MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô dâu chuẩn bị trang phục cưới.

Đám cưới truyền thống đầu tiên của người Hà Nhì Đen được ghi lại bằng hình ảnh

Thành Thế Vinh LDO | 09/11/2020 11:30
Với người Hà Nhì Đen ở tỉnh Lào Cai, trai gái đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương trước khi tiến tới hôn nhân. Chàng trai và cô gái khi đã yêu thương nhau thật lòng, họ sẽ xin phép bố mẹ của cả hai gia đình được tìm hiểu và khi đã đủ sự tin tưởng vào tình yêu thì đôi trai gái có thể ăn nằm với nhau, có thể sinh con trước khi tổ chức lễ cưới. Đây là một tập quán, quan niệm về quan hệ nam nữ, về hôn nhân hết sức cởi mở của một tộc người quanh năm gắn bó với núi rừng, với ruộng nương như người Hà Nhì Đen.

Khi đã quyết định tiến tới hôn nhân, chàng trai và cô gái sẽ thông báo với gia đình hai bên để chuẩn bị. Nhà trai sẽ mời hai ông mối để thay mặt gia đình đến thưa chuyện với nhà gái về thủ tục đón dâu, nhận dâu và báo cáo với tổ tiên bên nhà trai.

Bên nhà gái sẽ cho phép cô dâu sang ở bên nhà người họ hàng tại thôn bản của nhà trai. Tại đó, cô dâu được các chị em, bạn bè giúp chuẩn bị quần áo đẹp và họ cùng nhau ăn một bữa cơm chia tay trước khi nhà trai đến đón đi. Đoàn đón dâu của nhà trai sẽ có chú rể, phù rể đi cùng đến đón dâu. Cô dâu cũng có 1 phù dâu đi cùng để đưa đến nhà trai, cùng đi còn có một số bạn bè thân thiết của cô dâu và chú rể.

Khi đến nhà cô dâu, phù rể sẽ vào trong nhà thông báo đã đến giờ và chú rể đang chờ ở ngoài cửa, mời cô dâu ra cửa để đoàn nhà trai đón đi. Chú rể và đoàn nhà trai chỉ đứng bên ngoài cửa nhà gái, khi cô gái ra tới cửa họ sẽ cùng đón đi theo đoàn. Đoàn đón dâu sẽ đi thẳng về nhà trai, họ sẽ không nghỉ và không quay lại nhà gái. Khi về đến nhà trai, mẹ của chú rể ra cửa, cầm một gáo nước sạch để rửa cho chú rể, cô dâu, phù rể, phù dâu và các thành viên khác trước khi vào trong nhà.

Vào tới trong nhà, mẹ chàng trai sẽ đeo lên vai cô dâu một chiếc gùi trong đó có hai gói xôi, cô dâu đeo lên và chú rể đứng sau. Cô dâu khi hạ gùi xuống thì chú rể phải đón được chiếc gùi, điều này thể hiện sự hòa hợp giữa chàng trai và cô gái, sẽ hạnh phúc bên nhau. Tiếp theo, mẹ chàng trai đưa cho cô dâu chiếc cối giã ớt và chiếc chày, cô dâu sẽ giã 3 lần vào trong chiếc cối với ý nghĩa dù là ớt có cay, muối có mặn thì khi vợ chồng hòa hợp sẽ có được cuộc sống tốt đẹp. Lúc các nghi thức này được thực hiện xong, anh trai của chú rể sẽ thực hiện nghi lễ báo với tổ tiên về gia đình có thêm thành viên mới. Sau đó, cô dâu và chú rể quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên để cầu mong tổ tiên chứng nhận và bảo vệ.

Đám cưới của cô dâu Phà Ta Sú và chú rể Ly Mừ Xá là đám cưới truyền thống đầu tiên được ghi chép lại bằng hình ảnh từ trước đến nay. Bởi khi cưới nhau, người Hà Nhì không tổ chức cầu kỳ, không đòi hỏi nhiều lễ vật. Đám cưới của người Hà Nhì rất đơn giản, lễ vật cưới có khi chỉ là con gà trống để làm lễ báo với tổ tiên nhà mình, chỉ cần yêu nhau là về sống chung. Nhiều gia đình Hà Nhì thường tổ chức đám cưới lần thứ hai khi có điều kiện, gia đình làm ăn khấm khá. Nhiều người 50, 60 năm sau khi đã có con cháu mới tổ chức đám cưới linh đình để gắn kết dòng họ hai bên.

Trước giờ đón dâu.
Chú rể và phù rể đón cô dâu về nhà chồng.
Nhà trai đón đoàn đưa dâu vào nhà.
Cô dâu làm lễ với ớt cay muối mặn.
Cô dâu chú rể làm lễ bái đường.
Bà con trong bản chúc mừng hạnh phúc cho hai vợ chồng.

Có thể nói, nghi lễ cưới của người Hà Nhì Đen là hết sức độc đáo, vừa thể hiện được các giá trị văn hóa truyền thống, vừa mang yếu tố đổi mới về tư duy và quan niệm của hạnh phúc đôi lứa sau hôn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn