MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân.

Đinh Hoài Xuân sống chết với cello

NGUYỄN MẠNH HÀ LDO | 27/08/2017 21:19
Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân không ngừng gây ngạc nhiên cho khán giả từ khi vào nghề với những MV công phu. Mới đây chị công bố sáng lập và tổ chức chuỗi hòa nhạc cổ điển Cello Fundamento lấy cello làm tâm điểm. Ngoài chuyên môn ngày càng vững vàng qua nhờ đang theo học bậc tiến sĩ biểu diễn tại Bucarest, Rumania, dường như Xuân cũng tỏ ra mát tay hơn trong việc… xin tài trợ cho những dự án âm nhạc ngày càng hoành tráng. 

Đinh Hoài Xuân chia sẻ: Cello Fundamento là một chuỗi hòa nhạc cổ điển thường kỳ lấy đàn cello làm trung tâm. Năm ngoái tôi đã thử nghiệm mời 4 nghệ sĩ Rumania cùng đi xuyên Việt qua 3 Học viện Âm nhạc và Heritage Space Hà Nội. Năm nay Cello Fundamento chính thức ra mắt với buổi hòa nhạc tối 30.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với các nghệ sĩ xuất sắc đến từ Mỹ, Đức, Áo, Úc, New Zealand, Rumania, Ukraina. Họ đều là solist của các dàn nhạc lớn trên thế giới. Ngoài cello còn có violon, piano, clarinet...

Qua serie hòa nhạc này, tôi muốn khán giả Việt Nam hiểu thêm về cái hay cái đẹp của đàn cello, để trong tương lai cây đàn có âm sắc trầm ấm này trở nên phổ biến hơn. Vì tôi đang học tiến sĩ biểu diễn nên chương trình cũng được tính vào kết quả học tập luôn.

Giá vé cao nhất của một chương trình phổ cập nhạc cổ điển mà tới 10 triệu đồng liệu có hợp lý?

- Giá vé chương trình chỉ từ 1 triệu. Riêng tiền bán vé loại 10 triệu sẽ dùng để xây trường học cho các em nhỏ trên vùng cao. Một nửa số tiền bán các loại vé còn lại tặng cho Quỹ Cơm có thịt. Tuy xin được tài trợ không nhiều nhưng tôi tin vào ý nghĩa và tương lai tốt đẹp của chương trình. Tôi đi học thì đã có học bổng nên cũng không có nhu cầu gì cho bản thân.

Chị dự định kéo dài chuỗi chương trình này đến bao giờ?

- Đến... hết đời, tùy khả năng của tôi. Nếu bận rộn quá thì 2 - 3 năm một số nhưng phải đảm bảo chất lượng. Bản thân tôi xác định nghiêm túc cống hiến cả đời, xả thân cho cello. Nhiều phụ nữ khác còn gia đình, con cái, công việc... phải lo, nhưng tôi chỉ tập trung cho cello. Tôi muốn cuộc đời gắn liền với cello và có sản phẩm để lại. Cello Fundamento như đứa con tinh thần của tôi. Tôi muốn khi mình nhắm mắt xuôi tay, chương trình vẫn tiếp tục lan tỏa.

Vì sao chị lại say sưa với cello đến thế?

- Tôi muốn dành hết cuộc đời cho cello vì tôi nhỡ gắn với nó từ năm 10 tuổi. Đấy là định mệnh rồi. Tôi tập đàn thấy nó hay, nó đẹp thế này mà sao mọi người không biết, trong khi các nước trên thế giới họ thích cello lắm. Thậm chí nó còn được yêu thích hơn những nhạc cụ khác vì âm sắc trầm đặc biệt. Ở Việt Nam nghệ sĩ độc tấu cello còn ít. Mấy thế hệ mới có cô Trần Thị Mơ, chú Ngô Hoàng Quân, Bùi Gia Tường... Tôi mong 5 - 10 năm nữa, chúng ta có nhiều thêm nhiều nhân tài cello, một ngày nào đó sẽ đoạt giải thế giới.

Chắc rằng cây đàn cello sẽ “được nhờ” Đinh Hoài Xuân vì chị từng chứng tỏ khả năng xin tài trợ như từng đầu tư cho MV “Hướng về Hà Nội” tới 1 tỉ trong khi xuất phát điểm chỉ có 4 triệu?

- Trước khi học nhạc, tôi trúng tuyển ballet ở Hà Nội nhưng mẹ bảo tôi học đàn thì hay hơn. Tôi học organ năm nào cũng 10 điểm nhưng lại xin thầy, “cho con học đàn nào một màu thôi”. Thầy bảo chuyển sang piano. Học piano được một năm, thì trường hướng lên Học viện, mở thêm các bộ môn, trong đó có cello. Thầy bảo, “bé này học cello là hợp lắm”. Tôi nhìn cây đàn thấy đẹp, đã mê rồi. Nghe các thầy kéo tiếng trầm nữa, thôi rồi...

Từ đó, tôi chỉ đau đáu cello. Dù tôi nói chuyện với ai, họ cũng có thể hiểu được khát khao của tôi với cello. Quá trình làm đĩa, ra MV khó khăn, nhưng tôi cũng tìm được sự giúp đỡ của nhiều người. Có khi cũng phải liều vay ngân hàng để làm sản phẩm. Giờ thì các mối quan hệ của tôi mở rộng hơn, dễ xin tài trợ hơn xưa nhưng tôi lại hướng đến những dự án quy mô lớn hơn, nên cũng nhiều vất vả. Tôi phải chạy đôn đáo cho show này từ nửa năm trước. Chuẩn bị cả cho chương trình năm sau, còn lớn hơn.

Tôi muốn mọi người biết cello hay thật chứ không phải tôi muốn làm màu. Tôi hy sinh, thậm chí từ chối bao nhiêu lời cầu hôn để theo học cello. Nếu không đi học tiến sĩ, tôi ở nhà lấy chồng rồi.

Học tiến sĩ biểu diễn chắc hẳn chị phải biểu diễn khá nhiều?

- Vâng, ngoài nghiên cứu, học tập, dịch sách, lên lớp, hai năm vừa rồi tôi diễn khá nhiều: Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Hy Lạp, Mỹ... Tôi quyết tâm học hết cỡ vì cũng sợ điểm kém làm xấu mặt người Việt. Ngày làm việc từ 6 tiếng đến 11 tiếng mới đáp ứng yêu cầu của trường. Nhưng tôi không hề thấy đấy là vất vả, mệt nhọc mà hạnh phúc được sống đúng những gì mình mơ ước, không phải lo nghĩ gì. Ngày ở Việt Nam, tôi còn phải vừa đi dạy piano vừa chạy sô kiếm tiền. Học ở Rumania 2 năm, cả chuyên môn và ngoại ngữ đều lên, tôi lại được học bổng tiến sĩ ở Mỹ. Nhưng tôi xác định hoàn thành chương trình đang theo học đã.

Có thể thấy đường đi nước bước của chị khá chuẩn. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ trước ngưỡng cửa học vấn?

- Đầu tiên phải xác định mình đam mê gì và có dám hy sinh cho lựa chọn đấy không. Xác định rồi thì bất chấp tất cả khó khăn, cứ đúng mục tiêu đấy thẳng tiến. Từ đầu tôi đã muốn trở thành nghệ sĩ cổ điển, nhưng do môi trường biểu diễn, thị hiếu khán giả, và cello chưa phổ biến, tôi mới đi đường vòng, ra MV nhạc Trịnh rồi lên bán cổ điển với “Hướng về Hà Nội”. Nhiều người hỏi tôi tại sao đang có đất diễn tốt thế lại đi học. Thực ra tôi vẫn đi đúng con đường mình chọn, cố gắng học đến cùng để phát triển khả năng hết mức có thể. Học tiếng Anh cũng vì cello, đi dạy piano cũng để phục vụ cho cello. Kể cả bạn trai, tôi cũng từ chối hết vì không cùng chí hướng. Hiện tại gặp được một bạn đồng hành, khuyến khích con đường tôi đi, nên tôi đang thấy rất ổn. Trong tình duyên, tôi hơi lận đận nhưng cello thì không bao giờ trật đường ray.

Cụ thể, bạn đồng hành đã khuyến khích Xuân như thế nào?

- Chính xác, anh ấy truyền cho tôi động lực. Chuỗi Cello Fundamento ra đời cũng từ một câu anh nói: “Mong em chịu khó tập đàn. Anh thực sự kỳ vọng em sẽ trở thành một nghệ sĩ lớn, vừa có sự nghiêm khắc của hàn lâm vừa có sự đồng cảm của quần chúng”. Thực ra tôi chỉ có tình yêu lớn với cây đàn chứ không dám nhận là nghệ sĩ... gì cả. Từ câu đó tôi cứ đau đáu mãi.

Trong cuộc sống, giá trị nhất là những người bạn truyền cho mình động lực, niềm tin. Cái đó là vô giá, những cái khác rồi cũng sẽ qua. Tôi mới đọc được câu: “Muốn thành công thì phải biết hy sinh những hạnh phúc nho nhỏ khác”. Nhưng trước đó tôi đã làm đúng như thế từ lâu rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn