MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ bước vào năm 2024 với nhiều niềm hy vọng vì luôn có tổ chức Công đoàn chăm lo (ảnh minh họa). Ảnh: Kiều Vũ

Đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động

Kiều Vũ LDO | 04/01/2024 09:01

Năm 2023 đi qua với những khó khăn, nhất là những tháng cuối năm. Khó khăn về việc làm khiến người lao động thêm vất vả. Bởi vậy, họ bước vào năm 2024 với cả sự lo lắng và niềm hy vọng.

Không bị chậm lương đã là một sự may mắn

Một buổi sáng tuần cuối năm 2023, trong sân khu nhà trọ gần Khu công nghiệp Phú Nghĩa, anh Nguyễn Công Hải tranh thủ mang xe máy ra rửa. Được hỏi không phải ca làm hay sao mà ở nhà, khuôn mặt anh Hải thoáng buồn, trả lời: Hôm nay tôi làm ca chiều. Những năm trước, dịp này tăng ca, gần như không có mặt ở nhà trọ. Nhưng năm nay nhiều thời gian quá. Để vừa tiết kiệm tiền, vừa “giết” thời gian rảnh tôi mang xe ra rửa...

Anh Hải quê ở Thái Bình, đang làm cho một công ty may. Càng về cuối năm, trong tình hình chung, công ty của anh càng ít việc vì là một công ty may gia công. Thực ra, không phải cuối năm thì ít việc, mà vì đơn hàng đã hết nên công nhân muốn cũng không thể tăng ca kiếm thêm thu nhập. Thấy trước khó khăn và khả năng thưởng Tết không được như những năm trước, anh Hải quyết định ở lại Hà Nội dịp Tết Dương lịch và đi xe máy về quê dịp Tết Nguyên đán. Với phương án này, anh Hải tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng.

Mọi năm, hầu như đợt nào Công ty thông báo anh Hải cũng đăng ký tăng ca, nhất là hai tháng cuối năm. Chưa lập gia đình nhưng có 2 em, một năm nay thi đại học, một vào cấp 3 nên anh Hải muốn phụ giúp bố mẹ tiền học, tiền quần áo cho các em. “Thôi, trong tình hình này không bị chậm lương đã là may mắn. Giờ chỉ mong có thưởng Tết” - anh Hải nói.

Không cùng ngành may mặc với anh Hải, mà làm cho một công ty mỹ phẩm nhưng chị Thanh Mai, cũng suy nghĩ với tình hình hiện nay không bị chậm hay nợ lương đã là may mắn hơn nhiều người. Sở dĩ như vậy vì hồi giữa năm 2023 do bị khách hàng đơn phương huỷ đơn nên dù cố gắng lắm công ty cũng đành có lời xin lỗi công nhân để nợ 2 tháng lương. Đến thời điểm này Công ty đã thu xếp, phát đủ lương cho người lao động đến hết tháng 10.

Lý do để chị Mai và các đồng nghiệp vẫn ở lại với công ty không phải vì bám trụ lấy 2 tháng lương mà vì “trước đây công ty đã quan tâm, đối xử rất tốt với người lao động nên chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lúc khó khăn, trong điều kiện có thể”. Điều để chị Mai và những người lao động khác tin tưởng công ty sẽ vượt qua được khó khăn còn vì vào thời điểm đó, hàng ngũ lãnh đạo cấp cao sẵn sàng chậm nhận lương 3 tháng, trong lúc các chị chỉ chậm 2 tháng...

Năm 2024 với những mong muốn và dự cảm tích cực

Thực ra không cần hỏi cũng có thể đoán định được câu trả lời của người lao động về mong ước gì trong năm 2024. Tất cả đều mong có đủ việc làm, thu nhập tăng, gia đình hạnh phúc. Nhiều người tin tưởng năm 2024 mức thu nhập của họ được cải thiện vì Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 1.7.2024. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng) xem xét, tăng lương cho người lao động.

Dù năm 2023 khó khăn như vậy nhưng nói về năm 2024 mỗi người lao động đều thể hiện sự lạc quan. Chị Thanh Mai tin tưởng sự đồng lòng, chia sẻ của cả tập thể, từ nhân viên đến lãnh đạo sẽ đưa công ty vượt qua khoảng thời gian khó khăn.

Với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đang vay vốn làm kinh tế gia đình từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình thì mong muốn được nâng mức tiền vay lên 50 triệu đồng để đáp ứng nguồn vốn kinh doanh phát triển kinh tế, hiện số tiền vay 30 triệu rất khó để mở rộng mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trường Mầm non Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là người đang vay vốn từ Quỹ cho biết hiện đời sống của một số giáo viên, nhân viên, người lao động tại Huyện Mỹ Đức cũng như Trường Mầm non Hợp Thanh còn nhiều khó khăn, thu nhập kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng. Đặc thù công việc dạy trẻ mầm non là đi làm từ sáng đến tối; lương thấp nên chỉ có thể chăn nuôi và cùng gia đình sản xuất nông nghiệp để tăng thêm thu nhập.

Vì vậy nhu cầu vốn vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi cải thiện đời sống càng trở nên rất cấp thiết. Nhu cầu này đã được Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đáp ứng. Các chị được sử dụng vốn vay với lãi suất 0,65% thấp hơn so với việc vay tại ngân hàng nên giữa thu và chi khoảng cách được thu hẹp lại; hàng tháng được tạo điều kiện tiết kiệm trả nợ dần, sau 2 năm các chị có thể trả hết nợ và còn tích lũy được một số vốn nhỏ từ việc tích lũy mỗi tháng.

Với chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sau khi được vay vốn từ Quỹ trợ vốn, chị đầu tư sửa lại chuồng trại, mua thêm gà, ngan giống để chăn nuôi, với việc mua giống nuôi kế tiếp. Sau một năm chị đã xuất được 3 - 4 lứa gà thịt, mỗi lứa 100 - 200 con. Trong đó có 100 con gà đẻ. Thu nhập từ bán trứng gà và gà thịt trung bình thu nhập từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng/tháng (đã trừ chi phí). Nhờ đó chất lượng cuộc sống của gia đình chị được cải thiện rõ rệt; các con được đầu tư học hành đầy đủ, bản thân chị cũng yên tâm công tác.

Điều chị và hàng nghìn lượt người lao động đang vay vốn mong muốn là sang năm 2024 các cấp công đoàn và Quỹ trợ vốn tiếp tục quan tâm. Ngoài việc vay vốn kinh doanh, chăn nuôi sản xuất, sửa chữa, xây dựng, mua thiết bị phục vụ sinh hoạt... nên mở rộng thêm đối tượng cho vay như vay cho con học đại học, vay chữa bệnh hiểm nghèo. Với các trường hợp vay cho con học đại học, vay chữa bệnh có thể kéo dài hạn lên 3 - 5 năm và giảm lãi suất vay tạo điều kiện để người vay có thể vừa chữa bệnh vừa có khả năng trả được nợ...

Trao đổi với chúng tôi, một chủ cơ sở sản xuất cho biết, mong muốn lớn nhất của bà là trong năm 2024 không phải tiết giảm lao động - có nghĩa sẽ đủ đơn hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn