MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vọng Phu ở Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

Di sản và hành trình tới tương lai

linh anh LDO | 12/11/2023 06:30

Tôi vốn không biết câu “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” là của ai cho đến một ngày mở cuốn “Dagestan của tôi” của Rasul Gamzatov.

Tôi cứ nhớ đến Rasul Gamzatov khi đọc những dòng tin trên báo về các di sản, di tích và phong cảnh thiên nhiên của đất nước mình bị xâm hại, đục đẽo.

Mấy tháng trước, cậu phóng viên thường trú ở Thanh Hóa có nhắn tin: "Anh ơi, nàng Vọng Phu ở Thanh Hóa có lẽ không chờ chồng được nữa rồi". Tôi đùa: "Nàng Vọng Phu từ Lạng Sơn chạy về Thanh Hóa à?".

Hóa ra xứ Thanh cũng có một nàng Vọng Phu thuộc Cụm di tích quốc gia về nghệ thuật và thắng cảnh núi Nhồi (ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Di tích này là một cột đá cao khoảng 20m, nằm trên đỉnh núi Nhồi, nơi đây được biết đến là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh.

Vọng Phu Thanh Hóa có nguy cơ đổ sụp có nguyên nhân là từ 3 lần bị sét đánh. Nhưng kể cả khi không bị như vậy, thắng cảnh này cũng có nguy cơ biến mất bởi hiện trạng xung quanh chẳng khác nào một công trường khai thác đá khổng lồ.

Chẳng nói đâu xa, vài năm trước, nhiều bài thơ, hình tượng tại đền Quan Thánh cũng ở khu Di tích lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi) bị xâm hại, quét sơn lòe loẹt. Thậm chí, có chỗ còn bị khoan lỗ đinh khiến các chữ khắc trên vách đá bị mất khiến chính quyền phải vất vả vào cuộc.

Đấy chỉ là một trong những ví dụ về câu chuyện bảo tồn. Tôi nhớ khoảng 10 năm trước, trên báo Lao Động, người bạn cùng học Đại học là tay phóng sự Đỗ Doãn Hoàng có viết một bài gây tiếng vang: "Biến di tích 400 tuổi thành... 1 ngày tuổi!".

Phóng sự nói về "nỗ lực" trùng tu tôn tạo di tích thành nhà Mạc (Tuyên Quang) đã trải qua 418 năm tồn tại, dẫu hoang phế song vẫn xứng đáng là một pho sử kỳ vĩ, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bỗng chốc biến thành cái... lò gạch.
Có bao nhiêu di sản thiên nhiên, bao nhiêu di tích trên khắp mọi miền đất nước này đã từng bị xâm hại? Mỗi nhát cuốc, mỗi vết cào trên di sản chẳng khác nào những phát súng bắn vào quá khứ. Tương lai sẽ trả lại những gì?

***
Bảo vệ quá khứ và xây dựng tương lai trong văn hóa, di sản đôi khi lại đặt con người ta vào một lựa chọn khó khăn. Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt là một ví dụ. Những ngày này, Đà Lạt lại nóng chuyện Dinh Tỉnh trưởng tồn tại hay không tồn tại.

Vài năm trước, tỉnh Lâm Đồng liên tục công bố các phương án quy hoạch khu vực Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt. Trong đó, các phương án đưa ra là Dinh Tỉnh trưởng được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu.

Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, bảo tàng. Phương án 2, Dinh Tỉnh trưởng được giữ nguyên vị trí nhưng xung quanh là tổ họp khách sạn - hồ bơi 10 tầng. Trong khi đó, phương án 3 sẽ có khách sạn ở cùng mặt bằng với Dinh Tỉnh tưởng, khu vực xung quanh được tận dụng cho nhiều công trình khác và bảo tồn được khoảng 30% cây xanh hiện hữu.

Trước đây, Dinh Tỉnh trưởng nằm trong nhóm bảo tồn nghiêm ngặt, nghĩa là nhóm biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa thuộc nhóm 1. Tuy nhiên, cuối tháng 9.2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa dinh tỉnh trưởng khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt nói trên.

Trong một bài phỏng vấn, KTS Ngô Viết Nam Sơn - người luôn bày tỏ quan điểm bảo vệ Dinh Tỉnh trưởng đã nói rằng: “Thật đáng thất vọng vì chỉ vài tháng trước, chính TP.Đà Lạt đã đề ra chủ trương phấn đấu trở thành đô thị di sản. Mà bây giờ, họ lại cho triển lãm các phương án đề xuất phá di sản khu Hòa Bình để làm dự án địa ốc, lấy ý kiến người dân trong 1 tháng.

Đồ án triển lãm cho thấy, việc quy hoạch chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài. Nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn của cộng đồng và các cơ quan chức năng”.

Được biết cũng trong tuần này Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500, khu trung tâm Hoà Bình, TP Đà Lạt, trong đó có khu vực Đồi Dinh. Buổi làm việc có sự tham dự của các sở, ngành, TP Đà Lạt và Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư TP Đà Lạt.

Tôi từng ngồi ở một quán kem bơ nổi tiếng khu Hoà Bình, nhìn chếch xuống khu chợ đêm Đà Lạt trong màn sương chiều mờ ảo, xa xa là Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng trong hàng cây xanh đậm và nghĩ: “Khách sạn cũng cần nhưng nếu những di sản như Dinh Tỉnh trưởng bị phá bỏ, hoặc bị che lấp, lọt thỏm giữa các công trình nguy nga hiện đại thì tương lai Đà Lạt đi về đâu?”.

***
Nhưng cũng không thể không nói đến những nỗ lực giữ gìn di sản ở một số nơi. Vài tháng trước tôi ở Huế và chợt nhận ra Huế đã có nhiều thay đổi: đông hơn và có phần ồn ào hơn. Người bạn đồng hành với tôi có vẻ suýt xoa vì... tiếc khoản tiền vé 250.000 đồng vào Đại nội vì còn quá nhiều hạng mục dở dang, đang phục dựng. Song Huế vẫn là thiên đường đi bộ với những hàng cây rợp bóng ven bờ sông Hương thơ mộng.

Một góc thành phố Huế. Ảnh: Linh Hoàng

Huế còn là thiên đường của... xe đạp. Mới đây thôi, bản dự thảo Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng và kế hoạch triển khai các tuyến xe đạp khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận được xây dựng và công bố. Tham vọng của chính quyền TP Huế là biến nơi đây thành trở thành thành phố xe đạp đặc trưng của cả nước. Trước mắt, sẽ có hệ thống đường đi xe đạp tại vùng lõi trung tâm đô thị Huế. Hình thành các tuyến đường xe đạp kết nối với các khu vực liên quan cần thiết với quy mô khoảng 1.200 xe.

Các ý tưởng đề xuất tuyến đường: Khu vực Bến Tòa Khâm - Đập Đá; Khu vực Chợ Đông Ba - Trịnh Công Sơn; Khu vực Học Viện Âm Nhạc - Dã Viên; Công viên Bùi Thị Xuân - Cồn Dã Viên; Khu vực nội thành;...

Thành phố Huế có nhiều lợi thế khi là một trong những địa phương có bước đầu tương đối thành công trong việc hình thành một thành phố xe đạp có nét tương đồng với các thành phố xe đạp trên thế giới. Trong những năm qua, với sự nỗ lực từ quan điểm đến hành động xuyên suốt, thành phố Huế đã hình thành cơ sở hạ tầng giao thông dành cho xe đạp bài bản. Người dân có các cung đường đạp xe an toàn, đẹp, chan hòa với thiên nhiên; các cuộc thi đạp xe chuyên nghiệp và phong trào thu hút đông đảo thành phần tham gia; người dân đã sở hữu xe đạp nhiều hơn, văn hóa đạp xe cũng đang dần hình thành trong cộng đồng dân cư Huế.

Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương thì khẳng định: “Việc đưa xe đạp vào trong hoạt động giao thông và là phương tiện đi lại sẽ là một trong những phương thức để thúc đẩy Huế trở thành thành phố một đô thị du lịch văn minh, hạnh phúc với các tiêu chí xanh, sạch, an toàn, thân thiện môi trường và thông minh”.

Biết tôi đến Huế, một người bạn đồng nghiệp có nhắn rằng: “Có thể so với tưởng tượng ban đầu khi chưa tới Huế, Huế không đẹp, không hoành tráng, nhưng đó là dấu tích của thời gian, của lịch sử thăng trầm...

Nhưng giữ Huế, muốn người ta đến Huế thì cái cần giữ hồn Huế, cốt cách Huế chứ không phải bằng cách như người ta đang làm hiện nay là “tô màu”, “làm mới” cho những di tích... Như vậy thì thật thương Huế, Huế thương...”.

***
Hồi tháng 10.2023, có một ngôi làng ở Quảng Bình được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận "Làng du lịch tốt nhất" năm 2023. Đó là làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình. Làng Tân Hóa được xem là vùng "rốn lũ" của Quảng Bình.

Năm 2010, Tân Hóa chứng kiến trận lụt lịch sử với mực nước dâng cao 12 m, nhấn chìm hầu hết nhà cửa. Dân làng phải sơ tán lên các hang đá và vách núi trú ẩn chờ nước rút. Sau đó, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao để sống chung với lũ. Sang năm 2012, họ cải tiến thành mô hình nhà nổi, giúp người dân có thể sinh hoạt bình thường trong lũ.

Hiện Tân Hóa đã có 620 căn nhà nổi được xây dựng 100% từ nguồn tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Từ chỗ là ngôi làng "tổn thương" nhất của Quảng Bình khi lũ đến, Tân Hóa đã tận dụng lợi thế được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng quý hiếm, những hang động tuyệt đẹp, cảnh quan mộc mạc, bình yên và nét văn hóa, ẩm thực bản địa độc đáo, khác biệt.

Giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất thế giới" là sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm vinh danh những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn, phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng, nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, tính bền vững.

Thông điệp từ Tân Hóa chính là: Khi di sản được bảo tồn, phát triển thì người ta hoàn toàn có thể sống hạnh phúc và làm giàu chứ không phải những phát súng mang tên “đầu tư” để rồi những giá trị đã được thế giới công nhận dần bị hủy hoại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn