MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá

Nguyễn Hà - Tô Thế (thực hiện) LDO | 07/11/2020 06:41
Theo TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần đẩy nhanh tiến độ dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” trước tình hình trượt lở diễn ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.

Thưa ông, thời gian qua các tỉnh miền Trung xảy ra liên tiếp các vụ sản lở, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng này, đâu là nguyên nhân?

- Nguyên nhân chính gây ra sạt lở trước hết là do thời gian qua, các tỉnh miền Trung trải qua đợt mưa bão dài ngày, đất đá bị sũng nước, làm tăng nguy cơ gây trượt lở. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố bất lợi khác như địa hình bị phân cắt sâu, sườn có độ dốc lớn. Về địa chất, có nhiều đất đá giàu khoáng vật sét, thảm phủ thực vật có 70-80% là rừng tái sinh, mà rừng tái sinh vẫn có nguy cơ làm giảm liên kết của đất đá, tăng độ xói mòn của đất đá.

Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng đường sá, làm nhà, công trình làm mất chân sườn dốc, mất ổn định sườn dốc cũng khiến làm gia tăng việc trượt lở đất đá ở khu vực miền Trung.

Là đơn vị xây dựng nên bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và bản đồ phân vùng trượt lở đất đai, ông có thể chia sẻ về các bản đồ này đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như thế nào?

- Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" được thực hiện từ năm 2012, đến nay, chúng tôi đã làm được bản đồ hiện trạng của 25 tỉnh và 15 tỉnh phía Bắc đã được làm bản đồ phân vùng cảnh báo. Đến năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bản đồ rủi ro về trượt lở đất đá.

Chẳng hạn, khu vực tỉnh Quảng Trị đã được tiến hành điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000 trong năm 2018. Trong số 241 vị trí trượt lở đất đá đã được xác định, có 142 vị trí có quy mô nhỏ, 68 vị trí có quy mô trung bình, 27 vị trí có quy mô lớn, 2 vị trí có quy mô rất lớn và 2 vị trí có quy mô đặc biệt lớn. Mức độ trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhìn chung là không cao cả về số lượng và mật độ. Tuy nhiên, mức độ tập trung của trượt lở đất đá ở những địa bàn cụ thể lại rất cao, điển hình như số lượng điểm trượt chủ yếu tập trung ở huyện Hướng Hóa (147/241 điểm) và ở huyện Đakrông (71/241 điểm).

Các bản đồ này giúp ích cho các tỉnh miền núi như thế nào trong việc cảnh báo, đối phó với trượt lở đất, thưa ông?

- Với bản đồ này, chúng ta có thể cảnh báo cho người dân ở những vùng có nguy cơ trượt lở, sơ tán tức thì khi có thiên tai đến nơi an toàn hơn và các địa phương có thể có phương án để di dời, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn khi có trượt lở xảy ra. Về dài hạn, bản đồ này, nhất là bản đồ phân vùng cảnh báo, giúp các địa phương có thể tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bố trí lại dân cư ở vùng trượt lở.

Rõ ràng vừa qua, chúng ta chứng kiến các vụ sạt liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung, tuy nhiên đến nay bản đồ phân vùng cảnh báo trượt lở lở mới chỉ đến được 15 tỉnh phía Bắc. Thời gian tới cần có biện pháp gì để đưa bản đồ được đến nhiều tỉnh, thành hơn, thưa ông?

- Đến nay, Đề án đã hoàn thành được 25/37 tỉnh bộ bản đồ hiện trạng và 15/37 tỉnh bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, do vậy, rất cần đẩy nhanh tiến độ của đề án.

Công tác chuyển giao sản phẩm của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” cần đẩy mạnh, sát sao hơn nữa. Đầu năm, đề án cần cử người đến các địa phương đã chuyển giao sản phẩm. Một mặt để xem các địa phương sử dụng sản phẩm ra sao, gặp khó khăn gì trong quá trình sử dụng, triển khai trong công tác phòng chống thiên tai. Mặt khác, đề án cần cập nhật thông tin về hiện trạng trượt lở từ địa phương, đưa ra những nhận định về diễn biến tình hình trượt lở của địa phương trong thời gian tới.

Đến năm 2021, chúng tôi sẽ làm tiếp bản đồ phân vùng cảnh báo này cho 7 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Về lâu dài, dự án này sẽ hoàn thiện 3 mức bản đồ cho 37 tỉnh miền núi của Việt Nam.

Theo ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng trượt lở đất đá?

- Thông tin thời tiết, cảnh báo về nguy cơ thiên tai cần được phổ biến rộng nhất và nhanh nhất có thể, đặc biệt là tới những địa phương có nguy cơ cao để chính quyền địa phương và người dân kịp thời có biện pháp ứng phó, phòng tránh. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân biết rõ nguy cơ xảy ra và tác hại của trượt lở đất đá, lũ quét - lũ ống và trang bị cho họ những kỹ năng phòng tránh, khắc phục hậu quả cơ bản. Thành lập các đội cứu hộ cơ động và trang bị cơ sở vật chất, kỹ năng cần thiết để ứng cứu, xử lý và khắc phục các hậu quả do tai biến tự nhiên gây ra.

Đồng thời, thiết lập mạng lưới quan trắc, quản lý - nghiên cứu các dạng trượt lở đất đá có nguy cơ cao ở địa phương, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho cộng đồng dân cư. Xây dựng hệ thống biển cảnh báo cách tối thiểu là 500m ở cả hai đầu các đoạn đường có nguy cơ tai biến trượt lở đất cao (các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ) để các phương tiện giao thông được biết. Đối với các điểm nứt đất mặt đường, các điểm trượt lở đất đã xảy ra nhưng chưa được khắc phục cần xây dựng các rào chắn và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn