MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đêm mưa

HÀ VĂN LDO | 03/09/2016 14:12
Tôi nhấc máy, khẽ khàng hỏi: “Xin lỗi, ai đấy ạ? Bây giờ Hà Nội đang là 2 giờ sáng. Mưa. Tôi ít ngủ lắm. Tây Bắc à? Cũng lâu chưa lên, bây giờ người ta đi cao tốc lên Lào Cai, vèo cái lên Sa Pa, lại vèo cái đi cáp treo lên Phan Xi Păng. Hàm Rồng thì vẫn phải leo. Mệt thì ngậm miếng hồng sâm Cao Ly, lại leo băng băng… Vâng tôi vẫn nhớ...”.

Ngày ấy phải mất 5 ngày từ Hà Nội mới lên tới Điện Biên, rồi qua Phong Thổ. Đến chân đèo Ô Quy Hồ phải ngủ trọ để sáng mai đi tiếp sang Lào Cai. Cái đêm ấy tôi đâu có ngủ được. Chiến tranh ngủ võng trong rừng còn dễ thiếp đi hơn nằm sàn nứa quán trọ. Cô chủ quán nước bảo tôi: “Anh nằm tạm võng nhà em cho khỏe. Để em đi nấu cháo, nhà còn thịt gà”. Lát sau cô bưng bát cháo nóng, chai rượu và mấy ngọn rau thơm lên nhà. Tôi đói ngấu, ăn bát cháo gà sơn cước cứ ngọt thỉu đi. Rượu cũng ngon. Cô chủ quán đi ra đi vào. Rõ ràng không phải người vùng này. Chiếc áo là kiểu Thái. Cô kể: “Em là Việt kiều Thái…”.

Tôi không ngờ cuộc sống đưa đẩy cô từ làng Việt kiều Thái ở Nông Tiến, Tuyên Quang đến Tây Bắc. Anh chồng biền biệt buôn gỗ trong rừng, cô có cái máy khâu và quán nước… Đã khuya, trăng hạ huyền mờ lắm, phố núi âm u. Xa lắm có tiếng con nai ra suối uống nước, gọi bạn. Tôi mơ màng trên chiếc võng và hé mắt nhìn từ nhà trong cô chủ quán vặn nhỏ ngọn đèn, bước ra. Cô xõa tóc, hình như mới gội đầu, mùi hương nhu, lá sả thoảng qua. Cô hỏi: “Anh ngủ rồi à? Dễ ngủ nhỉ?”. Tôi như con cá nằm trong giỏ, cứng người không dám quẫy. Một phút im lặng như chưa hề biết đến im lặng kiểu này… Dường như cô gái hiểu ra một điều gì, lặng lẽ đi vào trong khép cửa “khuê phòng”. Sáng hôm sau tôi chia tay cô chủ. Cô cười: “Chắc chả mấy khi anh lỡ độ đường như thế này nhỉ?”. Tôi cũng cười: “Vâng, chả mấy khi”.

Đêm hôm sau nằm ở Sa Pa - Lào Cai, tôi không sao ngủ được, nhớ về bên kia đèo Tây Bắc. Trong balô tôi có quyển sách tiếng Nga. Bài thơ “Đỉnh núi” của Lermontov đêm hôm ấy tôi dịch là bài ngũ ngôn hiếm có của thi hào: “Đỉnh núi và đỉnh núi/ Vào đêm giấc ngủ say/ Êm đềm thung lũng vắng/ Màn sương nhẹ dâng đầy/ Con đường không cát bụi/ Ngàn lá không động lay/ Xin chờ nhau chút nữa/ Ta nghỉ ngơi nơi này”. Chắc chắn Lermontov không trở lại con đường đó nữa vì cuộc đọ súng ở pháo đài “giông tố” hạ gục nhà thơ Nga mà Puskin đã có câu nói: “Một con đại bàng non, bất thần vỗ lên đôi cánh mênh mông”. Và tôi cũng không còn lặn lội qua con đèo dài và buồn tẻ nhất miền Tây đó nữa. Đã 30 năm đổi mới, con người đi mây về gió. Xe tốc hành giường nằm đã chẳng cho ai được được lang thang ngủ trọ như “Những ngày xưa thân ái”. Và cuộc gọi đêm nay của một người đang ở xa lắm - nghìn trùng xa cách - khiến tôi như bừng tỉnh giấc và ngồi dậy viết mấy dòng. Đêm Hà Nội lác đác mưa thu, lúc rả rích, lúc lại như không có gì đụng chạm vào chiếc lá bằng lăng cửa sổ phòng tôi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn