MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặng Nguyệt Anh: “Nếu có kiếp sau, tôi lại xin được làm thi sĩ”

BÍCH HẬU (thực hiện) LDO | 12/03/2023 11:12
Đọc thơ Đặng Nguyệt Anh, tôi tưởng tượng ra nữ sĩ này và muốn gặp. Khi gặp bà rồi, thấy con người tuyệt vời hơn cả thơ. Đúng vậy, cuộc đời bà còn hơn cả một tiểu thuyết, và lúc này đây, từng ngày của bà vẫn quyến rũ, du dương nhiều dư vị...

Thưa bà, sau 12 tập thơ đã in trong nước, thì động lực nào giúp bà xuất bản thơ ở nước ngoài? Tập thơ “Trái tim không biết quỳ” (The heart not knowing to kneel) in ở NXB Ukiyoto tại Bắc Mỹ đã được bà viết khi nào?

- Thơ cần có độc giả. Người làm thơ như tôi, thêm một độc giả là thêm một niềm vui. Không chỉ cần độc giả trong nước, mà tôi ước muốn có đông đảo bạn bè quốc tế cùng đồng cảm chia sẻ với mình. Thơ ca có thể vượt qua biên giới quốc gia, dân tộc. Được như thế, là một hạnh phúc lớn lao! Vì vậy, tôi quyết định xuất bản thơ ở nước ngoài. Tập thơ “Trái tim không biết quỳ” được Ukiyoto xuất bản đầu năm 2023, tôi đã viết rải rác trong suốt hành trình sáng tạo hơn một nửa thế kỷ. Trong tập này, tôi có ý thức chọn những bài ngắn để dễ dịch và bạn đọc nước ngoài dễ tiếp cận. 

Có nhà báo nhận xét rằng:  Thơ Đặng Nguyệt Anh đẹp và hay ở nhịp điệu và ý nghĩa, ngôn từ sử dụng như có phép màu... Bà đã “luyện” chữ và thơ như thế nào để có những vần thơ nâng bổng tâm hồn người đọc lên như vậy?

- Cảm ơn nhà báo đã có lời khen. Tôi phải đội ơn Thượng đế cho tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống văn hóa. Tôi là con một nhà nho nề nếp ở Nam Định. Cha tôi là nhà giáo, nhà thơ. Gia đình truyền đời đi dạy học. Tôi học Văn ở Đại học sư phạm. Có thời gian dài tôi dạy Văn ở trường THPT Marie-Curie, TPHCM. Đó chính là nền tảng của văn chương.

Chẳng có “phép màu” gì đâu bạn ạ. Nhờ tôi được học hành tử tế, và luôn luôn có ý thức rèn luyện, tích lũy vốn liếng. Ngay bây giờ, nếu gặp một câu thơ, câu văn hay, một lời hay, ý đẹp, một từ mới lạ, là tôi lại ghi chép, rồi học, học cho tới thuộc... (giống như học ngoại ngữ). Nếu thơ tôi có thể hòa điệu với tâm hồn bạn đọc, có lẽ vì mình viết bằng tấm lòng chân thật, bằng cảm xúc chân thành nhất, giản dị nhất, gần gũi với bạn đọc, luôn mong muốn hướng tới bạn đọc.

Bà đã từng đi một số nước, tham dự sự kiện văn học quốc tế, vậy bà có mong muốn gì trong giao lưu văn học với đồng nghiệp trên toàn cầu?

- Câu hỏi rất thú vị. Ông bà xưa đã nói “Đi ngày đàng, học sàng khôn”. Tôi may mắn được đi nhiều, được tham dự một số sự kiện văn học quốc tế. Mỗi lần đi, được gặp gỡ, được giao lưu học hỏi, không chỉ lĩnh vực văn chương, mà còn là cơ hội kết giao tình thân ái với bạn bè. Khác màu da, ngôn ngữ, vẫn gần gũi, thân thiết, yêu thương, chan hòa...

Bìa sách thơ “Trái tim không biết quy“. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà lấy nguồn cảm hứng từ đâu để làm thơ?

- Cảm hứng chính từ đời sống và sách vở. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, đọc nhiều. Sách là kho kiến thức vô tận mà! Từ những chuyến đi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè cho tôi những rung cảm thật đẹp. Sách báo cho tôi tiếp xúc với những danh nhân, những thiên tài, những con người vĩ đại, tạo nên những cảm xúc tuyệt vời!

Tôi hay viết về các danh nhân trong và ngoài nước, trước hết vì tôi kính yêu, ngưỡng vọng và biết ơn họ. Chính họ đã góp phần làm nên lịch sử, văn hóa nhân loại.

Trong các nhà thơ đông tây kim cổ, tôi ngưỡng mộ rất nhiều, có người là thần tượng vĩ đại trong tâm hồn tôi. Việt Nam có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... không chỉ ngưỡng mộ tài năng, mà cả nhân cách lớn lao của họ!

Tôi rất thích Đỗ Phủ, thiên tài xuyên suốt mọi thời đại! Thích Puskin, cảm phục nhân cách quý tộc của ông: Danh dự đặt lên hàng đầu! Và một tình yêu cao đẹp: Cầu mong em yêu được người như tôi đã yêu em!

Và rất nhiều những tên tuổi lớn khác...

Ở tuổi ngoài 70 thì điều gì khiến bà cầm bút? Đời sống hôm nay liệu có gợi cảm hứng cho bà bằng thời chiến tranh, khi bà vượt dãy Trường Sơn, tìm chồng và “chiến đấu” theo cách độc đáo bậc nhất?

- Như các bạn biết đấy, thơ không phải là nghề, mà là nghiệp. “Trời bắt làm thi sĩ”, nên cứ phải cầm bút cho tới già. Nếu có kiếp sau, tôi lại xin được làm thi sĩ!

Bạn lại muốn so sánh cảm hứng giữa đời sống hiện tại, và thời chiến tranh. Đó là hai giai đoạn lịch sử rất khác biệt của dân tộc! Tôi tự nhận xét, mình là một người may mắn, được trực tiếp tham gia, chứng kiến một giai đoạn lịch sử hào hùng và oanh liệt đó. Cuộc đời tôi là một tiểu thuyết dài!

Cưới nhau Tết năm 1967, gần một năm sau thì chồng tôi vào Nam công tác (Gọi là đi B). Anh đi được 5 năm, đồng đội anh ở chiến trường ra, báo tin anh yếu lắm. Nếu tổ chức có cho anh ra Bắc, anh cũng không đủ sức để đi... Thế là tôi lên Ban Thống nhất trung ương để xin vào Nam với anh. Một mặt là công tác, mặt khác là tiện việc chăm sóc anh.

“Thuở ấy” tôi đã đi theo Đường mòn Hồ Chí Minh hơn 100 ngày đêm và gặp được chồng ở chiến trường Đông Nam bộ. Hai vợ chồng cùng công tác ở Tiểu ban giáo dục R, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam - Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.

Gần 2 năm sau, chúng tôi có một bé gái đầu tiên, và một bài thơ ra đời: “Rừng miền đông và con gái tôi!”

Chiến trường ác liệt, gian khổ, thiếu thốn... Từng ngày, từng giờ lo lắng, hồi hộp, bảo toàn tính mạng cho đứa con thơ dại. Khát vọng lớn nhất là khát vọng sống, khát vọng hòa bình, giải phóng dân tộc! Nếu nói về ác liệt, gian nan thì không bút mực nào tả hết. 

Tôi thì hay đi mở lớp huấn luyện cho các cô mẫu giáo, và dạy văn hóa cho một số nhân viên ở các cơ quan xung quanh. Nói là xung quanh, nhưng vì đảm bảo an toàn, từ cứ này đến cứ kia cũng phải cách bốn, năm cây số đường rừng.

Còn bây giờ là thời bình, cuộc sống êm ả, nhẹ nhàng. Mình chỉ làm tròn bổn phận công chức, bổn phận công dân. Cảm xúc nó cũng bình thản hơn, không gay cấn, ác liệt, không có những phút nghẹt thở, lo lắng đến sự sống chết. Thực ra, bây giờ viết khó hơn ngày trước. Không có những thử thách ác liệt, sống chết cận kề. Không có cái đói, cái thiếu thốn, kể cả nỗi nhớ quê hương, cha mẹ đến cháy lòng...

Bây giờ sống dễ, viết khó!... Dù vẫn có những trăn trở, những băn khoăn, day dứt. Tất nhiên là với cá nhân tôi thôi!

Với bà, thơ là gì?

- Thơ là cuộc sống. Với tôi, con người cụ thể bằng xương thịt và thơ đã hòa quyện vào nhau, không thể tách rời! Cảm ơn số phận đã cho tôi là một nhà thơ. Nhờ thơ, tôi có một đời sống tâm hồn phong phú. Có bạn bè ở khắp mọi nơi. Được chia sẻ, yêu thương. Tôi không định nghĩa về thơ, vì quá nhiều người đã định nghĩa. Có người cho rằng: Thơ là sự viết sai ngữ pháp. Tôi không quan tâm, chỉ muốn thơ, của mình có nhiều độc giả, và chia sẻ được với họ.

Tác giả Đặng Nguyệt Anh sinh năm 1948. Quê quán: Làng Ninh Cường; huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Đã xuất bản 10 tác phẩm văn học.

Tập thơ song ngữ “Trái tim không biết quỳ” của bà (The heart not knowing to kneel) được Ukiyoto xuất bản đầu năm 2023, phát hành toàn cầu trên kênh của NXB này và Google Play.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn