MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu dự Đại hội XIII - Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Đặt đoàn viên Công đoàn làm trung tâm hoạt động

PGS.TS. Dương Văn Sao LDO | 15/02/2024 14:52

Gần một thế kỷ xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kinh nghiệm tổ chức hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn các nước vào điều kiện rõ ràng của Việt Nam. Trong tình hình mới, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện tốt chức năng đại diện của mình.

Đủ bản lĩnh và năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) đi tiên phong trong thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức quần chúng duy nhất của CNVC-LĐ có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động, có khả năng thu hút lôi cuốn đông đảo CNVC-LĐ thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên giai đoạn mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu, rộng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển ngày càng nhanh. Công đoàn Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động,

Một trong những khó khăn, thách thức chủ yếu của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới là Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điển hình là tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, chấp nhận cuộc chơi bình đẳng với các quốc gia có trình độ phát triển cao. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nước ta nói chung, đối với

CNLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng.

Thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam phải thông qua, duy trì, đảm bảo các quyền của người lao động và công đoàn được nêu trong tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế. Mặt khác, khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, người lao động có quyền thành lập và lựa chọn tổ chức đại diện cho mình trong thương lượng với người sử dụng lao động. Như vậy, Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác. Có thể nói, đây là một sự cạnh tranh không bình đẳng vì Công đoàn Việt Nam vừa phải thực hiện chức năng nhiệm vụ là tổ chức đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động, lại vừa phải thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam.

Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi triệt để cách sống, làm việc và quan hệ của con người; làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị, đưa đến những chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người. Bên cạnh những cơ hội, thì cách mạng 4.0 đang đưa đến cho tổ chức Công đoàn Việt Nam những thách thức không nhỏ. Cách mạng 4.0 dẫn đến nguy cơ thất nghiệp gia tăng đối với lực lượng lao động trình độ thấp. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu việc làm của công nhân lao động ngày càng tăng, tạo nên sự biến động thường xuyên của thị trường lao động.

Tính không ổn định của việc làm và các hình thức sử dụng lao động phát triển đa dạng, đưa đến sự gia tăng bất bình đẳng trên nhiều lĩnh vực, đặt ra không ít khó khăn về việc làm của người lao động. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở cũng như việc tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Lấy đoàn viên làm trung tâm hoạt động

Trước những khó khăn thách thức và yêu cầu của phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn giai đoạn mới, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đề ra mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tích cực, chủ động tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Hoàn thành mô hình tổ chức thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia Công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác... Đổi mới tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động. Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội, trước tiên các cấp Công đoàn cần tập trung rà soát hệ thống tổ chức để xây dựng, hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức; bố trí đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng giảm đầu mối, gọn, tinh, rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phù hợp với năng lực, trình độ và có hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, định kỳ và xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách động viên khuyến khích về vật chất, tinh thần kịp thời, thỏa đáng để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh chính trị, nắm vững pháp luật lao động, có kỹ năng thương lượng, đàm phán, đối thoại, kỹ năng vận động, tập hợp quần chúng và tâm huyết với công tác công đoàn.

Đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở - một trong 3 khâu đột phá Đại hội XIII đề ra - đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thì cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến đầu tư các nguồn lực cho công tác này. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động cần thực hiện theo hướng đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp và tổ chức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của các cấp Công đoàn.

Đổi mới quan hệ giữa cán bộ công đoàn và đoàn viên theo hướng đoàn viên là người được thụ hưởng việc chăm lo, phục vụ và bảo vệ; cán bộ công đoàn có sứ mệnh chăm lo, phục vụ, bảo vệ đoàn viên, công đoàn cấp trên phục vụ, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của công đoàn cấp dưới. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra giám sát tài chính, tài sản công đoàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn