MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tập thể Khâm Thiên. Ảnh: Hải Nguyễn

Di sản Hà Nội ở một góc nhìn khác

Lý Viết Trường LDO | 18/12/2022 19:32
Khu tập thể cũ hay còn gọi là nhà tập thể cũ ở Hà Nội được hình thành và mở rộng từ khoảng năm 1960 đến 1986, phản ánh mô hình nhà ở của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Di sản khu tập thể cũ ngoài chức năng để ở, còn chứa đựng trong mình rất nhiều giá trị văn hóa - xã hội khác.

Vài nét về khu tập thể cũ

Nhà tập thể cũ là thuật ngữ được sử dụng để phân biệt với các công trình có chức năng tương tự như nhà chung cư kể từ khoảng năm 2000 trở về sau. Khu tập thể cũ mang đậm dấu ấn của các kiến trúc sư Xô Viết, mang đặc trưng của một lối sống Hà Nội trong những năm tháng bao cấp.

Theo nghiên cứu của Dương Tất Thành - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), quá trình hình thành khu tập thể ở Hà Nội bắt đầu từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, với xu thế xây dựng Thủ đô Hà Nội, để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho sự gia tăng dân số mạnh mẽ của cán bộ công nhân viên chức. Theo các nhà nghiên cứu thì khu tập thể ở Hà Nội có thể chia thành 3 giai đoạn: từ 1954 đến 1960, từ 1960 đến 1974, từ 1975 đến 1986. Trong đó giai đoạn 1960 đến 1986 là những năm mà mô hình khu tập thể ở Hà Nội nở rộ, thời kỳ này có hơn 30 khu tập thể được xây dựng trên khoảng 450ha, phân bố chủ yếu nằm trên vành đai 1 và vành đai 2 của thành phố. Hiện nay với sự mở rộng về mặt diện tích của Hà Nội, những khu tập thể đều nằm ở khu vực trung tâm của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Sau năm 1986, mô hình khu tập thể không còn được xây dựng phổ biến, đặc biệt thời gian càng lùi về sau sự xuống cấp của các công trình cũ càng lộ rõ. Bên cạnh sự xuống cấp của công trình, sự ra đời của các loại hình nhà ở cao cấp hơn đã vô tình khiến cho những khu nhà tập thể ít nhiều bị lãng quên. Tuy nhiên nếu nhìn khu tập thể cũ ở Hà Nội từ góc độ khác, ta có thể nhận thấy những giá trị mà những người nhà này lưu giữ lại, đó là những ký ức về một thời gian khổ mà anh hùng, là tính cố kết cộng đồng...

Khu tập thể Giảng Võ. Ảnh: Hải Nguyễn

Giá trị của di sản khu tập thể cũ

Tại hội thảo khoa học quốc tế Nhân học và thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, được Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại hộc Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, GS.TS Trịnh Duy Luân - Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng những khu tập thể cũ ngoài giá trị sử dụng và trao đổi trên thị trường nhà đất, còn chứa đựng những giá trị xã hội - nhân văn to lớn, thể hiện qua những chính sách của nhà nước về nhà ở cho người lao động.

Ngoài ra khu tập thể cũ còn có giá trị kiến trúc - quy hoạch, với những dấu ấn của mô hình kiến trúc của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; giá trị về chủ nghĩa quốc tế với sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước trên thế giới; giá trị xã hội - văn hóa, thể hiện ở lối sống đô thị đặc thù của cư dân các khu tập thể với tinh thần gắn kết cộng đồng.

TS Nguyễn Vũ Hoàng - Phó Chủ nhiệm Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết có những khu tập thể được phân cho các cán bộ thuộc hàng trung - cao cấp của các cơ quan Trung ương và thành phố; có những khu tập thể được phân cho công nhân nhà máy, xí nghiệp; có những khu tập thể dành cho các nhà giáo, chuyên gia... Không ít những tòa nhà mà cư dân trong đó là những người cùng cơ quan, cùng ngành hay lĩnh vực. Vậy nên trái ngược với cái nhìn bên ngoài của những tòa nhà bê tông thô kệch và xù xì, cuộc sống của các cư dân trong khu tập thể mang màu sắc sinh động, linh hoạt và thấm đượm tình người. Nếu như thế hệ bố mẹ, ông bà cùng chia sẻ với xóm giềng một lối sống trong quãng thời gian khó khăn trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp thì những đứa trẻ trở nên thân thiết hơn khi chúng cùng lớn lên với những trò chơi, sinh hoạt chung trên những bãi cỏ, sân chơi giữa các tòa nhà, trong các lớp học gần nhà.

Với đặc thù cùng chia sẻ những không gian chung, nên khu tập thể còn có một giá trị nổi bật nữa đó là di sản ký ức. Với những người đang sống hoặc đã chuyển ra khỏi khu tập thể, thì quãng thời gian sống ở đó luôn được lưu giữ trong ký ức với những kỷ niệm gắn bó chia ngọt sẻ bùi giữa những người vừa là hàng xóm láng giềng vừa là đồng nghiệp.

Như vậy khu tập thể cũ Hà Nội là một mô hình nhà được xây dựng từ những năm giữa thế kỷ XX, trải qua thăng trầm của hơn một nửa thế kỷ, những ngôi nhà này đã trở thành một trong những hình ảnh quen thuộc của Thủ đô. Hiện nay những khu tập thể cũ này không chỉ có giá trị về mặt công năng sử dụng đơn thuần, mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa - xã hội, nhiều người cho rằng từ lâu những ngôi nhà tập thể này chính là một phần di sản của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

TS Nguyễn Vũ Hoàng - Phó Chủ nhiệm Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Sau năm 1954, Hà Nội có sự gia tăng dân số mạnh mẽ, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được thành lập khiến cho nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu đó, Chính phủ và Ủy ban hành chính (nay là Uỷ ban Nhân dân) thành phố Hà Nội đã cho xây dựng một số khu tập thể. Mô hình nhà ở này cho phép một số lượng lớn cư dân sinh sống mà không cần phải tích hợp vào mạng lưới đô thị hiện tại, bởi nó được vận hành theo một mô hình hoàn toàn khác, dựa trên nguyên tắc chia sẻ: sử dụng chung khu bếp, công trình phụ, cầu thang, hành lang... Đây là một kế hoạch tổ chức không gian mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã tiếp nhận và triển khai, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội, địa chính trị bấy giờ của nước ta”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn