MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào ngày trời mát mẻ, Cá sẽ kê bàn ra ngoài làm việc.Ảnh: NVCC

Designer lên núi “bán cá”

HOÀI ANH LDO | 09/11/2020 11:14
Cô gái sinh năm 1993 từ bỏ công việc ổn định ở thành phố để lên núi trồng rau, nuôi gà và bán... cá gỗ.

Quyết định liều lĩnh

Trong căn phòng ngập nắng, ngồi lọt thỏm giữa ngổn ngang gỗ, dây gai, cành cây khô, cọ sơn là Cá. Bàn tay nhiều vết xước, vết chai của Cá đang thoăn thoát mài giũa từng miếng gỗ, rồi chốc chốc lại quay sang sơn lớp thứ 2 cho những sản phẩm sắp hoàn thành của mình.

Cá tên thật là Nguyễn Thị Ngoan (sinh năm 1993, quê ở Hà Nam).

Năm 2012, Cá theo học ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau 5 năm, cô ra trường và vào làm tại một xưởng sáng tạo với vai trò là một designer (nhà thiết kế).

Ngày nhỏ, cô luôn mày mò làm đồ tái chế và tự tay làm những món quà tặng bạn bè. Niềm yêu thích này theo cô đến tận khi đã ra trường và đi làm. Vậy nên, dù có một công việc ổn định, một mức lương được coi là đáng mơ ước của nhiều bạn đồng lứa, song cô vẫn luôn mong muốn được làm một điều gì đó khác biệt, một điều khiến cô hạnh phúc mỗi ngày.

“Tôi thật sự có một niềm đam mê với đồ thủ công và tái chế. Và tôi vẫn luôn ấp ủ rằng sau này, tôi sẽ làm một cái gì đó của riêng tôi. Lúc đầu, tôi định ban ngày đi làm còn tối về theo đuổi đam mê bằng cách làm sản phẩm rồi bán online. Nhưng những thứ tôi nhận lại không được như tôi mong muốn. Tôi nghĩ rằng, do tôi chưa hết mình với nó” - Cá tâm sự.

Tháng 5.2018, cô quyết định xin nghỉ việc. Khi đó, nhiều người nói cô “đường phẳng không đi lại đi đường đất đá gập ghềnh”, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả và bắt tay vào làm những chú cá gỗ đầu tiên để bán.

Cô còn nhớ như in những chú cá đầu tiên cô cặm cụi gọt bằng tay rồi ngồi chà cho thật mịn. Chú cá được bán ra với giá 30.000 đồng nhưng bạn bè của cô không ai mua và coi việc làm của cô chỉ là nhất thời, làm cho vui.

Thế nhưng, điều đó cũng không làm Cá thay đổi quyết định của tôi. Cô thuê một căn phòng nhỏ và dành hết thời gian của mình cho những chú cá gỗ. Thời gian sau, sản phẩm của cô được biết đến nhiều và nhận được nhiều lời khen hơn.

Tháng 4.2020, lại thêm một quyết định lớn trong đời Cá khi cô quyết định rời Hà Nội lên Thái Nguyên sinh sống. Cô thuê một miếng đất khoảng hơn 100m2 và bắt tay vào làm nhà. Để tiết kiệm chi phí, ngoại trừ những việc liên quan đến thợ xây, thợ hàn, tất cả những việc còn lại như bê gạch, cuốc đất, xách vữa, làm hàng rào cô đều tự làm.

Vì là đất đồi, nhiều sỏi đá, gồ ghề nên việc xử lí đất mất khá nhiều thời gian. Ban đầu theo dự định, sẽ mất 2 tháng để hoàn thiện, nhưng phải đến tháng thứ 5 mọi thứ mới ổn định.

Căn nhà không có bản vẽ, cửa sổ hoàn toàn đi xin cửa cũ và sơn lại, hàng rào cao không quá vai người lớn, chiếc cổng tre đơn sơ tất cả đã tạo nên một ngôi nhà hoàn mĩ - ít nhất là trong mắt Cá.

“Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại chọn Thái Nguyên là nơi để sinh sống, trong khi quê gốc ở Hà Nam. Thật ra, bố mẹ tôi mất rồi nên với tôi, đâu cũng là nhà. Tôi muốn đến một vùng đất mới để không ai biết tôi là ai, không ai hỏi hay thắc mắc về cuộc sống của tôi.

Theo kế hoạch, khoảng 5 năm nữa tôi mới có đủ tài chính để có thể tìm một nơi yên bình cho bản thân. Nhưng rồi tôi nghĩ, sẽ không biết bao giờ mới là đủ, nên tôi quyết định sẽ thực hiện ngay những ước mơ của bản thân. Mọi khó khăn đều sẽ có cách giải quyết”, Cá nói.

Căn nhà nhỏ của Cá. Ảnh: NVCC

Tại sao lại là “cá”?

Từng được xem và đọc nhiều câu chuyện về tình mẫu tử của cá, thêm vào đó, bản thân cũng là một người cung Song Ngư nên cô gái sinh năm 1993 quyết định làm các sản phẩm về loài động vật này. Tất cả các sản phẩm mà cô bán ra đều là cá gỗ trang trí trong nhà. Đó cũng chính là lí do những người thân quen gọi cô với cái tên: “Cá”.

“Tôi từng nghe câu chuyện về cá hồi hy sinh cả thân mình vượt thác sinh con. Hàng năm, vào mùa sinh sản, cá hồi phải cố gắng hết sức để di cư từ đại dương trở về dòng sông trong đất liền - nơi chúng được sinh ra để tiếp tục đẻ trứng.

Cuộc hành trình trở về nơi sinh ra vô cùng gian khó, cá hồi phải đối mặt với bao nguy hiểm như vượt thác, gấu xám ăn thịt... Những con cá không vượt qua thác ghềnh sẽ rơi vào bụng gấu xám, những con khác tuy vượt thác thành công song cũng kiệt sức.

Thêm vào đó, một số câu chuyện khác về cá khiến tôi rất yêu loài động vật này và dành nhiều thời gian để nghiên cứu”, cô cho hay.

Để làm ra một sản phẩm cá gỗ, đầu tiên, cô sẽ lên ý tưởng sản phẩm. Mỗi sản phẩm sẽ là một câu chuyện riêng, thông điệp riêng. Như với sản phẩm cá voi xanh, thông điệp mà cô muốn truyền tải là cá voi xanh đã giúp đỡ rất nhiều ngư dân, vì vậy, chúng ta cần bảo vệ chúng. Một trong những hành động thiết thực nhất của mỗi người là bảo vệ môi trường. Hay với sản phẩm đàn cá hồi, công mong muốn từ câu chuyện cá hồi hy sinh thân mình cho thế hệ mai sau, mỗi người chúng ta sẽ luôn “uống nước nhớ nguồn”.

Sau khi lên ý tưởng, Cá sẽ bắt tay vào chọn nguyên liệu, cuối cùng là hiện thực hoá ý tưởng. Có sản phẩm cô làm mất 1 tiếng, nhưng cũng có sản phẩm phải làm đến vài tháng, thậm chí là cả năm mới hoàn thành.

“Tôi luôn muốn sản phẩm tôi làm ra không những đáp ứng về mặt ý nghĩa, thẩm mĩ mà còn phải bền. Nên tôi đã phải thử rất nhiều nguyên liệu khác nhau, cũng thất bại nhiều rồi mới có được như hôm nay.

Tính đến nay, cũng đã hơn 2 năm tôi gắn bó với mấy chú cá gỗ này, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hết ý tưởng với chúng. Và tôi cảm thấy vui khi sản phẩm được rất nhiều người yêu mến, trân trọng” - cô gái sinh năm 1993 chia sẻ.

“Cô chủ nhỏ” không chỉ ngồi và sáng tạo sản phẩm mà còn làm tất cả công việc còn lại của shop, từ chụp ảnh, viết bài, chăm sóc khách hàng...

Sản phẩm cá gỗ do cô gái sinh năm 1993 làm ra. Ảnh: NVCC

Tôi là cá, việc của tôi là bơi

Hàng ngày, Cá dậy từ 6 giờ sáng. Sau khi tưới cây, ăn sáng và cho gà, vịt, chó, mèo ăn, cô bắt tay vào làm việc. Buổi trưa, ăn uống và nghỉ ngơi xong, cô hoàn thành nốt những công việc còn dang dở.

Cả ngày loay hoay với góc xưởng để hiện thực hóa ý tưởng “điên rồ”, khi đói sẽ vào bếp nấu nướng, lúc buồn buồn thì ra vườn dọn cỏ, ra ao câu cá, chăm gà, vịt và chụp ảnh - đó là cuộc sống hiện tại của Cá.

“Nhìn cuộc sống này, nhiều người chia sẻ cũng muốn bỏ tất cả để về quê trồng rau, nuôi cá. Nhưng tôi nghĩ rằng, mọi người sẽ phải cân nhắc kĩ giữa 2 khái niệm chơi và ở. Vì nếu về chơi, tôi nghĩ ai cũng thích nhưng nếu ở thì mọi người sẽ phải suy nghĩ thật kĩ. Ở đây thiếu thốn về mọi thứ, bạn chịu được không? Bạn có thể tự lo được cho bản thân mình không? Không hàng quán, không siêu thị, không rạp chiếu phim... liệu bạn có chịu được?” - Cá nói.

Sau một thời gian sinh sống tại đây, cô càng thêm chắc nịch về quyết định của bản thân. Cô mong cuộc sống có thể mãi yên bình như thế và căn nhà này sẽ như một kỉ niệm đánh dấu việc cô đã dám từ bỏ công việc, bước qua tiếng cười nhạo để theo đuổi đam mê.

“Ngày mới về đây, mọi người ngó nghiêng rồi tò mò về tôi lắm vì không hiểu tôi làm gì. Thỉnh thoảng có người đi qua lại bảo tôi làm làm gì cho mất công. Nhưng tôi chỉ dạ vâng rồi để đó, vì họ có thể nói thay tôi nhưng không thể sống thay tôi.

Tôi rất thích câu nói: Tôi là cá, việc của tôi là bơi. Vậy nên, tôi luôn tràn đầy năng lượng để có thể vẫy vùng trong các ý tưởng, mong ước của bản thân” - cô chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn