MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung tự họa với Mũ rơm (Self-Portrait with Straw Hat), tháng 8 - tháng 9 năm 1887, sơn dầu trên bìa cứng, 161⁄8 × 13 in. [41 × 33 cm]. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Cuộc đời Van Gogh

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) LDO | 20/06/2021 15:15
Vincent Van Gogh - thiên tài hội họa có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng lớn lao đến công chúng và giới hoạt động nghệ thuật. Cuốn sách “Van Gogh The Life” (Cuộc đời Van Gogh) của cặp tiểu sử gia Steven Naifeh, Gregory White Smith được hoàn thiện trong suốt 10 năm với rất nhiều tư liệu chưa từng được khai thác rộng rãi, sẽ vén màn những bí ẩn về vị danh họa cũng như những giai đoạn thăng trầm khác nhau của cuộc đời anh.

1. Trong sách còn đính kèm 32 trang phụ lục in màu hơn 60 bức tranh nổi tiếng của Van Gogh. Theo dòng cuộc đời của Van Gogh, nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần:

Phần 1: Những ngày khi cậu bé Vincent còn thơ ấu mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình.

Phần 2: Thời thanh thiếu niên với những khủng hoảng tuổi mới lớn về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống được tìm kiếm qua con đường tôn giáo và những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa.

Phần 3: Giai đoạn trưởng thành trong những năm ở Pháp cùng những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn ai kiên trì để trả lời khi mốc trưởng thành đã đến và người ta hành động nhiều hơn thay vì ngồi hỏi những ngẩn ngơ ngày nào, cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội cùng sự ổn định đã khiến tâm can người họa sĩ trở nên hoảng loạn và bất ổn nhất - nghịch lý là khi đó anh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của mình cho tới khi rời bỏ cuộc đời.

Đặc biệt là những chương cuối, khi hai tác giả tập trung nói về khía cạnh nghệ thuật và giai đoạn Vincent tạo ra được nhiều tác phẩm nhất trong sự nghiệp hội họa của mình, thì lòng ta cũng đã nguôi ngoai (hay là đã quen dần với?!) những biến động, để như hòa tan vào những nét bút, vào những khung cảnh phóng chiếu từ đôi mắt anh, qua bàn tay chuyển mình lên toan vẽ. Vincent, và tranh của anh, cho ta thấy Thiên nhiên thực sự có sức mạnh to lớn đến thế nào trong việc chữa lành những vết thương lòng cũng như đem cho ta sự khuây khỏa, đón ta vào lòng như một người Mẹ. Dù cho cái chết của anh đến một cách đột ngột và đầy ẩn khuất sẽ chẳng bao giờ được giải đáp hết, nhưng cuối cùng Vincent cũng được yên nghỉ trong lòng Người Mẹ Vĩ đại.

Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc! Không phải vì nó quá dài, vì chẳng có cuốn sách nào đủ dài cho một đời người, mà có lẽ bởi những thăng trầm của cảm xúc, những cuồng mê đan xen lòng phẫn nộ, những ham muốn ích kỷ đi với trách nhiệm chung của cái gọi là gia đình, hay sự tử tế bề ngoài bao bọc lòng ích kỷ thuần túy bên trong. Nói cách khác, là sự đa tầng lớp lang của một con người, một đời người (không chỉ Vincent, mà còn cả những người trong gia đình anh và những người lạ đã đi qua cuộc đời anh).

Cuốn sách “Van Gogh The Life” lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất năm trên các tạp chí danh tiếng như: The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, San Francisco, The Economist, BookReporter... “Cuốn tiểu sử mang tính then chốt trong nhiều thập kỷ tới” - Leo Jansen, giám tuyển, Bảo tàng Van Gogh, và đồng chủ biên cuốn Vincent van Gogh: The Complete Letters (Toàn tập thư Vincent Van Gogh), nhận xét. “Một thành tựu... một thành công to lớn... Đọc câu chuyện về cuộc đời Van Gogh khiến ta như đang đi trên một con tàu lượn vô tận với những cung bậc lên xuống đầy huyễn tưởng... [Một] cuốn sách có kết cấu bố cục đáng kinh ngạc, thể hiện sự am hiểu bao quát tường tận” - Los Angeles Times đánh giá.

Hoa diên vĩ (Irises), tháng 5 năm 1890, sơn dầu trên toan, 361⁄8 × 287⁄8 in. [92 × 73 cm]. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách tới bạn đọc.

2. Khi cảnh sát nghe tin Vincent đã tự làm mình bị thương, họ ngay lập tức truy vấn, “Anh muốn tự tử sao?” Vincent lơ đãng đáp lại, “Vâng, tôi tin là thế”. Họ nhắc anh rằng tự tử là một tội ác - vừa chống lại luật nhà nước vừa chống lại ý Chúa. Với sự nhiệt thành tự thân đầy lạ lùng, Vincent khăng khăng rằng anh đã hành sự một mình. “Đừng cáo buộc bất kỳ ai”, anh nói; “chính tôi muốn tự sát”. Chỉ trong vài giờ, lời tuyên xưng đột ngột này đã trở thành một câu chuyện. Anh đã kiếm được khẩu súng ấy ở đâu và khi nào? Anh đã cố bắn chính mình vì cái gì? Tại sao anh lại nhắm vào tim, mà không phải vào đầu? Tại sao anh lại bắn trượt?

Chẳng phải Vincent chưa từng nghĩ đến việc tự tử. Trong những nốt trầm tuyệt vọng khi còn ở Amsterdam, vào năm 1877, anh thiết tha suy tưởng về sự thanh thản và vượt thoát cái chết - về điều giống như “xa rời mọi thứ”. Đôi khi anh còn bỡn cợt về việc đó (đọc thuộc lòng “chế độ ăn uống” dành cho việc tự tử của Dickens). Thi thoảng, anh dọa sẽ làm như vậy. Từ những đáy sâu tuyệt vọng trong thời kỳ ở Borinage, anh hứa với Theo rằng anh sẽ “ngừng sống” nếu khi nào anh cảm thấy bản thân là “một kẻ phiền toái hoặc một gánh nặng cho em hay với mọi người ở nhà - chẳng có ích lợi gì cho bất cứ ai”.

Thế nhưng đa phần, anh phản kháng nó kịch liệt. Anh gọi nó là “xấu xa” và “khủng khiếp” - một hành động “hèn nhát về mặt đạo đức” - một tội ác chống lại vẻ đẹp cuộc sống và sự cao quý của nghệ thuật, cũng như chống lại tấm gương của Chúa Ki-tô. Anh trích dẫn châm ngôn nổi tiếng của Millet rằng tự sát “là hành vi của một kẻ bất lương” và mạnh dạn khẳng định, “anh thực sự không nghĩ anh là một kẻ có khuynh hướng như thế”.

Đúng, anh đã có những khoảnh khắc “buồn thương sâu sắc”, “trống rỗng” và “sự khốn khổ khó tả”, anh nói - cũng y như Theo đã từng. Nhưng anh không chấp nhận bất kỳ ý định tự diệt nào, và luôn hối thúc cậu em trai sầu muộn của mình cũng nên như vậy. “Hãy coi này”, anh gửi thư từ Drenthe, “lẩn trốn hay biến mất - bây giờ hay mãi mãi về sau - dù là em hay anh cũng đừng bao giờ nên làm vậy, điều đó không khác gì tự sát”.

Bác sĩ Peyron cho rằng ông đã nhận thấy một nỗ lực tự sát khi Vincent mút những cây cọ vẽ của anh, và một lần khác Vincent đã gào thét om sòm kèm với một lời đe dọa tuyệt vọng khi anh cảm thấy tình yêu thương của em trai dành cho mình vuột mất. “Nếu anh không có tình bạn của em, chúng sẽ đẩy anh không thương xót tới ngưỡng tự tử”, anh viết vào tháng 4 năm 1889, “và anh thật hèn nhát làm sao, anh nên kết thúc bằng cách thực hiện điều đó”.

Đó là những giai đoạn anh chào đón cái chết - thậm chí còn tận tâm mong chờ nó: Những giai đoạn mà nỗi “kinh hoàng” và “ghê tởm cuộc đời” nhấn chìm anh tới mức anh vui lòng đón nhận cái chết. “Anh thà chết còn hơn”, anh viết từ phòng bệnh ở Arles, “là gây ra và chịu đựng khổ sở cỡ này”. Ở Saint Rémy, anh vẽ một Người gặt lúa hết sức rực rỡ và “đẹp đẽ” hệt như một thiên thần cứu trợ, và chỉ dẫn cho Theo: “Chẳng có nỗi buồn đau nào trong cái chết cả”. Những gian truân đã khiến anh chín muồi, sẵn sàng hơn trước việc được đón đi - thậm chí còn háo hức mong chờ lưỡi hái tử thần. Những cơn sóng bạo bệnh vùi dập anh liên hồi và “luôn sống trong nỗi sợ các cơn tái phát”, Vincent thú nhận, “anh thường tự nói với mình rằng anh mong sẽ không có gì thêm nữa, rằng đây là lần kết thúc”. Thế nhưng dẫu đón chào cái chết tới, anh vẫn không dám tự ra tay với chính mình. Trong tất cả những đêm ám ảnh tại Nhà Vàng, trong mọi chuyến bách bộ đơn độc quanh Saint-Rémy, Vincent vẫn luôn giữ lời cam kết của mình. Anh đã không trầm mình xuống dòng Rhône, hay nhảy khỏi rặng đá Alpilles, cũng chẳng quăng mình nơi đường ray của một chuyến tàu đi về phía Paris.

Hoa hạnh đào (Almond Blossom), tháng 2 năm 1890, sơn dầu trên toan, 287⁄8 × 361⁄8 in. [73 × 92 cm]. Ảnh: Omega Plus cung cấp

3. Thành thực mà nói, Vincent tự miêu tả mình như một kẻ đã tiến quá gần đến hành vi tày trời, hèn nhát đến nỗi không bao giờ dám chạm đến nó thêm một lần nào nữa. “Anh đang cố gắng hồi phục”, anh viết, “giống như có một kẻ đã có ý muốn tự tử, nhưng rồi lại quay về bờ vì hắn nhận ra con nước lạnh lẽo quá”.

Dù ở thung lũng đá núi Saint-Rémy hay miền đất đen Borinage, dù ở Nhà Vàng hay xưởng Schenkweg, bất cứ khi nào những ý nghĩ tự tử xóa tan tấm rào lương tri và thâm nhập vào trí tưởng tượng của Vincent, chúng chỉ đến trong một dáng hình duy nhất: Chết đuối. Khi Kee Vos từ chối những lời khẩn cầu tình yêu của anh vào năm 1882, anh đã nghĩ đến việc “gieo mình xuống nước” trong nỗi tuyệt vọng. Sau đó, anh đùa bỡn với điều cấm kỵ trong quy tắc chống lại việc tự sát hại bản thân của Millet: “Anh có thể hiểu sao người ta lại trầm mình chết đuối”. Một năm sau đó, anh cảnh báo Theo rằng Sien Hoornik có thể sẽ gieo mình xuống nước nếu như anh rời bỏ cô.

Trong trí tưởng tượng của Vincent, cả nghệ sĩ lẫn phụ nữ đều luôn tự tử bằng cách trầm mình vì họ có cùng một sự hiểu biết, “sự thanh nhã”, và “sự nhạy cảm với nỗi thống khổ của chính họ”. Các nghệ sĩ “chết theo cách những người phụ nữ chết”, anh viết hồi ở Antwerp, “như những người phụ nữ đã từng yêu đương nhiều, và bị cuộc đời làm tổn thương”. Margot Begemann đã uống độc dược strychnine, và anh biết cả những nàng khác, trong cả đời thực lẫn tưởng tượng, đã từng tự đầu độc bản thân. (Trên thực tế, Vincent biết nhiều về độc dược và có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả lên chính anh.) Thế nhưng những người như vậy không tận hưởng “sự ý thức về bản thân” như các nghệ sĩ. Không giống như anh, họ khinh rẻ sự sống.

Anh từng đọc cuốn “Illusions perdues” (Hết ảo tưởng) của Balzac và nghe nhân vật Lucien Chardon, nhà thơ ngã lòng trong cuốn sách, trầm ngâm về tính nghiêm trang và phương thức của việc tự tử. “Là một thi sĩ hắn muốn tạo nên một cái kết nên thơ”, Balzac viết, thế là hắn chọn một “vị trí đẹp” dọc theo con sông và bắt đầu nhét đầy các viên đá vào những chiếc túi của mình theo dự tính. Đương nhiên, Vincent cũng từng đọc về việc nhảy xuống từ trên cao, một phương thức đã có từ rất xưa về trước như trong cuốn “Jeanne d’Arc” (Jeanne xứ Arc) của Michelet và mới gần đây là cuốn “Germinie Lacerteux” của Goncourt. Những người hùng bị coi thường của Flaubert là Bouvard và Pécuchet đã tính sẽ đi treo cổ - cùng nhau, dĩ nhiên là thế - nhưng thất bại. Claude Lantier của Zola thì đã thành công: “[Hắn] treo cổ mình trên cái thang lớn ngay trước kiệt tác chưa và chẳng thể nào hoàn thành của hắn”. Một nhân vật trong cuốn “Au Bonheur des Dames” (Hiệu hạnh phúc các bà) của Zola đã tự quăng mình xuống dưới một chiếc xe buýt ngựa kéo. Còn Nhà truyền giáo của Daudet thì chọn một đoàn tàu.

Tĩnh vật: Lọ hoa trúc đào và Sách (Still Life: Vase with Oleanders and Books), tháng 8 năm 1888, sơn dầu trên toan, 235⁄8 × 283⁄4 in. [60 × 73 cm]. Ảnh: Omega Plus cung cấp

4. Trong những cuốn sách mà Vincent đọc, phương sách dùng súng luôn để lại kết cục đau đớn - và thường chẳng mấy thành công. Trong Pot-Bouille của Zola, chàng luật sư phóng đãng Duveyrier đã thử tự bắn mình bằng một khẩu súng lục ổ xoay nhỏ nhưng chỉ thành công trong việc tự làm biến dạng hình hài mình suốt đời. Trong Pierre et Jean của Maupassant, vụ súng cướp cò vô tình đã để lại một vết thương “kinh hoàng” tại ổ bụng “khiến ruột lòi ra ngoài qua cái lỗ đó”. Trong cuộc đời của chính Vincent, súng đạn là những thiết bị ngoại lai, xa lạ, chỉ gắn với những chuyến phiêu lưu hoang dã và những lời kêu gọi lâm trận.

Chẳng một ai ở Auvers (vào thời điểm đó) nhớ rằng đã từng thấy Vincent cầm một khẩu súng, và cũng không một ai thừa nhận đã từng đưa, bán, hay cho anh mượn bất kỳ khẩu nào. Sau tất cả, ai sẽ là người tin rằng gã Hà Lan fou (điên khùng) lại có một khẩu súng lục ổ xoay - thứ vẫn còn mới lạ tại vùng thôn quê nước Pháp. Và điều gì đã dẫn đến việc đó? Trong nhiều năm tiếp theo, bí ẩn về hung khí thất lạc của Vincent đã làm dấy lên một loạt các tuyên bố vô căn cứ: Rằng anh đã mượn nó từ người chủ quán trọ Ravoux để “xua đuổi quạ” trên đồng; rằng anh đã từng đe dọa người khác bằng chính khẩu súng đó; rằng anh đã từng vung vẩy một món vũ khí tương tự vậy từ trước đó trong đời.

Thế nhưng bác sĩ Mazery, vị bác sĩ đầu tiên có mặt tại hiện trường, chẳng cần nhìn thấy hung khí cũng biết rằng đó là một khẩu súng lục nòng nhỏ. Vết thương nằm ngay phía dưới phần xương sườn của Vincent “có kích cỡ khoảng một hạt đậu lớn” và máu chỉ rỉ nhỏ giọt. Xung quanh cái vòng tròn nhỏ đỏ sẫm đó bầm lên một quầng tím. Mazery kết luận rằng viên đạn đã trượt qua những cơ quan nội tạng chính và không phạm phải mạch máu. Bằng cách thăm khám cơ thể Vincent, một quá trình đau đớn, ông cho rằng viên đạn đang nằm ở phần phía sau khoang bụng. Điều đó có nghĩa là viên đạn có khả năng đã đâm thủng một bên phổi, hoặc sượt qua một động mạch, lại cũng có thể nằm gần tủy sống - tất cả đều là mối đe dọa chết người.

Viên đạn đã đi một quỹ đạo dị thường. Nếu Vincent có ý định nhắm vào tim, thì mục tiêu của anh cách vết thương xa đến khó hiểu. Khẩu súng được cầm ở tầm quá thấp và hướng nòng xuống dưới, đưa viên đạn nhỏ vào một vị trí nguy hiểm, nhưng lại cách xa mục tiêu đã định. Nó trông giống một góc bắn điên rồ trong một vụ cướp cò, chứ không phải một đường đạn thẳng có chủ đích của một vụ tự tử được định trước. Và còn một điểm dị thường khác: Thông thường, một viên đạn bắn ở tầm gần như vậy, nếu nó không trúng vào xương, thì nó sẽ đi xuyên qua phần mô mềm ở bụng và xuyên thẳng ra khỏi cơ thể. Viên đạn vẫn còn nằm trong cơ thể của anh cho thấy đây không chỉ là một khẩu súng có cỡ nòng nhỏ với một lượng bột súng có hạn, mà còn cho thấy khẩu súng được bắn ở khoảng cách xa hơn - “quá xa,” theo bản tường thuật của vị bác sĩ - có lẽ xa hơn tầm với của Vincent.

Rồi sau đó, bác sĩ Gachet tới. Ông đang đi câu cá với con trai và hay tin về vụ nổ súng từ một người qua đường - một chỉ báo cho thấy tin tức đã lan nhanh như thế nào. Trên danh nghĩa là người chăm sóc Vincent ở Auvers, Gachet có rất nhiều điều cần giải đáp. Ông vội vã lao tới Quán trọ Ravoux, rõ ràng đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất. Rồi ông thấy Vincent minh mẫn một cách đáng kinh ngạc - đang hút tẩu - nhưng lại yêu cầu cần một ai đó gắp viên đạn ra khỏi ổ bụng mình.

“Thế không có ai phẫu thuật bụng cho tôi ư?”, một nhân chứng nhớ lại lời thỉnh cầu của anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn