MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh vẽ vua Tự Đức bởi L.Ruffier.

Dâng roi mây cho mẹ đánh và bài học về lòng hiếu thảo của vua Tự Đức

ts. Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 27/08/2023 12:15

Người xưa có câu “Bách thiện hiếu vi tiên” (tất cả mọi lòng tốt đều bắt đầu từ lòng hiếu thảo), Lễ Vu Lan báo hiếu là dịp quan trọng để nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thuận và tình cảm với gia đình, tổ tiên. Trong lịch sử Việt Nam, vua Tự Đức là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo xưa nay hiếm.

Bi kịch của nhà vua hay chữ

Vua Tự Đức (1829 - 1883), là một vị vua nắm quyền lâu dài nhất thời nhà Nguyễn. Ông là con của vua Thiệu Trị và thái hậu Từ Dụ. Ngay từ khi còn nhỏ đã tỏ ra là người cực kỳ hiếu thảo, ham học, được vua cha rất quý mến. Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, vua Tự Đức lên ngôi năm 19 tuổi nhưng học hành đã “thông mẫn, ham học” (chữ dùng của vua Thiệu Trị), đồng thời, là một người chăm chỉ và luôn xem xét công việc triều chính một cách kỹ lưỡng, không bao giờ để cho công việc trễ nải.

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi lại rằng: “Tính Ngài siêng năng, sáng chừng năm giờ, Ngài đã ngự tánh, nghĩa là thức dậy, chừng sáu giờ, Ngài đã ra triều. Cho nên, các quan ở Kinh buổi ấy cũng phải dậy sớm để mà đi chầu. Thường thấy các quan thắp đèn ăn cháo để vào triều cho sớm”. Do đó, vua Tự Đức được các quan lại trong triều khâm phục mà hết lòng phò tá.

Vua Gia Long từng ban chiếu rằng: “Vương giả lấy đạo hiếu trị thiên hạ, mà đạo hiếu thì không gì lớn bằng tôn kính bề thân. Truy tôn tổ tông là để tỏ lòng thành kính mà đạt đạo hiếu”.

Thời gian vua Tự Đức nắm quyền cũng đánh dấu nhiều biến cố trong lịch sử Việt Nam. Dù chăm chỉ xử lý công việc triều chính nhưng nhà vua vẫn phải chật vật đối phó với các thế lực phương Tây để rồi chủ quyền đất nước đã rơi vào tay người Pháp khi ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Hòa ước Giáp Tuất (1874). Để rồi mở ra một thời kỳ đau thương của lịch sử dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm.

Tháng 7.1883, vua Tự Đức băng hà khi mới chỉ 54 tuổi. Trước khi mất, nhà vua đã cho dựng một tấm bia rất lớn do đích thân vua soạn ở Khiêm Lăng. Trong văn bia, nhà vua tự trách mình về việc để mất nước vì "ngu mà mong yên ổn, mờ tối không lo phòng bị từ khi việc chưa phát, tôi hay tướng giỏi cũng đã rơi rụng quá nửa, không ai nhắc nhở lời dạy của vua cha về việc đề phòng mặt biển đến giúp ta tránh khỏi chỗ lỗi lầm". Để rồi "không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả... Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo”.

Cuộc đời nhà vua còn có một bi kịch khác, dù có rất nhiều phi tần nhưng nhà vua không có con nối dõi, nên đã nhận 3 người cháu làm con nuôi mà sau này cả 3 người con nuôi này đều lên ngôi Hoàng đế, bao gồm: Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái (vua Dục Đức), Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (vua Đồng Khánh) và Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (vua Kiến Phúc).

Khung cảnh bình yên của Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng). Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Gương sáng của người xưa về lòng hiếu thảo

Theo nhiều tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, trong suốt 36 năm làm vua của mình, dù rất bận với công việc triều chính, nhưng cứ ngày lẻ thì nhà vua thiết triều, còn ngày chẵn thì vào chầu cung thăm nom Thái hậu Từ Dụ, không khi nào chểnh mảng: “Ngài thờ Đức Từ Dụ rất có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần, ngự triều 15 lần, trừ khi đi vắng và khi se yếu. Trong 36 năm, thường vẫn như thế, không sai chút nào. Khi ngài chầu cung thì ngài tâu chuyện này chuyện kia, việc nhà việc nước, việc xưa việc nay. Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục”.

Việt Nam sử lược kể lại một câu chuyện rằng: một hôm rảnh việc nước, nhà vua ngự bắn tại rừng Thuận Trực gặp phải khi nước lụt nên không về cung được, trong khi đó còn hai ngày nữa thì có ngày kỵ của vua Thiệu Trị. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền vua đang chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền vua mới tới bến.

Khi ấy trời đang mưa, nhà vua vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Nhà vua lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn.

Cách một hồi lâu, Đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ.

Ngài lạy tạ lui về, trong đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi theo. Quan thì mỗi người được một đồng tiền bạc, lớn nhỏ tùy theo phẩm, còn lính thì mỗi người được một quan tiền kẽm. Đến sáng nhà vua ngự ra điện Long An lạy kỵ. Trần Trọng Kim nhận xét rằng: “Xem cách ngài thờ mẹ như thế, thì tự xưa đến nay ít có”.

Hòa ước Giáp Tuất có một điều khoản, “Mười một lăng mộ họ Phạm (họ của mẹ vua Tự Đức) nằm ở Sài Gòn và Bình Hòa sẽ không được phép mở, đào bới, xâm phạm hoặc phá hủy” mà theo GS. Tsuboi của Đại học Waseda, Nhật Bản thì đây là điều khoản “vượt quá truyền thống”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn