MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (1936 - 2022). Ảnh: Baonghean

Di sản của Nguyễn Tài Tuệ

THU HUYỀN (thực hiện) LDO | 20/02/2022 12:30
Cái tên Nguyễn Tài Tuệ thường được nhắc đến một cách khiêm nhường nhưng đầy cung kính, bởi ai cũng biết sự đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt Nam là vô cùng to lớn. Tác giả của những ca khúc được nhiều người yêu thích như: “Xa khơi” “Lời ca gửi noọng”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xuân về trên bản Nhắng”, “Về mỏ”, “Xôn xao bến nước”...  đã vĩnh viễn đi xa.

“Đây thực sự là một tin buồn đối với nền âm nhạc Việt Nam”, Nhạc sĩ  Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết. Với tư cách là người đứng đầu ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Đức Trịnh có cuộc trao đổi với Báo Lao Động về những giá trị trong di sản âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa, một người con của quê hương Nghệ An mà cái tên đã khiến người ta liên tưởng đến hai chữ: “Tài năng” và “trí tuệ”.

Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Lao Động về những dấu ấn và cảm xúc cá nhân của ông với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ?

- Đối với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là lão làng, bậc đàn anh trong âm nhạc Việt Nam. Ca khúc của anh không nhiều nhưng sáng tác nào cũng để lại dấu ấn rất đậm nét khiến người ta đã nghe một lần thì khó quên. Từ lâu, tôi đã có nhiều cơ hội làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Trong mắt tôi, anh là người nghệ sĩ đầy đam mê với tâm hồn giản dị, trong sáng. Vì thế khi nghe tin qua đời, tôi rất bàng hoàng. Vẫn biết, ai rồi cũng phải tạm biệt cuộc đời này thôi, trời đã gọi là mình phải đi. Nhưng sự ra đi nào cũng khiến người ta buồn, đặc biệt là sự ra đi của những con người tài hoa. Anh Tuệ xa cõi tạm vào những ngày cuối của dịp Tết Nguyên đán, trong thời điểm Hà Nội phải chịu giãn cách một thời gian dài do dịch bệnh, và các nhạc sĩ ít được gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Ông vừa nói, mình và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng hợp tác với nhau? Chắc hẳn đó là những ngày khó quên?

- Tôi và anh Nguyễn Tài Tuệ có nhiều kỷ niệm từ ngày xưa, thời tôi còn làm trưởng ban nhạc Hoa Sữa và lúc đang là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Tôi đã biểu diễn và phối khí nhiều ca khúc của anh Tuệ. Thực ra, Nguyễn Tài Tuệ cũng là nhạc sĩ phối khí tài ba, tuy nhiên không phải lúc nào anh cũng tự phối khí những ca khúc của mình, để người khác thực hiện cũng có những sự mới lạ riêng. 

Anh cũng nổi tiếng kỹ tính và có những đòi hỏi khắt khe cho những bản phối khí những tác phẩm của mình. Điều may mắn là, giữa anh và tôi có sự đồng điệu về tâm hồn và nhạc cảm nên những bản phối của tôi rất được lòng anh. Trong số những đồng nghiệp đã phối khí những  ca khúc của anh, tôi có thể tự hào nói rằng, mình thuộc một trong số ít những nhạc sĩ phối khí mà anh Nguyễn Tài Tuệ ưng ngay.

Đặc biệt anh Tuệ là người rất khái tính, nhất quyết chỉ viết theo cảm xúc chứ không sáng tác theo đơn đặt hàng. Tôi đã từng đại diện cho một đơn vị địa phương đến đặt hàng anh viết nhạc, nhưng anh thẳng thắn từ chối và bảo: “Khi nào có cảm xúc sẽ viết”.

Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, đồng thời là cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, một nhà giáo, ông đánh giá thế nào về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ?

- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn có một số tác phẩm viết cho khí nhạc, nhạc múa, nhạc cho sân khấu. Những tác phẩm này của anh được giới chuyên môn đánh giá cao, tuy nhiên công chúng lại ít biết. Công chúng chủ yếu biết Nguyễn Tài Tuệ qua những ca khúc nhạc nhẹ, nổi bật nhất là “Xa khơi” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.

Có thể nói, hai ca khúc trên là di sản lớn trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, được hầu hết khán giả trong nước yêu thích, thậm chí bạn bè quốc tế cũng ca ngợi và đánh giá tốt. Hai nhạc phẩm đã tạo nên dấu ấn Nguyễn Tài Tuệ bởi chứa đựng hàm lượng nghệ thuật cao. “Xa khơi” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó” được sáng tác dựa trên chất liệu dân ca, nhưng lại mang nhiều tính học thuật, hàn lâm.

Hai ca khúc này cũng thuộc hàng những bài học kinh điển trong các sách giáo khoa của âm nhạc Việt Nam. Mỗi ca sĩ muốn chứng tỏ đẳng cấp của mình đều phải học chúng với những mức độ đòi hỏi khác nhau trong cách thể hiện. Ví dụ, sinh viên trình độ cao đẳng sẽ hát một cách khác. Cử nhân đại học sẽ trình bày nó ở một cách thức cao hơn và thạc sĩ thanh nhạc phải hát chúng ở đúng đẳng cấp của mình. Đặc biệt, ca khúc “Xa khơi” bao gồm hầu hết các kỹ thuật thanh nhạc như nhanh, chậm; lên, xuống, sự luyến láy khi chuyển nhịp, cách nhả chữ... Sinh viên thanh nhạc phải học hành tử tế, biết rèn luyện cảm xúc đạt đến độ chín muồi mới có thể hát thành công hai ca khúc này.

Anh Nguyễn Tài Tuệ không phải là một nhà sư phạm, tôi nghĩ anh sáng tác “Xa khơi” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” một cách ngẫu nhiên, tự nhiên do tài năng bẩm sinh và được học hành bài bản nên đã cho ra đời được những tác phẩm có tính chất sư phạm đặc trưng như thế.

Những đặc điểm trong sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có giống những tác phẩm khí nhạc và giao hưởng không, thưa ông?

- Về khí nhạc, anh Tài Tuệ có giao hưởng thơ “Những cánh chim cao nguyên”, “Kỷ niệm quê hương” (cello và piano), tôi thấy rất hay. Tuy những tác phẩm thuộc thể loại này của anh Tuệ không đạt được đỉnh cao như ca khúc nhưng anh có cách thể hiện ngôn ngữ âm nhạc rất sáng tạo khi tận dụng những yếu tố và vẻ đẹp của dân ca Việt Nam vào giao hưởng vốn được du nhập từ phương Tây.

Vậy khi giảng dạy những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, ông thường nhấn mạnh vào điều gì?

- Ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội, tôi dạy về sáng tác chứ không dạy về thanh nhạc. Ở lĩnh vực thanh nhạc, tôi chỉ dàn dựng phối khí và biểu diễn. Tuy nhiên, khi dạy về sáng tác, tôi vẫn lấy những tác phẩm của anh như một bài trích giảng cho các bạn sinh viên về cách dùng câu từ, cách phát triển không gian âm nhạc, sự co giãn trong tiết tấu, linh hoạt về lên xuống tốc độ và những dẫn dắt lý thú của cảm xúc.

Theo ông, cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có ảnh hưởng đến những thế hệ nhạc sĩ sau này hay không?

- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không phải ăn lương như một nhà giáo, song nhiều nhạc sĩ vẫn coi anh là bậc thầy, trong đó có tôi. Chúng tôi nhìn vào quá trình hoạt động nghệ thuật của anh để tự học tập dù không được anh trực tiếp đứng lớp. Những kỹ thuật sáng tạo của anh luôn được các thế hệ sau tiếp tục phát huy. Nguyễn Tài Tuệ không phải là người thầy trong âm nhạc nhưng qua các tác phẩm của anh, các nhạc sĩ rút ra được bài học về bút pháp cũng như niềm đam mê âm nhạc.

Tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời vào những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022 khiến khán giả và nhiều người trong giới âm nhạc không khỏi bùi ngùi. Tuổi cao, sức yếu, cộng với việc trước đó nhạc sĩ bị nhiễm COVID-19 rồi ra đi vì bệnh phổi trong hoàn cảnh cả nước vẫn đang căng mình chống dịch càng khiến sự chia tay thêm lưu luyến, xót thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn