, từ thực trạng nêu trên, Bộ VHTT&DL đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Qua đó, sự ra đời của Nghị định cũng sẽ tạo được cơ sở pháp lý cho việc công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống ở các cấp được áp dụng thực hiện một cách thống nhất, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Hiện nay nước ta có rất nhiều ngày thành lập, mỗi cơ quan, đơn vị lại tổ chức một cách thức khác nhau, đặc biệt có địa phương còn chi cả chục tỉ đồng để mua quà tặng nhân kỷ niệm ngày tái lập tỉnh. Có nhiều ý kiến cho rằng việc này là quá lãng phí, ý kiến của bà về việc này thế nào?

- Như tôi đã nêu, hiện nay khi chưa có một quy định cụ thể nào về việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương thì việc tổ chức lễ kỷ niệm sẽ khác nhau tùy theo điều kiện của từng địa phương.

Việc có địa phương chi cả chục tỉ đồng để mua quà tặng trong lễ kỷ niệm là quá lãng phí trong khi điều kiện kinh tế của đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng nêu trên, tại dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định cụ thể về thành phần, số lượng, khách mời...

Đặc biệt, trong dự thảo Nghị định còn quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo) và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm và lễ kỷ niệm”. Nếu Nghị định sớm được ban hành và được triển khai thực hiện sẽ góp phần giảm lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước song vẫn đảm bảo việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm và hiệu quả.

Vậy cách nào để việc tổ chức ngày lễ được thiết thực, ý nghĩa mà không rình rang tốn kém, thưa bà?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên cần chú trọng đến là việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, của các bộ, ngành, địa phương, với những quy định rõ ràng về quy mô, điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm... sẽ góp phần giảm kinh phí tốn kém, thất thoát cho ngân sách nhà nước và kinh phí từ xã hội.

Kế tiếp là tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin, tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước nhằm đảm bảo kịp thời, đúng định hướng chính trị và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Và cuối cùng tiếp tục tuyên truyền các hoạt động tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống gắn với việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung và hình thức sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn