MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đổi mới công nghệ sẽ luôn tạo bước chuyển mới, mang tính bền vững cho doanh nghiệp. Ảnh: N.H

Đổi mới công nghệ - nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

ngũ hiệp LDO | 24/12/2017 07:43
Đổi mới công nghệ (ĐMCN) ngày càng thể hiện vai trò quyết định việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững của chính doanh nghiệp (DN). Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, với tự do hóa mạnh mẽ cùng những chuẩn mực mới sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN phát triển, mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nâng cao năng lực sản xuất

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tỉ lệ đổi mới công nghệ (ĐMCN) trong giai đoạn 2015 - 2016 thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra. Điều này đã tác động tới hiệu quả đổi mới và mức độ hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) với các tổ chức KH&CN (đặc biệt là các Viện, trường) của Việt Nam trong giai đoạn này, cụ thể: Về mức độ sẵn sàng công nghệ; hiệu quả chuyển giao công nghệ; hiệu quả đổi mới; mức độ hợp tác giữa DN với các tổ chức KH&CN.

Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho ĐMCN của các DN Việt Nam vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển, tỉ trọng đầu tư cho KH&CN của DN chỉ khoảng 1% GDP và tập trung vào các DN lớn. Thực tế cho thấy, khu vực DN tư nhân, đặc biệt DN vừa và nhỏ hầu như chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Đa phần các DN ĐMCN một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu phát sinh trong quá trình kinh doanh, không có kế hoạch dài hạn, phương thức được sử dụng nhiều nhất lại là nguồn công nghệ nhập khẩu.

Nhận định về thực trạng ĐMCN của DN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ KH&CN đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ĐMCN trong DN. Việc xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới KH&CN, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua việc hình thành các Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, các Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ từ quy mô quốc gia đến quy mô địa phương, các chương trình quốc gia thuộc các Bộ, ngành. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như của các Bộ, ngành trong việc tập trung nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, tính đến nay, sau một thời gian triển khai hoạt động hỗ trợ ĐMCN từ các Bộ, ngành, địa phương đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi và cũng không ít khó khăn sau khi đi vào thực tế, như việc phối kết hợp giữa ba nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học). Bên cạnh đó, năng lực ĐMCN của DN Việt Nam còn thấp so với các DN ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Vũ Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc Cty CP sơn Hải Phòng cho rằng, trong hoạt động ĐMCN, DN đóng vai trò chủ động vì chỉ có DN mới hiểu rõ hơn hết nhu cầu thị trường, vị thế sản phẩm của mình trên thị trường và đánh giá chính xác hơn về khả năng tài chính, trình độ công nghệ, trang thiết bị trong dây chuyền sản xuất của chính DN, qua đó đưa ra những kế hoạch, quyết sách chuẩn xác để đầu tư đổi mới công nghệ sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới hiện nay, với tự do hóa mạnh mẽ cùng những chuẩn mực mới sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN phát triển, mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu sản phẩm của DN không được đổi mới, không đủ sức cạnh tranh, không trụ vững được sẽ bị đánh bật khỏi thị trường. “Để tồn tại và phát triển bền vững, các DN cần không ngừng ĐMCN, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chỉ có ĐMCN để nâng cao năng lực sản xuất, năng suất chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường” - ông Dũng nói.

Để ĐMCN thành công, theo ông Dũng, việc các DN thực hiện ĐMCN thường gặp muôn vàn khó khăn về thông tin công nghệ, thông tin thị trường, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tài chính, các chính sách pháp lý... Do vậy, các DN rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước, tạo “cú hích” thúc đẩy DN thực hiện. “Sự hỗ trợ này sẽ tạo động lực lớn, tạo đà thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, hạn chế những rủi ro trong quá trình chuyển đổi mới công nghệ của DN” ông Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp - trung tâm của ĐMCN, sáng tạo

Theo ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, DN ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, chủ động trong hoạt động ĐMCN, trung tâm hoạt động ĐMCN. ĐMCN là nhu cầu tự thân vận động của DN, nhà nước chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi mà không làm thay DN. ĐMCN sẽ tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường sản phẩm, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới.

Hiện nay, việc ĐMCN phần lớn diễn ra ở DN bởi xuất phát từ chính nhu cầu của DN và cũng là vì chính lợi ích của DN. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, nỗ lực của DN là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia, tổ chức KH&CN để đẩy nhanh tiến trình ĐMCN của chính DN. Do đó, hoạt động liên kết, hợp tác giữa DN, nhà nước và các tổ chức KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DN thông qua công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực nội sinh cho các bên tham gia, đặc biệt là năng lực nội sinh công nghệ quốc gia.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, ĐMCN là một trong những động lực để DN hội nhập thành công và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong quá trình này, tổ chức KH&CN đóng vai trò quan trọng, như một cầu nối giữa chính sách và DN và là chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa chính sách, nguồn lực Chính phủ thành giải pháp công nghệ hữu ích cho DN.

Nhận định về vai trò của DN trong ĐMCN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước không cách nào khác phải đặt DN làm vị trí trung tâm. Tuy nhiên để làm được điều này các DN cũng cần đặt đầu bài lại với các tổ chức nghiên cứu, cơ quan nhà nước xem mình cần gì, cần hỗ trợ ra sao thể thực hiện việc ĐMCN, tạo ra sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn