MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cuộc đời Fidel Castro qua những bức tranh cổ động nổi tiếng

LAN PHƯƠNG (Theo New York Times) LDO | 03/12/2016 07:27
Một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời Chủ tịch Fidel Castro xuất hiện trong những bức tranh cổ động mang đậm dấu ấn lịch sử.

Trong hơn 50 năm Chủ tịch Fidel Castro đảm nhận cương vị nhà lãnh đạo tối cao của Cuba, đã có hàng nghìn bức tranh cổ động ra đời nhằm truyền tải tầm nhìn và thông điệp của ông về một đất nước Cuba XHCN. Rất nhiều trong số đó sau này đã xuất hiện trong các bộ sưu tập nghệ thuật trên khắp thế giới và được đánh giá là những tác phẩm có giá trị cao.

Năm 1953 - Cách mạng non trẻ

Sau cuộc tấn công (ngày 26.7.1953) chống lại lực lượng vũ trang của độc tài Fulgencio Batista tại Santiago de Cuba, Fidel Castro và em trai Raúl đều bị bắt giữ. Khi bị kết án 15 năm tù, Fidel đã tự bào chữa cho mình với bài diễn thuyết nổi tiếng “Lịch sử sẽ giải oan cho tôi”.

Tác phẩm “Xét xử tôi. Không vấn đề. Lịch sử sẽ giải oan cho tôi”.

Bức tranh cổ động của họa sĩ người Cuba - Felix René Mederos Pazos miêu tả người thanh niên Fidel Castro “chưa có râu”, tràn đầy nhiệt huyết ở tuổi 26 - ra đời 20 năm sau sự kiện lịch sử này. Ngày 26.7.1953 cũng được coi là thời điểm khai sinh ra phong trào Cách mạng Cuba.

Năm 1959 - Chiến thắng của lực lượng du kích

Sau 2 năm tranh đấu, tháng 1.1959, Fidel Castro trở lại Havana trong tư cách nhà lãnh đạo mới của đảo quốc Cuba. Hình ảnh Castro đội chiếc mũ lưỡi trai mềm xanh lục, tay phải giơ cao súng trong tấm áp-phích do Felix René Mederos Pazos sáng tác nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Cách mạng thành công - đã trở thành một biểu tượng của cách mạng thế giới.

Năm 1968 - Lãnh đạo “đỉnh cao”

Fidel Castro luôn là một trong những nhà lãnh đạo được tôn sùng nhất tại Cuba. Họa sĩ người Cuba - Raúl Martínez, nổi tiếng với phong cách nghệ thuật trừu tượng và Pop Art, đã thể hiện điều này trong một tác phẩm tranh cổ động hiếm hoi của mình. Ngôi sao trên lá quốc kỳ Cuba đại diện cho bản sắc dân tộc, trong khi con số 26 nhắc nhở đến cuộc tấn công trại lính Moncada năm 1953.

Một bức tranh cổ động hiếm hoi của họa sĩ nổi tiếng Raúl Martínez.

Theo Sandra Levinson, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Cuba, Chủ tịch Fidel Castro không thích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trong điêu khắc, tranh ảnh… Vì vậy, mặc dù rất nhiều tác phẩm về ông sánh ngang với các tác phẩm nghệ thuật, nhưng “chúng thường bị coi như những tấm áp-phích cổ động thông thường”.

Những năm 1980 - Kẻ thù không đội trời chung

Sau khi quan hệ giữa Mỹ và Cuba đổ vỡ vào năm 1961, trong mắt các nước phương Tây, Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành một kẻ thù nguy hiểm. Một bức tranh cổ động ra đời vào khoảng những năm 1980 miêu tả ngài Chủ tịch như một tên quái thú với răng nanh dài cùng dòng chú thích: “Hãy tỉnh giấc nước Mỹ! Fidel Castro là mối đe dọa đến nền hòa bình của Tây Bán cầu…”.

Năm 1973 - “Lịch sử sẽ giải oan cho tôi”

“Xét xử tôi. Không vấn đề. Lịch sử sẽ giải oan cho tôi” là tiêu đề của bức tranh cổ động ra đời vào năm 1973 - 20 năm sau khi diễn ra bài phát biểu nổi tiếng dài 4 giờ đồng hồ của Fidel Castro. Lấy bối cảnh quảng trường Plaza de Mayo tại Havana kèm hình ảnh một số tên tuổi lớn của Cách mạng Cuba, tác phẩm của Mederos Pazos miêu tả Fidel Castro mang đậm phong thái của một nhà lãnh đạo đất nước.

Bức ký họa chân dung ấn tượng của Rafael Enríquez.

“Cùng với sự phát triển của nghệ thuật đương đại, ngày càng ít tranh cổ động sử dụng hình ảnh của Fidel khắc khổ hay cầm súng; thay vào đó, ông xuất hiện trong tâm thế của người đại diện cho quốc gia”, Lincoln Cushing, nhà hoạt động nghệ thuật chính trị, tác giả của cuốn sách “Cách Mạng! Nghệ thuật tranh cổ động Cuba” nhận xét.

Năm 1979 - Đoàn kết khu vực

Sự ủng hộ của Chủ tịch Fidel Castro với phong trào Cách mạng Mỹ Latin được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm tranh cổ động do Chính phủ Cuba đặt hàng trong thời kỳ này. 3 nhân vật xuất hiện trong bức tranh bao gồm Daniel Ortega, nhà lãnh đạo của phong trào Sandinistas tại Nicaragua; Maurice Bishop, nhà lãnh đạo của Grenada và bản thân ông Castro.

Chủ tịch Fidel Castro và Giáo hoàng John Paul II.

Năm 1985 - Biểu tượng Cách Mạng toàn cầu

Hình ảnh Fidel Castro với bộ râu rậm, điều xì gà Cuba trên môi và mũ lưỡi trai mềm xanh lục đã trở thành một biểu tượng mang tính toàn cầu của sự nổi dậy. Bức poster trên là một sáng tác của nghệ sĩ Rafael Enríquez do Tổ chức Đoàn kết nhân dân Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latin đặt hàng - với mục đích được phát hành trên toàn thế giới.

Năm 1998 - Chuyến thăm của Giáo hoàng

Từng bị cấm lưu hành tại Cuba, trong tấm poster này, nhà lãnh đạo tối cao Fidel Castro đang bắt tay với Giáo hoàng John Paul II trong chuyến thăm đến Havana đầu năm 1998. Rời bỏ bộ trang phục quân đội xanh lục quen thuộc và đĩnh đạc trong bộ comple đen, Chủ tịch Fidel Castro vẫn mang đậm phong thái “bức người” của một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn