MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm nhấn trong tuần: Học nghề - xu thế tất yếu!

NHẬT LAM ghi LDO | 30/07/2016 10:05
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục và dạy nghề, liên quan đến xu hướng giảm thi ĐH, tăng học nghề của nhiều học sinh hiện nay. Tuy nhiên, để đi đúng hướng, không chỉ là nỗ lực của riêng học sinh, mà còn cần một định hướng cụ thể từ các chính sách, các sự hỗ trợ của Nhà nước.

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Tín hiệu đáng mừng vì thay đổi nhận thức!”

Tỉ lệ học sinh thi ĐH giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. Để phân hóa rõ hơn điều này, tôi đề nghị Bộ GDĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh sớm. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo ĐH chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT đề xuất. Việc thay đổi nhận thức thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.

Nhà giáo Văn Như Cương: “Ai cũng vào ĐH là lạc hậu!”

Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào ĐH, trong khi số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học. Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ “toàn dân lên lớp, toàn dân vào ĐH”, không đảm bảo việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ gây hậu quả về vấn đề nguồn lực lao động. Khi đất nước hội nhập ASEAN, chúng ta có thể thất bại vì phải nhập thợ chất lượng cao của nước ngoài, còn thợ Việt Nam chỉ đi làm thuê ở những ngành nghề đơn giản. Vì thế theo tôi, việc đổi mới giáo dục phải nêu bật được bằng cấp không có giá trị. Học tập phải tạo ra nguồn lao động giỏi, sản xuất tốt. Học tập là công việc suốt đời, học trong SGK chưa bao giờ là đủ.

 

 Có nhiều lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của học viên, giúp các em tránh nguy cơ thất nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội: "Hãy học ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân!"

Xu hướng giảm vào ĐH, tăng học nghề trong SV đang bắt đầu thể hiện sự tác động mang tính đồng bộ, SV ra trường thất nghiệp tăng cao khiến các gia đình phải suy nghĩ. Đây là điều hợp với quy luật, là xu thế. Dĩ nhiên, các em ngày càng có nhiều thông tin hơn, tự quyết định nghề nghiệp của mình nhiều hơn mà không bị lệ thuộc vào bố mẹ, giảm tâm lý đám đông. Các em có nhiều kênh truyền thông và quan trọng là giữa giáp ranh người lớn và trẻ con, các em đã hình thành suy nghĩ để tạo cho mình sự độc lập, sự tham vấn của nhiều người chứ không còn bột phát theo kiểu thích là làm.

Tuy vậy, để thay đổi nhận thức, tâm lý của người học và của xã hội, theo tôi vẫn là một thách thức. Yếu tố tâm lý con người mà chúng tôi không thể nào trách các em được, đó là ai cũng muốn làm công việc nhàn, sang, lương cao. Nhưng trước thực tế là biên chế ngày càng giảm, thất nghiệp ngày càng tăng thì mãi mãi muôn thuở các em không thể nào đạt được những điều ấy. Vì thế, điều mà đi bất cứ lớp tư vấn khởi nghiệp nào chúng tôi cũng nhấn mạnh với các em, chính là các em phải xác định được mình là ai, học cái gì để phù hợp với khả năng của mình chứ không phải cố để học cái mình muốn! Và một điều nữa, cần dần dần thay đổi tư tưởng ăn sâu vào nhiều thế hệ là “làm thầy nuôi vợ làm thợ nuôi miệng không xong” - để thấy rằng bây giờ, thực tế đang chứng minh điều ngược lại: “thầy” thất nghiệp nhiều hơn cả “thợ”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn