MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tầm vóc của người Việt hiện đang thấp hơn mức trung bình của thế giới.

Đi học nên cũng là đi ăn, đi chơi…

Nguyễn Bỉnh Quân LDO | 22/03/2017 23:31
Có một đề án quốc gia được triển khai từ 6 năm trước mà đến nay vẫn đắp chiếu. Đó là đề án 641 với mục tiêu nâng chiều cao của người Việt Nam trong 20 năm từ 2011 đến 2030. Tổng kinh phí cho hai thập niên cải thiện thể hình “dân tộc” chỉ có 5.000 tỉ đồng. 

Nghe rất hài hước so với trăm nghìn tỉ này chục nghìn tỉ kia xây cái nút giao thông hay khu nghỉ dưỡng xịn nào đó. Người Việt nằm tốp 5 quốc gia thấp bé, nhẹ cân nhất toàn cầu. Hiện nay nam cao trung bình 163,7 cm (thấp hơn số đo trung bình thế giới của WHO là 13cm và nữ 153,0cm (thấp hơn trung bình thế giới 10,7cm). So với số liệu trong sách “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên viết năm 1939: Nam cao trung bình 159,5cm và nữ cao trung bình 153,0cm thì thấy chiều cao chúng ta hầu như không tăng trong suốt 80 năm qua. Chỉ tiêu cụ thể cũng rất nhỏ nhoi đến năm 2030, ở độ tuổi 18, nam sẽ cao trung bình 168,5cm và nữ là 157,5cm. Thế nhưng ông giám đốc văn phòng điều phối đề án này cho hay hiện ông chỉ có 300 tỉ đồng đủ để duy trì hoạt động văn phòng. Còn thiếu 4.700 tỉ đồng nữa. Nghĩa là thực ra việc cải thiện thể hình người Việt mới hoàn toàn trên giấy. Đối tượng của đề án gồm phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và tất cả trẻ em học sinh dưới 18 tuổi. Việc tăng chiều cao, cân nặng, cải thiện thể hình phụ thuộc chủ yếu vào dinh dưỡng và thể dục thể thao. Không có sự phụ thuộc rõ rệt về thể hình với phát triển trí tuệ song về chất lượng cơ thể, sức khỏe và lợi thế trong đời sống, thì thấp bé nhẹ cân là những thiệt thòi, yếu thế rõ rệt. Bố mẹ nào cũng âm thầm tự hào về con cái cao lớn và mặc cảm tự ti nếu con cái lùn còi. Về mặt cái đẹp cũng vậy cao là đẹp hơn thấp dù lênh khênh như cái sào hay cò hương cũng “phản cảm”! Xa hơn nữa thể hình còn âm ỉ động đến lòng tự hào dân tộc. Người Bắc Âu đến nay còn tự hào về hình thể các cướp biển Viking. Người Nhật vì tự ái dân tộc mà đã tăng chiều cao ngoạn mục xóa hoàn toàn cái nickname ám ảnh “Nhật lùn” vào giữa thế kỷ trước.

Tổng thể mà nói cải thiện thể hình là quan trọng nhất, trực tiếp, thiết thực nhất trong việc nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của người dân. Phụ huynh, cử chi nào cũng sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng cầu đường, nhà máy, sân bay, hàng xuất khẩu… từ GDP cả nước tới thu nhập cá nhân của mình cho sự cao lớn khỏe mạnh của cháu con.

Con cháu ta, các đối tượng của đề án quốc gia 641 này đều đang đến trường, đi học. Chúng ta cũng đang có các đề án cải sách giáo dục đào tạo hoành tráng như là quốc sách chiến lược. Vậy mà chỉ thấy nói, bàn, làm về thi cử, sách giáo khoa, chương trình, xét tuyển… tuyệt không bàn gì, làm gì về việc cải thiện thể chất cho các thế hệ sau. Con tôi học bán trú thì lo nhất là chuyện ăn của nó ở trường. Có đủ tháp dinh dưỡng như sách giáo khoa của nó dậy không. Dự án “Cơm có thịt” cho các bé vùng sâu, xa nghe cảm động mà manh mún, cỏ giả biết bao. Chương trình “Sữa học đường” (thêm canxi thúc đẩy chiều cao) cũng chỉ như một hoạt động từ thiện, không thuộc trách nhiệm của nhà nước mình. Sau việc ăn, khi cháu con “đi học” tức là đến và ở trường suốt ngày thì phụ huynh lo nhất việc chơi của các bé. Chúng có được thoải mái cười đùa, chạy nhảy, chơi thể thao hay văn nghệ gì không. Điểm số là quan trọng nhưng thực chất chỉ là đối phó. Thực chất làm sai một bài toán chả quan trọng bằng việc ăn với chơi. Con em ta sống ở trường chứ không chỉ học cho thuộc bài ở đó. Nó không được uống sữa, bị ngộ độc thực phẩm, không được chơi đàn, chơi bóng rổ hay nhảy dây… mới đáng lo. Chất lượng sống và thể hình các thế hệ măng non nằm chính ở nhà trường, trong khuôn viên trường vậy mà cải cách giáo dục đào tạo không bàn gì, không có chiến lược, chỉ tiêu, phương án gì cho việc ăn và chơi của con em chúng ta cả. Đi học thực chất nên cũng là đi ăn đi chơi, là niềm vui của trẻ, sao ta nỡ lãng quên, đang tâm bỏ bê như vầy! Bà bạn, cựu hiệu phó một trường mầm non phường lắc đầu ca thán.

Phải chăng chiến lược lo cái ăn, cái chơi, thể thao ở trường học cho thế hệ sau nên là một đề án quốc gia ưu tiên số một được lồng vào chương trình, lộ trình cải cách GDĐT toàn diện và triệt để hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn