MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ nên cùng con vượt qua những khó khăn khi bước vào lớp 1. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cùng con vào lớp Một

LINH PHƯƠNG LDO | 19/09/2016 11:22
Nhiều gia đình khi có con đi học lớp 1 luôn có cảm giác hoang mang, lo lắng. Và họ tự đặt ra những câu hỏi: Vào cấp mới con có tiếp thu được bài học không? Có thích nghi với môi trường, bạn bè, cô giáo không? Con có ăn ở lớp được không? Có thể tự đi vệ sinh cá nhân không?...

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Công tác xã hội, ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi một số bí quyết giúp bạn và con có những ngày vào lớp 1 vui, bổ ích.

Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ

Hoạt động chủ đạo của các con ở cấp mầm non là vui chơi nhưng vào tiểu học các con phải chuyển sang hoạt động học tập là chính. Nó đòi hỏi sự nghiêm túc, lúc này các con phải tiếp cận với những môn khoa học từ mức độ từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy khả năng tập trung chú ý ở mỗi một lứa tuổi khác nhau nên Bộ GDĐT mới lấy cơ sở đó để phân chia các giờ học ở các cấp khác nhau. Ở cấp mầm non, giờ học của các con thường là vừa chơi vừa học rất là vui vẻ, các con được học hỏi, khám phá thế giới xung quanh thông qua việc tiếp xúc với thiên nhiên, các câu chuyện… Sang đến lớp 1 đòi hỏi con có khả năng tập trung trong khoảng thời gian lâu hơn, để có thể thích nghi tốt với trường tiểu học cần có sự đồng hành của bố mẹ.

Theo chị Hương: “Giai đoạn này, vai trò của bố mẹ rất quan trọng, thay vì đẩy trách nhiệm dạy học phần lớn cho nhà trường thì phụ huynh hãy đồng hành cùng con từ những việc đơn giản nhất như: chơi cùng con, đi nhà sách, chọn sách và đọc sách cùng con hằng ngày… giúp gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái”. Bên cạnh đó, phụ huynh nên dạy con các kỹ năng như: Tự xúc ăn, tự đi vệ sinh và cách dùng giấy vệ sinh, các kỹ năng giao tiếp cơ bản như chào hỏi, cảm ơn, thưa gửi… để khi con vào lớp 1 con không bị bỡ ngỡ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cô giáo như lúc mầm non.

Khi bước vào lớp 1, trẻ hiểu và nhận thức cụ thể hơn vai trò của mình, chính vì vậy phụ huynh nên trao quyền cho con. Chị Hương nói: “Bên cạnh việc tạo hứng thú cho con đến trường, phụ huynh nên cho trẻ thấy được rằng, trẻ có quyền đến trường, việc học đó là quyền, trách nhiệm của con. Khi trao quyền như vậy thì trẻ cảm thấy mình đang dần trưởng thành và mình học cho mình, phải có trách nhiệm với cái quyền đó, chứ không phải mình đi học vì ông bà, bố mẹ hay thầy cô. Từ đó đứa trẻ tự giác và tích cực tham gia vào các hoạt động học tập và cảm thấy được mỗi ngày đi học sẽ có nhiều niềm vui, thấy mình hiểu biết hơn về thế giới xung quanh”.

Chị Hương cũng nhấn mạnh, phụ huynh có thể chia sẻ về công việc hàng ngày của mình, về tuổi thơ của mình ví dụ như “ngày xưa bố mẹ chuẩn bị đi học lớp 1 đã háo hức như thế nào, thú vị như thế nào”. Đồng thời, kết hợp với thầy cô và nhà trường trang trí lớp học thật dễ thương, phù hợp với sở thích của trẻ vì giai đoạn này nhận thức cảm tính của trẻ vẫn phát triển mạnh. Đặc biệt, nên cùng con đi hiệu sách mua đồ dùng học tập, sách vở, cùng con chăm chút cho góc học tập mới của trẻ trong nhà, bao bọc, dán nhãn sách vở…

Không nên lạm dụng lời khen

Đối với trẻ đầu lớp 1 cái tôi xã hội cũng đang phát triển mạnh, lời khen có tác dụng giúp đứa trẻ có thêm nhiều động lực, nhưng lạm dụng lời khen, sẽ khiến cho đứa trẻ mất đi động lực bên trong là tự bản thân trẻ biết cố gắng, phấn đấu. Ví dụ khi trẻ làm tốt một bài toán hay bài tập viết nào đó, nếu phụ huynh hồ hởi, hào hứng quá mức có thể sẽ làm cho đứa trẻ có tâm lý tự cao hoặc tạo ra thói quen cứ được ca ngợi thì trẻ mới làm được việc của mình, dẫn đến khó khăn trong việc xác định động lực của mình. Trẻ có thể có cảm giác lúc nào làm việc gì đó cũng vì người khác hay vì một lời khen ngợi. Nếu lần sau bạn không khen nữa trẻ sẽ mất đi động lực làm.

“Không nên quá chú trọng việc hỏi con về điểm số như vậy trẻ có thể sẽ nghĩ bố mẹ rất coi trọng điểm và có thể sẽ so sánh trẻ với những trẻ khác, điều này cũng tùy thuộc vào thái độ của bố mẹ lúc nói chuyện với con, nếu bố mẹ quá nghiêm khắc có thể tạo cho trẻ áp lực và gây tâm lý ganh đua quá mức cho việc học của trẻ. Thay vì hỏi điểm, bạn hãy hỏi xem cảm xúc của con như thế nào? Nếu con ngại ngùng hãy từ từ gợi mở và lắng nghe con. Đừng hỏi cô giáo dạy những gì cho con, như thế chính phụ huynh đang đóng khung chỉ có cô giáo dạy con trên lớp. Khi bạn hỏi con học được những gì tốt thay vì hỏi điểm thì con sẽ cảm nhận bố mẹ đang chia sẻ, quan tâm và lắng nghe chúng”.

Chuyên gia cũng ví von, việc đi học thêm của trẻ giống như chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Thay vì cho con đi học thêm quá nhiều, phụ huynh nên gương mẫu, đồng hành cùng con. Hãy cho con cùng làm những hoạt động có ý nghĩa như: cùng tập thể dục, đạp xe, đi bộ, đọc sách… Như vậy, con trẻ đã ảnh hưởng những lối sống đẹp của bố mẹ, học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn từ bố mẹ. Hãy tạo cho con môi trường để con tự học hỏi, đừng ép buộc con theo ý của mình và làm thay việc vì con. Ví dụ: bố mẹ cứ lập thay thời gian biểu cho con, làm thay những việc của con thì vô hình trung trẻ sẽ hiểu đó là việc của bố mẹ, phải là công việc của mình. Thậm chí điều đó gây ra tâm trạng chán nản, ỷ lại bởi việc gì cũng có người làm cho. Hãy cùng con xây dựng thời gian biểu đó và cùng con thực hiện.

Bên cạnh đó, chị Hương cũng kiến nghị, khi con vừa bước vào lớp 1, chuyển từ cấp này sang cấp khác môi trường sẽ thay đổi rất nhiều chính vì vậy trong học đường nên có những chuyên gia tâm lý trong trường học để có thể chia sẻ, gỡ rối cho học sinh cũng như phụ huynh, giáo viên. Đồng thời, có những tiết học trải nghiệm thực tế để học sinh có thể sớm hòa nhập được với môi trường, hay những buổi trò chuyện với các phụ huynh về những khó khăn, thách thức có thể xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn