MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dàn nhạc Keeng Loóng rộn rã, âm vang núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Khánh Linh

Điệu múa Keeng Loóng của dân tộc Thái ở Hòa Bình

Khánh Linh - Thế Vũ LDO | 17/03/2024 06:30

Điệu múa Keeng Loóng là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đây còn là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây vào những dịp lễ hội. Điệu múa này vừa được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Điệu múa khởi nguồn từ cuộc sống

Những ngày giữa tháng 3.2024, PV Báo Lao Động có mặt tại huyện Mai Châu, địa phương có 70% là người dân tộc Thái.

Ấn tượng đầu tiên khi đến vùng đất này là ở hầu hết các điểm du lịch cộng đồng có điệu múa Keng Loóng phục vụ du khách.

Giới thiệu với PV điệu múa Keng Loóng cổ truyền, bà Hà Thị The (50 tuổi, người dân tộc Thái, ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) cho biết: “Loóng theo tiếng Thái có nghĩa là cái máng hay cái cối dài, người ta chọn cây gỗ to và thẳng để làm loóng. Loóng làm bằng gỗ, loại gỗ tốt, đánh kêu nhất là cây gỗ lát, loại gỗ này kêu âm vang, âm xa. Keeng là cái gậy hay cái chày, dùng để đánh vào 2 miệng loóng.

Keeng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái ở Mai Châu. Trước đây làm lúa trên đồi, trên nương, người ta đi hái bông, lúa về thì người ta cho vào loóng để giã. Với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm hằng ngày. Trong khi giã gạo, chị em thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy".

Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Đạo Cương trao Quyết định về việc đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keeng Loóng của người Thái huyện Mai Châu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Bùi Minh

Theo bà The, múa Keeng Loóng của người Thái thường có 8 người, mỗi bên loóng có 4 người. Trong đó, có 2 người ở đầu nhỏ loóng múa bắt nhịp.

Theo thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ. Keeng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà,... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để tăng thêm không khí vui tươi, náo nức. Nhiều chàng trai, cô gái nhờ Keeng Loóng mà đã thành vợ, thành chồng.

Ông Hà Đức Anh (40 tuổi) dân tộc Thái, huyện Mai Châu, kể: "Keeng Lóong thường được biểu diễn vào các dịp lễ lớn và những ngày quan trọng trong năm. Ngoài ra, hiện nay điệu múa này được đưa vào biểu diễn để làm du lịch cộng đồng.

Trước đây thứ Bảy, Chủ nhật mới múa, nhưng giờ du lịch phát triển nên ngày nào ở đây cũng biểu diễn mang lại cho du khách nhiều nỗi niềm vui tươi và phấn khởi. Đội văn nghệ của bản còn thể hiện những điệu múa truyền thống của dân tộc Thái cho du khách xem và dạy họ múa. Ngày xưa, nếu ông Trăng tối thì các cụ gọi bà con dậy múa Keeng Loóng đi để cứu ông Trăng cho sáng lên, cầu mọi người được bình an, làm ăn phát đạt".

Bảo tồn và phát huy nét đặc trưng của dân tộc

Sau hơn nửa thế kỷ bị mai một, những năm gần đây, huyện Mai Châu đã khôi phục lại lễ hội Xên Mường và trở thành lễ hội thường niên vào mỗi độ xuân về để thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông xưa đã lập nên bản, nên mường. Keeng Loóng cùng với đó mà được phục dựng và phát triển.

Ông Hà Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu - cho biết: "Những điệu múa rộn rã lòng người của các cô gái Thái duyên dáng, nết na như mời gọi du khách hãy nhớ, hãy thương một miền sơn cước thanh bình, tươi đẹp.

Hiện nay, để bảo tồn điệu múa này, tại Chiềng Châu được thành lập 5 câu lạc bộ, cứ mỗi khi dịp Tết đến Xuân về người dân nơi đây lại cùng nhau sinh hoạt câu lạc bộ. Keeng Loóng được các cụ dạy truyền cho các con cháu".

Dàn nhạc Keeng Loóng. Ảnh: Khánh Linh

Trong nhiều năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch cộng đồng, điệu múa Keeng Loóng được người dân nơi đây phát triển thành sản phẩm du lịch. Điệu múa này đã và đang hấp dẫn du khách khi đến với nơi đây.

Ông Hoàng Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu - cho hay: “Điệu múa Keeng Loóng đã có từ lâu đời và đã đi sâu vào tiềm thức của người dân tộc Thái huyện Mai Châu. Đây cũng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày lễ hội".

Theo ông Minh, bên cạnh việc thành lập các câu lạc bộ, hiện nay, trong nhiều nhà trường cũng đã dạy cho học sinh biết múa điệu Keng Loóng.

Đặc biệt, nét văn hóa truyền thống này cũng đã được phục vụ khách du lịch mỗi khi đến với Mai Châu. Tại các bản làng người Thái làm du lịch cộng đồng, đồng bào thường sử dụng Keeng Loóng để tạo ra những âm thanh vui nhộn thay cho lời chào du khách.

Dàn nhạc Keeng Loóng rộn rã, âm vang như muốn gọi núi rừng bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét, gọi ông mặt trời thức giấc xua tan sương mù bao phủ, soi rọi ánh nắng lung linh sưởi ấm bản làng.

Điều này khiến du khách ấn tượng với khả năng sáng tạo đặc biệt của đồng bào. Bởi chỉ từ những cây gậy và một gốc gỗ to, người Thái có thể múa nhiều điệu khác nhau, tạo nên những âm thanh sôi động, thu hút người xem.

Hôm nay, cuộc sống đang từng ngày đổi thay, các luồng văn hóa hiện đại xâm nhập ngày càng sâu trong đời sống xã hội, cũng vì thế nhu cầu hưởng thụ của người dân có sự thay đổi. Thế nhưng điều đáng quý là trong đời sống tinh thần của người Thái Mai Châu vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị điệu múa Keng Loóng gắn với phát triển du lịch đã góp phần làm phong phú và lan tỏa xa hơn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái Mai Châu. Trao đổi với PV, ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTTDL - cho biết: “Tháng 11.2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về việc đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Ngày 19.2 (tức mùng 10 tháng Giêng), UBND huyện Mai Châu tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Keeng Lóong và khai mạc Lễ hội Xên Mường dân tộc Thái, huyện Mai Châu năm 2024.

"Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân tộc Thái huyện Mai Châu mà còn đối với các dân tộc anh em tỉnh Hòa Bình. Đó cũng là động lực để những người dân, nghệ nhân có thêm động lực để bảo tồn, phát triển những nét độc đáo trong văn hóa dân tộc" - lãnh đạo Sở VHTTDL Hòa Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn