MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khách nước ngoài thử cổ phục trong tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2023. Ảnh: Nguyễn Luân

Đến Việt Nam mặc áo dài

Ý Yên LDO | 08/11/2023 15:22

Tiếp nối lịch sử, áo dài trong dòng chảy hiện đại mang đến những giá trị mới mẻ trong câu chuyện ngoại giao văn hóa, kết nối và thúc đẩy du lịch.

Để khách quốc tế biết đến áo dài

Chụp ảnh với trang phục truyền thống của người địa phương là trải nghiệm phổ biến với du khách khi ghé thăm một quốc gia mới. Đơn cử, khách du lịch đến Hàn Quốc thích mặc hanbok khi ghé thăm cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, người nước ngoài tới cố đô Kyoto ở Nhật Bản luôn hào hứng mặc kimono... Vậy làm sao để khách du lịch đến Việt Nam mách nhau nhất định phải biết đến áo dài?

Theo Tiến sĩ - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - Trưởng ngành Quản lý và Sự kiện, Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, người Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng áo dài trong câu chuyện kết nối và thúc đẩy du lịch. Phát biểu tại tọa đàm “Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch” trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, bà Thủy gợi ý Hà Nội có thể bố trí thêm các hoạt động giới thiệu về lịch sử, trưng bày áo dài ở trung tâm văn hóa, nhà cổ, di tích trong khu vực phố cổ.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy đánh giá áo dài có thể trở thành một yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng cho thành phố. Bà lấy ví dụ về photo tour - trải nghiệm cho khách du lịch mặc trang phục Việt Nam khi tham quan một số di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Với những vị khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về áo dài và câu chuyện văn hóa của Hà Nội, creative tour là một sản phẩm du lịch phù hợp. Nhà tổ chức tour có thể kết nối với những làng nghề đem đến trải nghiệm một trong những công đoạn như nhuộm lụa, thêu, đính cườm, vẽ... chiếc áo dài của chính mình. Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện, du khách có thể tiếp tục hành trình đến Ninh Bình, Quảng Ninh, Sa Pa... và nhận lại chiếc áo dài đó sau.

“Bản chất sản phẩm du lịch sáng tạo là du khách tham gia làm nên một sản phẩm. Đồ handmade bao giờ cũng rất có giá, người sử dụng thường thích lưu giữ và về còn khoe với người thân. Khi người ta khoe việc đã tạo ra sản phẩm như thế nào với bố mẹ, anh chị, bạn hữu... câu chuyện sẽ lan tỏa trong cộng đồng. Để rồi khi du lịch Việt Nam, đến Hà Nội, du khách sẽ trải nghiệm làm sản phẩm” - tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.

Khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi mặc lên mình tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Luân

Kết nối thông qua áo dài

“Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên và thấy các nhân viên trong khách sạn mặc áo dài đầy màu sắc chào đón mình, điều đó đã làm tôi choáng ngợp” - Regina, một du khách Mỹ bày tỏ.

Thực tế, chưa cần bàn đến câu chuyện sâu xa, tà áo dài của người Việt có thể dễ dàng gây ấn tượng với khách quốc tế từ những phút ban đầu như vậy. Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chiến lược truyền thông, quảng bá bài bản và có sự đồng tâm hợp lực từ nhiều nguồn.

Thủ đô từng ra mắt tour “Áo dài Hà Nội vào năm 2016”, đem đến cho du khách những hoạt động hướng tới văn hóa truyền thống, tìm hiểu về nguồn gốc và các kiểu áo dài, văn hóa mặc, tà áo dài qua các thời kỳ lịch sử... Tour kết hợp trưng bày và trình diễn của nghệ nhân đến từ các làng nghề như: Làng nuôi tằm tơ Mỹ Đức, làng lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, chạm bạc Định Công - Đồng Xâm, gốm Bát Tràng, dệt Triều Khúc, nón lá Làng Chuông...

Đáng tiếc, sản phẩm này không được duy trì và phát triển mạnh mẽ sau nhiều năm ra mắt. Theo nhận định của một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, để khai thác sản phẩm tour “Áo dài Hà Nội” một cách bài bản, có trọng tâm trong một thời gian dài cần được đầu tư, nghiên cứu thêm, có sự tham gia mạnh mẽ của các nghệ nhân áo dài, các doanh nghiệp liên quan trong quy trình khép kín sản xuất áo dài. Bên cạnh đó là sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân dựa trên hiểu biết về ý nghĩa của sản phẩm du lịch độc đáo này.

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa, ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt chỉ ra rằng Hà Nội có thương hiệu gắn với hai chữ “thanh lịch, văn minh”, trong đó áo dài cũng là một bộ phận cấu thành nên những yếu tố ấy bên cạnh các nghi lễ, phép tắc ứng xử.

“Tôi nghĩ Hà Nội có tiềm năng rất lớn đối với việc phát triển thương hiệu áo dài. Hà Nội có vị thế quan trọng là chiếm lĩnh một số làng nghề dệt, may. Hà Nội cũng là nơi sáng tạo”, ông Nguyễn Đức Bình nói - “Xét đến sức sáng tạo, lan tỏa truyền thống, mong mỏi của du khách về áo dài, Hà Nội có thể đáp ứng được”.

Điều này phần nào được minh chứng trong thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 vừa qua - sự kiện thu hút hơn 60.000 lượt khách trong ba ngày. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - khẳng định: “Chúng tôi mong muốn kể những câu chuyện tiếp nối về tà áo dài trong hành trình đưa áo dài gắn với du lịch như một “Đại sứ Du lịch”; tiếp tục truyền tải thông điệp về du lịch Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn, thành phố sáng tạo”.

“Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới, góp phần không nhỏ để du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trở thành điểm đến yêu mến, sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Và câu chuyện thúc đẩy du lịch thông qua những sản phẩm gắn với áo dài không là của riêng Hà Nội mà có thể phát triển tại nhiều thành phố khác như Huế, Hội An, TPHCM... Để câu chuyện về áo dài lan tỏa, từ đó khách quốc tế đến đất nước hình chữ S sẽ không bỏ lỡ trải nghiệm mặc áo dài hay hiểu hơn trang phục Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn