MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp Chăm tại Ninh Thuận là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách tham quan trong dịp diễn ra lễ hội Katê. Ảnh: N.B

Đánh thức du lịch vùng tam giác Nam Trung Bộ

Nhiệt Băng LDO | 20/03/2017 06:24
Tỉnh Ninh Thuận (tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận của miền Duyên hải Nam Trung Bộ) vừa triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch, xúc tiến quảng bá hình ảnh đến du khách tại tỉnh này sau khi khảo sát thực tế, tìm hiểu tiềm năng tại các điểm du lịch như đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoli, làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc.

Giàu tiềm năng, nhưng thiếu đủ thứ!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, thời gian qua, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo để giữ gìn và phát triển sản phẩm và thương hiệu, mang lại diện mạo mới cho du lịch địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Ninh Thuận đến du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và giữ gìn đồi cát thiên nhiên chưa được các địa phương xác lập chặt chẽ; các làng nghề đồng bào dân tộc chăm chưa thay đổi phương thức hoạt động, cách tiếp cận khách hàng, chưa giải quyết tốt vấn đề đầu ra của sản phẩm, nguồn nhân lực phục vụ quảng bá làng nghề thiếu và yếu, chưa sáng tạo các mẫu hoa văn mới lạ để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng...

Thực tế nhiều năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch hiện có tại tỉnh Ninh Thuận - địa phương được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển du lịch (tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận của miền Duyên hải Nam Trung Bộ) gần như đang... ngủ yên. Nhiều du khách đến với tỉnh Ninh Thuận ngơ ngác, ngậm ngùi, loay hoay vì thiếu thông tin về các điểm đến "thiên nhiên ban tặng" cho tỉnh này. Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, khảo sát thực địa các điểm du lịch tại Ninh Thuận cho thấy, tỉnh này có tiềm năng du lịch rất lớn. "Ninh Thuận có rất nhiều lợi thế để phát triển một ngành du lịch hoàn hảo. Tỉnh có một nền văn hóa Chăm lâu đời, đậm đà bản sắc mà không nơi đâu trên đất nước có được.

Hệ thống di tích tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, đó là chưa kể nền văn hóa của cộng đồng người Chăm đang gắn trực tiếp vào việc bảo tồn, phát triển của di tích. 

Ngoài ra, du lịch sinh thái cũng rất phong phú, có hai vườn quốc gia còn hoang sơ, biển Ninh Chữ, Cà Ná rất đẹp… Những yếu tố đó sẽ là tiền đề để Ninh Thuận đưa ngành du lịch vào chiến lược phát triển mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới đây” - ông Chung đánh giá.

Mặc dù có nhiều điểm đến mang tính đặc thù riêng biệt về văn hóa, cảnh đẹp như vậy, nhưng đến nay trên bản đồ du lịch Việt Nam, Ninh Thuận vẫn chưa có tên và vị trí xứng đáng. Đến Ninh Thuận, đi và chơi ở đâu vẫn là điều mơ hồ đối với không ít du khách. Việc này, theo ông Chung là "chưa được" và "cho thấy chúng ta chưa có cơ chế quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Thuận đúng cách".

Ông Nguyễn Trung Tây Đô - Công ty Bến Thành Tourist - cho rằng, Ninh Thuận có lợi thế phát triển tour du lịch sinh thái biển - rừng, tour du lịch văn hóa - ẩm thực và trải nghiệm. Địa phương có tới hai vườn quốc gia Núi Chúa và Phước Bình, có biển Bình Tiên, Ninh Chữ, Cà Ná, có làng nghề gốm Bàu Trúc cổ nhất Đông Nam Á, vườn sinh thái du lịch như nho, sản phẩm thịt cừu... Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận còn nằm trong tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận của miền duyên hải Nam Trung Bộ. Thế nhưng, việc gắn kết với các tỉnh bạn để phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch như trên còn chưa được quan tâm đúng mức.

Phải đầu tư chiến lược quảng bá

Ông Trần Phú Chiến - Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông - nhìn nhận, về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, Ninh Thuận có thể phải mất 3 - 5 năm mới hoàn thành, nhưng việc quảng bá thì phải làm ngay. Rõ ràng, du lịch phát triển tự nhiên được mà phải đầu tư, hình thành những điểm đến, tour tuyến cụ thể. Để bảo tồn và phát huy các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ninh Phước và Thuận Nam, từng bước trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách, đầu năm 2017, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về du lịch, khuyến khích, chăm lo, xây dựng chính sách phát triển du lịch bền vững, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, giá trị văn hóa dân tộc.

Cụ thể, đối với điểm du lịch Đồi cát Nam Cương, UBND tỉnh giao huyện Ninh Phước khẩn trương kiểm tra, đối chiếu lại phạm vi, quy mô, hiện trạng đất đai, báo cáo gửi Sở TNMT và KH-ĐT tổng hợp, báo cáo tỉnh trong quý I, năm 2017; xác lập cơ chế quản lý đất đai tại khu vực này, không để người dân lấn chiếm; hình thành một điểm đến và thiết kế các chương trình tour liên kết với các điểm du lịch khách của địa phương và của tỉnh; xắp xếp bố trí bãi đậu xe; tăng cường quản lý giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại điểm đến du lịch; tuyên truyền, động viên bà con cùng tham gia bảo tồn đồi cát thiên nhiên và phát triển du lịch.

UBND tỉnh cũng giao Sở VHTTDL lắp đặt thêm biển chỉ dẫn vào đồi cát Nam Cương trên các tuyến giao thông chính để du khách dễ nhận biết. Cập nhật thông tin và quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên kiểm tra, khảo sát các điểm du lịch; tham mưu các giải pháp hữu hiệu hút khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, một con đường vào khu vực đồi cát lý tưởng này cũng đang được khảo sát, thực hiện. Đặc biệt, dự án khai thác titan gây ô nhiễm môi trường nước tại đây sẽ bị thu hồi và chủ trương của tỉnh này là không trực tiếp cấp phép cho dự án nào khác bảo tồn kết hợp phát triển du lịch với các loại hình dịch vụ thể thao trên cát, tham quan...

Làng gốm Bàu Trúc.

Đối với 2 làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm là gốm Bàu Trúc và Dệt Mỹ Nghiệp, UBND tỉnh giao huyện Ninh Phước khẩn trương xây dựng đề án phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời tổ chức làm việc với các làng nghề để định hướng, củng cố và nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng, chung tay góp sức của từng thành viên các hợp tác xã cùng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng nghề, xây dựng các cơ chế, chính sách và đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết để các hợp tác xã phát huy tính năng động, sáng tạo.

Huyện Ninh Phước cũng có trách nhiệm phối hợp với các làng nghề khai thác văn hóa Chăm đưa vào phát triển du lịch như ẩm thực đặc trưng, phong tục tập quán, sinh hoạt, lễ hội, mô hình du lịch homestay; vệ sinh môi trường và an ninh trật tự đáp ứng yêu cầu cơ bản vệ sinh - văn minh - lịch sự.

Theo ông Bình, hiện nay, việc khảo sát, lựa chọn khu vực để trồng dâu nuôi tằm thí điểm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho làng nghề dệt Mỹ Nghiệp và quy hoạch vùng nguyên liệu cho việc làm gốm đang được UBND huyện Ninh Phước phối hợp với Sở TNMT thực hiện. Riêng Sở KH-ĐT hàng năm, nghiên cứu kế hoạch đầu tư công, các dự án hợp tác quốc tế để ưu tiên cơ sở hạ tầng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cho 2 làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và Dệt Mỹ Nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn