MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Đề thi lạc hậu, cũ kỹ hạn chế sáng tạo của học sinh

HUYÊN NGUYỄN LDO | 26/06/2021 18:21
"Cứ tưởng đề... thời mẹ em đi thi” - lời than được thốt ra bởi một thí sinh dự thi lớp 10 ở Nam Định đã thu hút sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh. Sau mỗi kỳ thi thì đề thi luôn được nhiều người quan tâm, bàn luận, nơi gây tranh cãi, nơi được ngợi ca. Theo các giáo viên, nếu đề thi ra lạc hậu, cũ kỹ sẽ hạn chế sáng tạo của học sinh, dẫn học sinh tới tâm lý học tủ, học vẹt.

Tranh cãi bởi đề thi áp đặt, không phù hợp

Đề thi quá cũ, cũ đến nỗi phụ huynh, giáo viên cứ ngỡ như đề từ hồi mình còn đi học. Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết đề thi vào chuyên Văn lớp 10 tỉnh Nam Định vừa qua quá cũ về ngữ liệu và lỗi thời về tư tưởng. Cụ thể, đề thi gồm 2 phần, bài đọc - hiểu văn bản được trích tác phẩm “Mất nỗi đau riêng và được cái vui chung” trong tập tiểu luận “Từ gác Khuê văn đến quán Trung tân” của tác giả Chế Lan Viên, NXB Tác phẩm mới năm 1981.

Câu 1 phần Tập làm văn cũng liên quan tới nội dung trên. Thời gian làm bài trong vòng 150 phút, các thí sinh phải trả lời hoàn chỉnh 6 câu hỏi. 2 câu hỏi ở phần Tập làm văn được không ít ý kiến nhận xét là áp đặt, đóng khung và gò bó.

“Tôi thấy rằng đề này có vẻ chỉ phù hợp với tình hình dạy - học Văn trước Đổi mới. Có bạn còn thốt lên khi đọc đề thi này là "Em cứ tưởng đề... thời mẹ em đi thi cơ!", bà Lê nói. Theo bà Lê, nhiệm vụ của dạy - học Văn trong nhà trường hiện nay là phải hướng học sinh đến vấn đề tươi mới, gần gũi với trẻ nhưng phải nhân văn và vĩnh cửu.

Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức cho học sinh thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Kỳ thi năm nay đã ghi nhận những tranh luận trái chiều, thậm chí là “nảy lửa” liên quan tới đề thi, đặc biệt là ở môn Ngữ văn. Một điển hình phải kể đến đề thi chuyên Ngữ văn tỉnh Khánh Hòa gây nhiều tranh cãi với câu hỏi “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng”. Sau khi được công bố, đề thi ngay lập tức gây “bùng nổ” tranh luận. Theo PGS.TS Văn Giá - nhà nghiên cứu phê bình văn học, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: "Phải khẳng định đề thi này thuộc diện “thất bại toàn tập”.

Theo ông Giá, thực chất, ý của người ra đề muốn viết một câu dưới hình thức giả định. Nhưng khốn nỗi, giả định như thế là phản cảm, gây rùng rợn, mang màu sắc của cái ác, khiến trẻ nhỏ nghĩ đến kết cục bi thảm của mẹ con Cám trong câu chuyện Tấm Cám.

“Trong cuộc đời, có nhiều trường hợp không thể giả định được. Một ví dụ đã bị lên án rất nhiều gần đây là: “Bàn tay của bạn có 5 ngón tay, nếu chặt đi 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”... Trí khôn và tính thiện tối thiểu của con người không cho phép có những giả định mang tính bạo lực như vậy”, PGS.TS Văn Giá cho hay.

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hoà cho biết, ở câu hỏi gây tranh cãi, mục đích là gửi gắm đến học sinh thông điệp về bản lĩnh nội tại của con người trước nghịch cảnh; đây là vấn đề mang tính giáo dục, gắn với thực tiễn giới trẻ ngày nay dễ lung lạc và đánh mất mình trước cám dỗ, xô bồ của xã hội. Dụng ý của đề thi là mong muốn tuyển chọn được những thí sinh có chất văn, tư duy độc lập, có khả năng kiến giải vấn đề một cách sâu sắc, mới mẻ. Tuy vậy, đề có sơ suất khi các từ “nước sôi”, “quả trứng”, “củ khoai tây” trong phần giả định đã không được bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng, khiến nhiều người đọc hiểu nhầm và suy luận ra đề nói đến nước sôi bình thường theo đúng nghĩa đen và có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, lời giải thích của Sở GDĐT tỉnh Khánh Hoà cũng không nhận được nhiều sự đồng tình.

Nếu như đề thi Văn chuyên ở Khánh Hòa gây tranh cãi với câu "Nếu em làm nước sôi" thì mới đây đề thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định lại khiến nhiều giáo viên, phụ huynh chú ý.

Tương tự, cách ra đề thi Ngữ văn của Hà Nội được đánh giá là “quá an toàn”, ít thay đổi trong chục năm qua. Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cấu trúc đề thi lớp 10 môn Ngữ văn của Hà Nội lặp đi lặp lại, tạo tâm lý học tủ, nhất là giảm cảm giác hồi hộp đợi chờ luôn thú vị trước mỗi kỳ thi, hạn chế cảm hứng sáng tạo cho học trò.

Đồng quan điểm, cô giáo Đỗ Khánh Phượng - giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội), cấu trúc đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội vẫn giống mọi năm, chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố.

“Một cấu trúc đề an toàn. Song, vấn đề đặt ra là tính thời sự không cao bởi học sinh phần lớn sẽ hướng tới tình yêu thương, chia sẻ, nhân ái trong dịch COVID-19 ở phần nghị luận xã hội. Tuy nhiên, đề thi đã không ra như vậy”, cô giáo Phượng nhận định.

Cần thay đổi cách ra đề thi

Bên cạnh những đề thi bị chê “tả tơi”, cũng có một số đề thi tại các tỉnh có lồng ghép những vấn đề mang tính thời sự, được cả xã hội đang quan tâm. Ví dụ như đề thi Ngữ văn tỉnh Đồng Nai có nhắc về tình yêu thương trong dịch COVID-19, sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh áo trắng.

Hay đề thi của tỉnh Nghệ An hoàn toàn có thể hình thành một trục chủ đề xuyên suốt là “Bóng cả yêu thương”.

Không chỉ đề Ngữ văn, đề thi các môn khác cũng đã mang hơi hướng thời sự hơn, như đề thi Toán Khánh Hoà có đề cập tới cấp thẻ căn cước công dân. MV "Trốn tìm" của rapper Đen Vâu - 1 hiện tượng âm nhạc khá gần gũi với giới trẻ thời gian gần đây cũng được đưa vào đề thi môn Toán lớp 10 tỉnh Nghệ An.

Theo cô giáo Phạm Thái Lê, sau mỗi kỳ thi, bao giờ đề thi cũng được quan tâm bàn luận, nhất là đề thi môn Ngữ văn luôn là tâm điểm. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn hiện nay là 40% điểm cho nghị luận xã hội và 60% điểm cho nghị luận văn học là chưa phù hợp với xu thế của thời đại.

Theo nữ giáo viên, muốn để đào tạo và hướng tới con người toàn diện thì không chỉ có khả năng thẩm văn chương. Vì thế, đưa một ngữ liệu văn chương yêu cầu học sinh đánh giá với mức 6 điểm trong đề thi là chưa hợp lý.

Nhìn ra các nước xung quanh có nền giáo dục phát triển hoặc các nước láng giềng chúng ta thấy đề của họ 100% là đề nghị luận xã hội. Ở các nước Âu - Mỹ, xu hướng bài luận là nghị luận xã hội lại càng rõ ràng.

“Chúng ta đánh giá năng lực học trò ở khía cạnh năng lực tư duy, ngôn ngữ, khả năng trình bày và cách cảm, cách đánh giá tác phẩm văn chương. Thông qua nghị luận xã hội mới có thể đánh giá hết được năng lực trên, đồng thời phản ánh toàn bộ hiệu quả của việc dạy và học Văn chứ không còn mang tính giáo điều”, bà Lê nhận định

Nữ giáo viên cho rằng, cần thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn hiện nay theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học. Cùng với đó, cần chọn lọc và đưa các ngữ liệu đời sống, các sự kiện xã hội vào trong đề văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn