MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam bằng việc thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại cửa khẩu.Ảnh: Đồ Nghệ

Đại dịch COVID-19 - khúc ngoặt mới

Lệ Hà LDO | 06/12/2020 15:24
Ngày 1.12, sau 88 ngày không có ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 từ cơ sở cách ly. Có 2 trường hợp khác lây nhiễm sau đó. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly; cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Khuyến cáo không lơ là với dịch bệnh không thừa

Ngay khi dịch COVID-19 đợt 2 lắng xuống vào tháng 8.2020, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo với người dân: Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn, khai báo y tế... để phòng chống COVID-19 trong giai đoạn mới.

Ngay trong những ngày dịch COVID-19 tạm lắng vừa qua Bộ Y tế vẫn đưa ra nhận định: Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới tại cộng đồng, nhưng các chuyên gia lĩnh vực dự phòng trong nước và nước ngoài nhận định, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, lây lan và bùng phát ở nước ta vẫn rất lớn.

Ðể chủ động phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền, ngành Y tế các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế trong tình hình mới.

Các chuyên gia lĩnh vực y tế trong nước và nước ngoài nhận định, số ca mắc trên thế giới sẽ tiếp tục ghi nhận số lượng lớn, trong đó có khu vực Ðông Nam Á và diễn biến dịch bệnh còn kéo dài ít nhất hai năm nữa. Trong khi đó, vaccine phòng bệnh chưa sẵn sàng để sử dụng trong cộng đồng; các ổ dịch tại các nước sẽ tiếp tục bùng phát trở lại sau khi mở cửa nền kinh tế...

Ðối với Việt Nam, dịch bệnh đã xảy ra tại nơi xung yếu nhất là bệnh viện; việc phát hiện bệnh chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây chéo, giám sát các trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp tại các cơ sở y tế. Ðáng lo ngại, thời gian tới, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực do còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp, trái phép, có thể là hàng hóa nhập khẩu chứa mầm bệnh, phương tiện. Mặt khác, người dân, chính quyền còn chủ quan, lơ là phòng dịch, nhất là thời tiết mùa đông - xuân tới đây, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan, bùng phát tại cộng đồng.

Thành công trong gần 3 tháng khống chế dịch COVID-19 vừa qua (kể từ sau đợt dịch COVID-19 xảy ra tại TP.Đà Nẵng) đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là nhất định. Thậm chí, có những người còn có những hành vi vi phạm mà điển hình là nhập cảnh trái phép hoặc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trốn tránh các biện pháp kiểm dịch, cách ly theo quy định để phòng chống dịch COVID-19. Đây chính là một trong những "lỗ rò" hết sức nguy hiểm trong bức trường thành chống đại dịch mà cả nước phải mất bao công sức, tiền của mới xây đắp nên từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Lê Bảo

Kẽ hở khiến lây lan ca bệnh

Những cảnh báo trên của ngành Y tế không thừa nhưng đã không được thực hiện chặt chẽ. Sau 88 ngày yên ắng, đã xuất hiện ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở tình huống ít ai ngờ: Lây nhiễm ngay trong khu cách ly và đã cách ly nhưng không an toàn. Bệnh nhân là tiếp viên hàng không, có tiếp xúc với đồng nghiệp mắc bệnh trong khu cách ly, ở thời điểm cả hai đều chưa biết tình trạng của mình. Khi bệnh nhân chuyển nơi cách ly, dù vẫn còn trong thời gian cách ly 14 ngày đã có tiếp xúc với cộng đồng, làm lây ra 3 người khác tính đến chiều 1.12.

Ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 tạm lắng tại Việt Nam thì trên thế giới số ca mắc vẫn tăng lên. Trong 88 ngày qua, dù Việt Nam không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng nhưng hàng ngày, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, số ca mắc mới từ các chuyến bay nhập cảnh vẫn ghi nhận, từ vài ca đến vài chục ca một ngày. Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan là có cơ sở, nếu có một sơ xuất nhỏ.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho rằng: Bệnh nhân 1342 (BN1342) - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines - vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung, cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan thêm cho một người khác. BN1342 đã có sự buông lỏng và không chấp hành các quy định cách ly (cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà), khiến dịch bệnh lây lan.

Về việc xác định trách nhiệm các bên liên quan và xử lý người vi phạm, ông Dũng cho biết, lãnh đạo TPHCM sẽ họp bàn, xem xét. Tuy nhiên, sau vụ việc này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP sẽ siết chặt hơn nữa các quy định về cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, BN1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà (đã tiếp xúc người khác). Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly. UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và BN1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng. Khi phát hiện ra trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly 14 ngày. Nhưng ở đây, việc thực hiện lỏng lẻo đã dẫn đến lây nhiễm.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay, đồng thời để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các địa phương phải rà soát lại tất cả kịch bản phòng, chống dịch. Việt Nam vẫn giữ năm nguyên tắc là: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, nhưng "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Giai đoạn hiện nay, có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam bằng việc thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch tại cửa khẩu, khai báo y tế; khuyến cáo sử dụng các phần mềm truy vết, khai báo sức khỏe; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về nơi cách ly. Tiếp tục tổ chức, quản lý chặt các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng, nhất là hình thức cách ly ngoài quân đội, cách ly tại nơi lưu trú...

Ngành Y tế các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 mới theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành bảo đảm chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực "an toàn".

Ðối với công tác giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan rà soát cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình hình dịch và những biểu hiện mới về dịch; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, bệnh viện, nhất là đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng, người viêm đường hô hấp, viêm phổi...; thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch và nâng cao hơn nữa năng lực của các đội phản ứng nhanh, làm tốt công tác truy vết tại cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, trong đó tập trung các đối tượng người cao tuổi, sinh viên... “Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên kiểm soát những nơi có thể xảy ra ổ dịch như siêu thị, bệnh viện, bến xe, nhà máy, trường học... Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc bởi hiện có tâm lý chủ quan, coi thường, cho rằng không có dịch trong khi dịch có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp địa phương. “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong hệ thống y tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn