MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xóa sổ hay quản lý chặt để khai thác giá trị kinh tế, văn hóa của hàng rong trong hoạt động du lịch đang còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Cát Tường

Đến một ngày vắng bóng hàng rong?

Bài và ảnh Kỳ Phong LDO | 11/12/2022 07:52
Với nhiều người, việc bán hàng rong đã trở thành nguồn thu nhập chính và qua thời gian đã trở thành "đặc sản" của TPHCM. Theo các chuyên gia, không nên xoá sổ hàng rong mà cần có cách quản lý linh hoạt để giữ gìn nét đẹp và thu hút khách du lịch.

Nên hay không việc xoá sổ kinh tế vỉa hè?

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán và hàng rong tại TPHCM đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên, sau nhiều lần chính quyền xử lý kiên quyết, đến nay tình trạng hàng rong, lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường vẫn chưa thật sự được khắc phục triệt để.

Bày tỏ quan điểm về việc có nên xoá sổ kinh tế vỉa hè, KTS Lê Nguyễn Hương Giang cho biết, có một thời điểm ở TPHCM đã làm rất gắt bằng việc xoá sạch kinh tế vỉa hè ở các con đường. Tuy nhiên, người dân lại có cảm giác không quen thuộc, không có sự đặc trưng về việc sinh hoạt của người dân. Do đó, không nên xoá sổ vỉa hè mà nên ủng hộ giá trị của kinh tế vỉa hè. Đây là sự đặc thù phản ánh nền kinh tế và cần được giữ lại.

TS Nguyễn Văn Đáng - nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, từ góc độ quản lý công bản chất của kinh tế vỉa hè là kinh doanh công cộng để tìm kiếm lợi ích cho cá nhân.

Những xe hàng rong trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân đô thị. Ảnh: Ngọc Lê

Về mặt xã hội học, hiện tượng kinh tế vỉa hè không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước đang phát triển khác là đặc thù. Đây cũng là sự kết hợp 2 chiều là của lực lượng yếu thế tìm được công việc phù hợp với mình và nhu cầu sẵn có của bộ phận cư dân ở các thành thị Việt Nam.

Đặc biệt, ở quốc gia có truyền thống văn hóa tiểu nông như Việt Nam, kinh tế vỉa hè càng đặc trưng hơn. Người dân đô thị lâu nay vẫn quen với việc mua sắm ngay trên vỉa hè, lề đường vì sự tiện lợi. Để đáp ứng nhu cầu này, một bộ phận người lao động chưa có việc làm đã tìm đến kinh tế vỉa hè để mưu sinh.

Kinh tế vỉa hè có 2 dạng là kinh doanh lấn chiếm vỉa hè từ nhà bước ra và dân di cư từ các địa phương có sự chênh lệch lớn về sự phát triển. Đây là nguồn sống rất quan trọng đối với những người di cư từ nông thôn ra thành thị.

“Chính quyền phải đặt ra các tuyến phố không được bán hàng rong, không được lấn chiếm. Đây có thể là những tuyến phố liên quan đến hình ảnh của Thành phố. Tuy nhiên với những khu phố không phải trung tâm, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành của một cấu trúc đô thị thì chúng ta vẫn có thể linh hoạt chấp nhận bằng cách quy định theo từng khu, khung giờ” - TS Nguyễn Văn Đáng cho hay.

Hàng rong góp phần thu hút khách du lịch

Ngay từ năm 2017, TPHCM đã có những khu phố hàng rong được thành lập. Cụ thể, tại đường Nguyễn Văn Chiêm và bên trong công viên Bách Tùng Diệp. Sau 5 năm đi vào hoạt động, 2 phố hàng rong này đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân và có lượng khách ổn định. Tại đây các hộ kinh doanh được chia thành 2 ca (sáng từ 6h - 10h30 và chiều từ 10h30 - 15h). 

Bên cạnh đó, những địa điểm như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung (Quận 10), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận),... đã tạo được sức hút không chỉ với người dân bản địa mà cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo KTS Lê Nguyễn Hương Giang, kinh tế vỉa hè là nét đặc trưng của một đô thị. Hàn Quốc, Thái Lan đều phát triển kinh tế vỉa hè với những hàng rong được kinh doanh buôn bán. Đây là điểm du lịch thú vị với du khách nước ngoài để thưởng thức món ăn đặc sản vùng miền. Thậm chí ở Mỹ, một nước công nghiệp phát triển thì tại thành phố Boston có con đường tự do (Freedom Trail) nối từ tòa thị chính đến 16 điểm du lịch, trên con đường này có những quầy hàng tự do để du khách khám phá ẩm thực đặc trưng mà không cần hướng dẫn viên.

Những xe hàng rong trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân đô thị.

“Kinh tế vỉa hè của Việt Nam sẽ khác so với các nước khác, khó có nơi nào có những hàng quán vỉa hè chỉ ngồi trên những chiếc ghế nhựa hay ngồi bệt thoải mái trên chiếu như tại Việt Nam. Đây là đặc thù mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy, để khi du khách vào Việt Nam họ thấy ngoài địa điểm du lịch thì họ cần trải nghiệm của cuộc sống của người dân bản địa” - KTS Lê Nguyễn Hương Giang cho hay.

TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhận định, chiều dài phát triển của quốc gia, của đô thị và gắn với khái niệm văn hóa bao gồm tất cả hoạt động của con người, gắn với hai từ nhân văn và tử tế. Giá trị của kinh tế vỉa hè còn góp phần tạo công ăn việc làm, kinh doanh, thuế…

Theo ước tính của một số thành phố lớn trên thế giới, kinh tế vỉa hè nói theo nghĩa đầy đủ đóng góp tỉ lệ không nhỏ cho nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế đêm gắn với không gian công cộng được sử dụng vào đêm như chợ, vui chơi giải trí... Việt Nam hiện nay chú trọng phát triển kinh tế đêm và một số thành phố lớn cũng đã có kế hoạch triển khai kinh tế đêm để thu hút khách du lịch.

Việc quy hoạch phát triển kinh tế vỉa hè, ngoài yếu tố văn hóa, hàng rong, vỉa hè cũng là địa điểm để người dân và du khách có thể trải nghiệm ẩm thực, món ăn đường phố. Do vậy, cần phải quản lý linh hoạt với kinh tế vỉa hè, để không làm mất đi kế sinh nhai của người dân vừa có thể bảo đảm được mỹ quan đô thị, giúp trở thành một đặc sản cho du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn