MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 tác phẩm trong "Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp

Di sản Hồ Chí Minh sống mãi với thời gian qua từng trang sách

hương lê LDO | 19/05/2023 10:33
"Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh” được Nhà xuất bản Trẻ bắt đầu thực hiện từ năm 1999, tới nay đã hơn 20 năm, với tổng số hơn 50 đầu sách giấy, ngoài ra còn có bộ sách điện tử, bản đồ... là những tư liệu quý về cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tư tưởng của Bác trong các lĩnh vực quân sự, văn hóa...

"Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh” là công trình nghiên cứu công phu, tập hợp nhiều nội dung, tài liệu, hình ảnh quý giá, phần nào khái quát được cuộc đời, hoạt động và tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cho đất nước, cho dân tộc. 

Bộ sách đa dạng về thể loại (có sách chính luận, sách nghiên cứu, nhưng cũng có những câu chuyện đời thường rất sinh động); về đề tài (những câu chuyện, đúc kết về Bác ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, cán bộ, quân đội, ngoại giao, thanh thiếu niên, mặt trận, quốc hội...); về tác giả (sách do chính Bác viết và rất nhiều tác giả khác nhau viết về Bác).

Bộ sách phù hợp làm tư liệu tra cứu, hay quà tặng quý, cho các cơ quan, trường học, tổ chức, cơ sở Đảng, cơ sở Đoàn... và đặc biệt là làm tư liệu phục vụ các buổi sinh hoạt tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Nổi bật trong bộ sách này có thể kể đến như: “Hồ Chí Minh bàn về quân sự” do chính Người sáng tác, “Khắc sâu lời Bác” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan hay cuốn “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp” của tác giả Đ.H (Bác Hồ)...

1. Trong “Hồ Chí Minh bàn về quân sự”, tư duy quân sự Hồ Chí Minh đậm chất “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, trong đó nổi bật là nghệ thuật đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; tiến công liên tục, đánh thắng từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tư duy quân sự thiên tài đó bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, và được làm phong phú thêm bởi khoa học quân sự nước ngoài. 

Nhằm góp phần tìm hiểu về tư duy quân sự Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu ấn phẩm “Hồ Chí Minh bàn về quân sự” gồm 6 tác phẩm nhỏ: “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”; “Chiến thuật du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh”; “Kinh nghiệm du kích Tàu”; “Kinh nghiệm du kích Pháp”.

“Phép dùng binh của ông Tôn Tử” được Người nghiên cứu, lược dịch, biên soạn trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, không chỉ dùng vào mục đích quân sự mà có thể vận dụng vào ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa. “Chiến thuật du kích” ghi chép chi tiết nhất về chiến tranh du kích, được sử dụng để huấn luyện cho cán bộ quân sự trong thời kì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

“Những hiểu biết cơ bản về quân sự” gồm 11 nội dung về tổ chức quân sự và huấn luyện quân sự. “Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh” do Người lược dịch, có bổ sung nhiều nội dung mới, nhằm phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng vũ trang nhân dân. “Kinh nghiệm du kích Tàu” và “Kinh nghiệm du kích Pháp” giới thiệu những kinh nghiệm của Trung Quốc và Pháp trong kháng chiến chống phát xít Nhật và Đức.

2. Tư tưởng của Bác thấm nhuần vào từng trang sách. Đến với “Khắc sâu lời Bác” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan, bằng lối viết ngắn gọn, tình cảm cuốn sách kể lại kèm theo lời bình với mục đích: “Qua mỗi câu chuyện kể trong cuốn sách, mỗi ngày, mỗi gia đình, thầy cô giáo, anh bộ đội, chị công nhân... có thể rút ra được một điều gì đó ý nghĩa để làm theo Bác”.

Cuốn sách là 34 mẩu chuyện về Bác Hồ được tác giả dành nhiều thời gian sưu tầm, để đảm bảo về mặt nội dung, ông tìm đến tận nhà các nhân vật từng may mắn có cơ hội được gặp Bác Hồ để kiểm chứng thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan vào bộ đội năm 1949, được gặp Bác Hồ ba lần, trong đó có hai lần vinh dự được làm phiên dịch tiếng Nga cho Bác khi Người tiếp đón Đại tướng Liên Xô Pavel Ivanovich Batov sang thăm nước ta; và khi Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu các nước anh em tới dự Đại hội Thể thao quân đội 12 nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) vào năm 1962. 

Từ 1991 - 2001, ông là cộng tác viên của Viện Mác Lênin - Hồ Chí Minh, tham gia biên soạn nhiều bộ sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hồ Chí Minh - Toàn tập; "Hồ Chí Minh - Tiểu sử", "Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử".  

3. “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp” tái hiện lại gần 100 ngày làm việc của Bác trên đất Pháp qua những ghi chép về hành trình và công việc mỗi ngày của Người từ 31.5 đến 11.8.1946.

Sau khi kí Hiệp định Sơ bộ vào ngày 6.3.1946, hai bên Việt - Pháp tiếp tục xúc tiến hội đàm tại Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau để đàm phán về nền độc lập của Việt Nam và việc thống nhất Việt Nam. Vì Pháp không thực tâm đàm phán hòa bình và sau khi Hội nghị trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt tan vỡ do lập trường hiếu chiến của thực dân Pháp, phía Việt Nam đã chủ động tổ chức một phái đoàn Quốc hội của Việt Nam sang thăm thiện chí, hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp. 

Chuyến đi thăm chính thức nước Pháp từ quý III tới quý IV năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo lời mời của Chính phủ Pháp cũng nhằm mục đích giương cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

Trong gần 100 ngày ở trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhân vật trong Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, các nhà hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật nổi tiếng; tổ chức nhiều cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nhằm nêu rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam, không muốn chiến tranh với Pháp. 

Hoạt động mỗi ngày của Bác đều được ghi chép kĩ càng và gửi về đăng trên báo Cứu quốc từ số 402, ngày 11.11.1946 đến số 439, ngày 17.12.1946, trong thời điểm vận mệnh của Tổ quốc ở vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng nhờ bàn tay của Bác, sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, sự ủng hộ của toàn dân, con thuyền cách mạng Việt Nam vẫn luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới.

Sau khi Hội nghị Fontainebleau không đi đến kết quả do phía Pháp không thực tâm đàm phán, trong lúc tình hình ở Việt Nam hết sức căng thẳng, nguy cơ nổ ra xung đột ngày càng rõ rệt. Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hòa bình của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động kí với Pháp bản Tạm ước ngày 14.9.1946 như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh mà các thế lực thực dân phản động Pháp đang ráo riết chuẩn bị.

Tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh” của NXB Trẻ được lập ra với tiêu chí phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh đến với đông đảo bạn đọc, nhất là thanh thiếu niên. Mỗi năm, tủ sách đều được thêm vào vài tựa mới, nhằm mục đích lưu truyền những tư liệu quý về cuộc đời, tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn