MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Minh Tiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Diễn viên Minh Tiệp: Năm 2024, tôi nhận nhiệm vụ mới với nhiều thách thức

thu hương - huyền chi (thực hiện) LDO | 15/01/2024 14:30

Tháng 12.2023, diễn viên Minh Tiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) điều động, bổ nhiệm giữ vị trí Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa. Đây là thời điểm, Bộ VHTTDL đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa văn hóa, trong đó, điện ảnh thuộc 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với tân Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa - diễn viên Minh Tiệp.

Nhìn lại năm 2023 của mình và gia đình, anh thấy đã làm được gì và chưa làm được gì theo mong muốn và kế hoạch đã đề ra?

- Thật ra, tôi cũng là người tham lam, có nhiều điều mong muốn được làm nhưng chưa làm được. Có lẽ điều mà tôi thay đổi nhiều nhất, chắc là mọi người cũng thấy, là cân nặng của tôi. Tôi tập rất chăm nhưng ăn cũng chăm như tập, nên chưa giảm nổi cân như kế hoạch đề ra.

Anh từng có những vai diễn để lại dấu ấn cho khán giả. Việc chuyển hướng sang giữ các vị trí quản lý và dừng đóng phim có khiến anh nhớ nghề diễn?

- Tôi ấn tượng một câu của đạo diễn James Cameron. Ông từng nói: “Một trong những cách để bạn có thể tồn tại với niềm đam mê điện ảnh đó là hãy song hành cùng với nó, kể cả khi bạn về già”. Tôi chưa nghĩ rằng tôi đã về già, nhưng tôi cũng luôn biết mình đang ở đâu. Với hình thể như thế này (cười) thì tôi không thể đóng vai lãng mạn, quỳ dưới trời mưa, cầm bông hoa hồng và nói rằng, “anh yêu em” với một nữ diễn viên trẻ được nữa rồi.

Tôi vẫn thường nói với đồng nghiệp cũng như ban lãnh đạo là nếu có thời gian rảnh, tôi vẫn xin được đóng phim để va chạm nhiều hơn với công việc mình đang làm. Trước khi về Trường quay Cổ Loa, tôi là Giám đốc của Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Tôi đã có thực tiễn làm công tác nghiên cứu. Khi nhận nhiệm vụ mới là Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa, tôi có được thêm nhiều kinh nghiệm hơn, có nhãn quan và cái nhìn tổng thể về diễn viên, về công việc sản xuất phim truyền hình cũng như điện ảnh. Tôi thấy hài lòng về công việc mình đang làm.

Anh có nghĩ, việc chuyển hướng sang làm quản lý có khiến anh trở thành một người khác - so với việc vẫn là diễn viên?

- Từ khi tôi chưa làm diễn viên cho đến khi tôi làm diễn viên, bạn bè và những người thân của tôi nói rằng tôi vẫn như vậy, không thay đổi gì. Tôi không có khái niệm khi mình đã có một chút tên tuổi thì mình sẽ xa rời, có khoảng cách, có thái độ khác với người thân. Tôi vẫn như vậy! Mọi người sẽ không bất ngờ khi thấy Minh Tiệp vẫn lang thang vỉa hè với bát bún ngan ở đâu đó. Mọi người sẽ vẫn thấy Minh Tiệp buổi sáng đi ăn phở, buổi tối thỉnh thoảng ngồi ăn cháo lòng với những người bạn thân. Quan trọng hơn, tôi biết mình làm gì và nhận được gì, đóng góp được gì cho bộ phim và để lại được gì trong lòng khán giả.

Khi chuyển sang công tác quản lý, tôi cho rằng mình đã gánh trọng trách nặng nề hơn và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Trường quay Cổ Loa. Ảnh: Thùy Trang

Từ tháng 1.2023 anh được Bộ VHTTDL điều động, bổ nhiệm giữ vị trí Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa. Đây là khu trường quay từng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng và được xây dựng nhiều đề án nghìn tỉ đồng để được đưa vào sử dụng, là bối cảnh quay phim cho nhiều đoàn phim, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động, gần như không có đoàn phim nào đến quay. Anh đánh giá thế nào về thực trạng ở Trường quay Cổ Loa hiện nay?

- Tôi mới nhận nhiệm vụ từ đầu tháng 12 nên chưa có nhiều thời gian để nói rằng tôi sẽ làm gì. Có nhiều ý tưởng đã được xây dựng từ rất lâu. Trường quay Cổ Loa là trường quay quốc gia, ngoài chức năng cho các đoàn phim thuê thì có cả chức năng sản xuất phim, sắp tới mong muốn sẽ có cả công tác đào tạo diễn viên. Tôi hy vọng trong tương lai, Trường quay Cổ Loa sẽ là một trong những đơn vị sản xuất được phim điện ảnh và có nhiều bộ phim điện ảnh, phim truyền hình được sản xuất tại đây.

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, họ có sự phân biệt rất là rõ ràng giữa diễn viên truyền hình và diễn viên điện ảnh. Khi đi liên hoan phim, diễn viên luôn được hỏi: “You are movie actor or TV series?” (Bạn là diễn viên điện ảnh hay diễn viên truyền hình?).

Ban đầu, tôi nghĩ Trường quay Cổ Loa sẽ dành cho bối cảnh của những bộ phim điện ảnh nhưng khi về đây công tác, tôi nghĩ có thể thực hiện cả phim truyền hình lẫn điện ảnh.

Chúng ta đang bàn đến công cuộc công nghiệp hóa văn hóa với 12 ngành mũi nhọn trong đó có điện ảnh. Các đạo diễn cho rằng, để công nghiệp hóa các ngành nghề, điều cần nhất phải có là nhà máy. Với điện ảnh, trường quay được ví như “nhà máy”. Bấy lâu nay, cả phim điện ảnh và phim truyền hình đều phải đi thuê mướn bối cảnh. Anh nhìn nhận thế nào về vai trò của Trường quay Cổ Loa với công nghiệp điện ảnh?

- Tôi may mắn được đến một số trường quay lớn ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trường quay ở Hàng Châu là Côn Minh, chưa nói trường quay tại Bắc Kinh và trường quay Hoành Điếm đã rất rộng lớn. Bối cảnh nào nổi tiếng, họ sẽ giữ lại để du khách ghé thăm. Họ còn có một đội ngũ xây dựng, làm nên những bối cảnh cầu kỳ, tỉ mỉ. Tôi rất bất ngờ khi thấy trong trường quay Côn Minh có cả chùa Một Cột của Việt Nam, tòa tháp đôi của Malaysia. Tôi mong rằng trong tương lai Trường quay Cổ Loa cũng sẽ có nhiều bối cảnh để các đoàn phim tìm đến, đồng thời phát triển du lịch.

Trường quay không chỉ phục vụ riêng cho phim điện ảnh hay phim truyền hình mà có thể là những bối cảnh cho talkshow, gameshow, quay chụp. Hiện nay, VFC là một trong những đơn vị sản xuất phim lớn nhất miền Bắc. Họ đã có trường quay nội, tạo nên những bối cảnh riêng. Còn phim điện ảnh chủ yếu quay ở miền Nam. Đoàn phim họ sẽ gặp khó khăn để di chuyển, ăn ở cho cả đoàn phim khi ra Hà Nội.

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam kỳ vọng sẽ thu được tiền đóng góp cho GDP kể từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Tuy nhiên, giới làm phim lại bi quan cho rằng, chúng ta còn muôn vàn khó khăn, khi chưa có chính sách hỗ trợ, chưa có đủ tài năng ở nhiều lĩnh vực... Anh nhìn nhận thế nào về việc này?

- Trường quay Cổ Loa mong được phối hợp với các đoàn phim để tránh tình trạng phải chi trả quá nhiều cho những bối cảnh lớn. Sau đó, nếu bộ phim gây tiếng vang, những bối cảnh đó sẽ được giữ lại để du khách đến thăm quan, chụp ảnh. Cách này giúp quảng bá cho bộ phim, đặc biệt là những bộ phim mang tính lịch sử.

Một bộ phim thành công cần sự đồng nhất. Không thể phủ nhận rằng các hãng phim tư nhân hoạt động rất mạnh. Rất nhiều diễn viên đã tách ra, tự lập đoàn phim, mở công ty riêng để sản xuất phim. Những người làm trong ngành như chúng tôi phải có một cái nhìn khách quan hơn, nỗ lực hơn để hài hòa và pha trộn giữa phim điện ảnh tư nhân và phim điện ảnh nhà nước. Có câu “thiên thời địa lợi nhân hòa”, hy vọng Trường quay Cổ Loa sẽ là cái nôi chào đón những nhà làm phim trẻ, những đơn vị sản xuất tư nhân để cùng hợp tác.

Muốn công nghiệp hóa điện ảnh, chúng ta cần bắt đầu từ đâu: Từ việc đầu tư cho nhân lực, xây trường quay, hỗ trợ bằng chính sách... Theo anh?

- Một trong những yếu tố giúp một bộ phim thành công, trước hết phải là biên kịch. Ở nhiều nước, biên kịch được đánh giá rất cao, bởi họ là những người có vốn sống, có hiểu biết. Đạo diễn thực chất là người thực hiện ý đồ của biên kịch. Biên kịch phải là một nghề, có thù lao tốt, được đào tạo bài bản, và được chuyên nghiệp hóa.

Có những phim không có diễn viên nổi tiếng nhưng người xem muốn tập trung xem từ đầu đến cuối, chính nhờ kịch bản xuất sắc. Phim Việt nên chú trọng vào khâu biên kịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn