MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân cần có thêm những sân chơi. Ảnh: Hải Nguyễn

Để công nhân trẻ được sống với mơ ước thanh xuân

Linh Nguyên LDO | 24/03/2024 12:53

Có rất nhiều người chấp nhận dành cả tuổi thanh xuân đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với mong muốn có được tích lũy cho sau này. Điều này cũng có nghĩa họ sẽ phải xa gia đình; không ít trong số họ phải gác lại những ước mơ của tuổi trẻ.

Từng ước mơ đến Hà Nội học đại học

Nguyễn Thị Lan, 21 tuổi - quê Tuyên Quang - xuống Hà Nội làm công nhân cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Lan thuê trọ ở xã Nam Hồng (Đông Anh) để thuận tiện cho việc đi làm. Gặp Lan vào giữa buổi chiều, chứng kiến Lan mải mê tập viết từng nét của tiếng Trung dường như cảm nhận được chút ít giấc mơ của cô gái trẻ này. Lan kể, những tuần làm ca, có thời gian rảnh vào buổi chiều, Lan đều tranh thủ học tiếng Trung. Ước mơ của Lan là học đại học, ngành tiếng Trung. Tuy nhiên gia đình gặp biến cố nên Lan phải nghỉ học 1 năm, sau đó cố gắng để tốt nghiệp cấp 3.

Xuống Hà Nội, Lan muốn vừa làm kiếm tiền gửi về nhà, vừa tranh thủ học để có thể thi đại học. Nhưng công việc cứ cuốn đi, về đến nhà trọ cũng đã mệt nên Lan biết rất khó để theo đuổi ước mơ. Cuối cùng, Lan quyết định đăng ký lớp học tiếng Trung online với thời gian linh hoạt. Hình thức học phù hợp với những người đi làm. Sau khi đóng tiền thì được cấp 1 tài khoản. Lúc nào muốn học chỉ việc vào tài khoản sẽ có nhiều lựa chọn cho chủ đề học. Số tiền đóng trừ dần theo số buổi học. Lan kể thường thì đi làm về Lan vào học luôn nhưng có nhiều hôm mệt quá phải nghỉ ngơi rồi mới học. Cũng có đợt được tăng ca nên nghỉ cả tháng mới vào học được 1 buổi.

Theo Lan, tiếng Trung chỉ khó khi học viết và nhận mặt chữ, còn nói không khó. Khi được hỏi tại sao lại chọn tiếng Trung, Lan trả lời nói được tiếng Trung là niềm mơ ước từ bé, khi xuống Hà Nội làm công nhân, Lan lại càng thấy cần nói được tiếng Trung vì muốn có thể nói chuyện trực tiếp với những quản lý mà không cần phiên dịch... Lan có tuổi trẻ, có ý chí và quan trọng là có ý thức về việc học ngoại ngữ. Nhưng Lan cũng thừa nhận là rất khó. Bởi, nhiều khi đứng ca xong thì người đã mệt nhoài, chỉ muốn ngủ chứ học mãi không thể vào được...

Những công nhân trẻ như Lan không nhiều nhưng cũng không hiếm. Có những bạn vừa làm vừa học thêm kế toán để sau 6 năm làm công nhân thì chuyển sang làm kế toán cho một công ty nhỏ như Lê Thu Vân. Vân ở Hà Tĩnh, ra Hà Nội làm công nhân may. Sau một buổi khám sức khỏe miễn phí do Công đoàn tổ chức và được tư vấn về các bệnh về mắt, xương khớp đối với nghề may, Vân nghĩ đến việc cần phải học thêm một nghề gì đó để sau này nếu mắt kém, không làm được công nhân may thì còn chuyển đổi. Vân đã tham khảo nhiều người trước khi chọn khóa học về kế toán. Thực sự, khi làm quen trở lại với sách vở, nhất là về tài chính, kế toán rất nản.

“Nhưng em nghĩ, sức khỏe của mình vốn không được tốt, chắc không thể theo làm công nhân may mãi được, nên phải cố gắng. Có hôm, buổi tối đến lớp học em còn ngủ gật” - Vân nhớ lại những ngày đầu mới đăng ký khóa học tài chính kế toán buổi tối ở gần khu nhà trọ. Tốt nghiệp khóa học cơ bản, Vân còn học thêm một khóa nâng cao. Khi thấy có công ty tư nhân đăng tuyển vị trí liên quan đến tài chính, kế toán, Vân mạnh dạn nộp hồ sơ. Trúng tuyển, từ vị trí thấp nhất, gần giống như giúp việc cho các nhân viên khác trong bộ phận, đến giờ Vân đã khá vững ở một mảng về kế toán của công ty. Vân tâm sự: Nghề nào cũng có vất vả, em cũng không chê công nhân vì công nhân nhiều người giỏi, tay nghề cao, nhưng quả thực với em, khi chuyển sang công việc này cuộc sống thay đổi với nhiều cơ hội tốt hơn...

Cả Lan và Vân đều cảm ơn những năm tháng làm công nhân vất vả. Bởi chính đồng lương kiếm được từ ca làm việc đó đã giúp họ có điều kiện học, bồi bổi thêm kiến thức để tìm thêm cơ hội cho chính bản thân.

Mong được sống như đúng tuổi trẻ

Với những người trẻ, bên cạnh việc xa quê đi làm công nhân là để kiếm tiền thì còn mong muốn có cơ hội gặp được một nửa của mình. Nguyễn Anh Đức - công nhân khu công nghiệp Quang Minh, đi làm 5 năm, giờ chỉ mong có người yêu, rồi lập gia đình. Hết buổi làm, chiều về anh Đức ăn cơm cùng bố mẹ; tối lướt web hoặc xem phim. Nhìn bạn bè xung quanh ai cũng có đôi, có cặp Đức cũng muốn tìm bạn gái nhưng như Đức nói “hình như duyên chưa tới”.

Nhiều cặp đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn tổ chức lễ cưới. Trong đó, như ở Thái Nguyên, có những cặp đôi đăng ký kết hôn, về ở với nhau 7 năm nhưng vì điều kiện nên chưa tổ chức được lễ cưới như chị Đặng Mùi Trướng (công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên). Cuối tháng 11.2023, vợ chồng chị là một trong 17 cặp đôi công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tổ chức lễ cưới tập thể.

Trong các khu nhà trọ, nhiều công nhân trẻ hơn nhưng cơ hội để giao lưu cũng không nhiều vì sau giờ làm, người nghỉ ngơi, người tranh thủ học thêm gì đó, người chỉ thích nằm trên giường vào các hội nhóm đọc tin tức... Nhưng nếu có một buổi biểu diễn văn nghệ, lập tức cả xóm trọ rủ nhau đi xem. Nguyễn Thị Thơm, về Hà Nội làm công nhân 3 năm, đầu tháng 3 vừa rồi, xem một đoạn clip ngắn chương trình nghệ thuật đặc sắc do Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức để tri ân nữ cán bộ, đoàn viên Công đoàn xuất sắc, do một chị bạn tham dự chương trình quay lại đã rất thích. Thơm ước giá như thỉnh thoảng chương trình hay như thế được tổ chức ở gần khu nhà trọ.

Thời gian gần đây, những Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được các cấp Công đoàn xây dựng tổ chức phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về chế độ chính sách và văn học nghệ thuật, thể thao của công nhân, nhất là công nhân trẻ. Nhưng điều mà nhiều công nhân trẻ mong muốn còn là được thụ hưởng và được tham gia vào những chương trình thể thao, văn hóa văn nghệ. Bởi, giờ đây, họ hiểu tuổi trẻ không chỉ là những ngày tháng chăm chỉ lao động mà còn có nhu cầu được thụ hưởng nhiều niềm vui khác trong cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn