MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm nhấn trong tuần: Không chỉ người giàu mới cần mua bảo hiểm

LƯU LY thực hiện LDO | 22/10/2016 14:30
“Quan niệm chỉ người giàu, có tiền dư dả mới mua bảo hiểm là quan niệm sai lầm. Tôi nghĩ ai cũng cần phải có kế hoạch để chống lại sự mất mát tài sản và phòng tránh những rủi ro có thể gặp phải bằng việc tham gia các loại bảo hiểm” - Phó tổng thư ký phụ trách, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - ông Ngô Trung Dũng nhìn nhận quanh câu chuyện người dân Việt Nam còn “thờ ơ” với bảo hiểm nhân thọ.

* Hiện nay tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Theo ông, tại sao lại có tình trạng này?

- Lâu nay chúng ta vẫn có tâm lý mọi thứ đã có Nhà nước lo hết, do ảnh hưởng từ thời bao cấp. Điều này đã ăn sâu vào tâm lý người dân. Và khi chuyển dịch sang kinh tế thị trường thì đương nhiên sẽ có những rủi ro. Một doanh nghiệp làm ăn cũng có lúc này, lúc khác, nên rất cần tính đến những phương án dự phòng, để ổn định cuộc sống. Nhưng do mặt bằng thu nhập của người dân Việt Nam không cao so với nhiều nước trên thế giới, nên thực ra dù dân có nhu cầu mua bảo hiểm, có tính đến chuyện phòng tránh rủi ro trong tương lai, nhưng khả năng tài chính lại chưa cho phép.

* Nói như vậy thì chỉ người giàu mới có khả năng mua bảo hiểm, bảo vệ mình trước những rủi ro?

- Tất cả các loại bảo hiểm không chỉ dành cho mỗi người giàu. Quan niệm chỉ người giàu, có tiền dư dả mới mua bảo hiểm là quan niệm sai lầm. Cùng lao động, cùng làm việc như nhau, tại sao người ta đã có tiền còn lo mất mát tài sản còn bạn thì không? Tôi nghĩ ai cũng cần phải có kế hoạch để chống lại sự mất mát tài sản và phòng tránh những rủi ro có thể gặp phải.

 

* Còn với đối tượng là công nhân, những người lao động nặng nhọc - nhiều khi tiền lương không đủ ăn thì sao?

- Họ có thể mua với số tiền thấp, tùy theo nhu cầu của mình. Như bảo hiểm 5 năm, 10 năm, hoặc suốt đời, nhưng lựa chọn đóng với số tiền nhỏ thôi. Hiện nay ngành Bảo hiểm Nhân thọ có 350 gói sản phẩm có thể đáp ứng được mọi đối tượng. Tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra thói quen tích lũy, hàng tháng có thể trích ra 100 - 200 nghìn đồng tùy điều kiện để có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình. Ví dụ như không may công nhân, người dân bị tai nạn lao động, hay bị tai nạn giao thông chẳng hạn, nếu trước đó họ có mua bảo hiểm, thì họ sẽ có cơ hội được thanh toán, hay đền bù phần nào rủi ro mình gặp phải và con em họ lúc đó cũng nhẹ bớt phần nào gánh nặng.

* Hiện nay người dân có tâm lý: Nếu có tiền sẽ gửi ngân hàng hơn là chọn mua bảo hiểm nhân thọ. Ngành bảo hiểm có giải pháp gì để thúc đẩy người dân tham gia?

- Điều bảo hiểm nhân thọ hướng đến chính là việc phần nào giải quyết được tình trạng người tham gia bảo hiểm có thể gặp rủi ro trong tương lai, như trường hợp tai nạn, ốm đau, tử vong, thì khi đó sẽ được bảo hiểm chi trả. Nếu gửi ngân hàng thì sẽ không có được những quyền lợi trên. Đây là tính ưu việt, tính nhân văn của bảo hiểm nhân thọ.

Hiện nay ngành bảo hiểm nhân thọ đã có hơn 400 nghìn đại lý của 18 doanh nghiệp, trải đều khắp toàn quốc. Vấn đề cơ bản nhất là nhu cầu của người dân, tự người dân thấy việc mua bảo hiểm nhân thọ là một cách để đảm bảo cho tương lai của mình, của gia đình. Thời gian tới, ngành bảo hiểm chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để có sản phẩm phù hợp với yêu cầu và hợp túi tiền của người dân.

* Những năm qua xảy ra nhiều trường hợp kiện cáo giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, thường khách hàng chịu thiệt, khiến người dân e ngại tham gia bảo hiểm nhân thọ. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Nói về sản phẩm bảo hiểm thì không thể lừa đảo được. Luật Kinh doanh bảo hiểm có ghi rõ, Bộ Tài chính là cơ quan phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, phê chuẩn quy tắc điều khoản, phê chuẩn nội dung bảo hiểm, phê chuẩn cả minh họa bán hàng… Có chăng là do sai sót ở chỗ đại lý tư vấn cho khách hàng. Ví dụ, người ta chỉ đủ sức mua hợp đồng bảo hiểm với mệnh giá 100 triệu đồng, đóng phí 1 triệu/ tháng, thì nhân viên lại tư vấn cho họ mức đóng phí là 2 triệu/ tháng, khiến họ lâm vào cảnh tài chính khó khăn. Vì vậy trước khi tham gia mua bảo hiểm, người dân cần đọc kỹ hợp đồng, để biết sản phẩm mình tham gia có nhóm rủi ro nào bị loại trừ, nhóm nào được thanh toán nếu gặp rủi ro. Đặc biệt, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm thì sau khi ký hợp đồng, người dân được 21 ngày xem xét, nghiên cứu các điều khoản.

Ngoài ra đội ngũ nhân viên tư vấn cũng không nên chạy theo doanh số mà cần tư vấn rõ cho người dân, tránh trường hợp gói tư vấn quá cao so với khả năng tài chính của họ, làm mất niềm tin của người dân.

* Trong thời kỳ hội nhập, nhiều “ông lớn” của ngành bảo hiểm thế giới sẽ vào nước ta, Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam làm thế nào để đi theo hướng riêng của mình, thưa ông?

- Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định vị trí của mình đối với Nhà nước. Những khoản tiền nhàn rỗi hằng năm chúng tôi đều đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Đến cuối năm 2015, tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào nền kinh tế quốc dân là 127.000 tỉ đồng. Chúng tôi đang khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm hưu trí, cho nông dân, cho lao động tự do và tốt nhất là nên tham gia vào các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam, vì sẽ được bảo vệ quyền lợi, theo pháp luật của Việt Nam trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Tôi nghĩ tiềm năng của thị trường bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn, để biến tiềm năng thành cơ hội phát triển cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn