MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TQ

Đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững

Minh Hạnh LDO | 18/09/2022 07:59
Vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”.

Phát triển bền vững toàn diện

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất tập trung ứng dụng công nghệ, phát triển nông nghiệp vùng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm chủ lực; hướng tới xuất khẩu; xây dựng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản; đưa các mô hình sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp gắn với mô hình chuyển đổi số vào thực tiễn...

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ KHCN - ông Trần Văn Tùng, hiện nay Bộ KHCN đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1.8.2022 của Chính phủ về Phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1.8.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị để hướng tới mục tiêu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía bắc là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện.

Hội thảo tập trung trao đổi các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch của Bộ KHCN thực hiện Nghị quyết 96 của Chính phủ và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giới thiệu chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; liên kết phát triển du lịch và giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trung du và miền núi phía bắc.

Đồng thời thí điểm thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp như hình thành các khu chuyển giao công nghệ mới cho các ngành của địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông sản. Bên cạnh việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương có kinh tế năng động, cần xác định nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng tổ chức kết nối cung - cầu, mua bán chuyển giao hàng hóa công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn).

Từ đó, giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học định hướng được những nhiệm vụ, giải pháp khoa học, giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực đối với từng địa phương đưa chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thiết thực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của vùng nhanh và bền vững.

Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã tập trung phục vụ phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: KHCN

Tạo đột phá tăng trưởng kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - ông Hoàng Việt Phương, hội thảo là dịp để tỉnh Tuyên Quang trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng và các doanh nghiệp về các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Phó Chủ tịch Hoàng Việt Phương cho biết, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn mới. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã tập trung phục vụ phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất; đặc biệt tập trung nghiên cứu, phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 206 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có 03 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang và Bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn).

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KHCN), vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực nhiều tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, trong đó có phát triển chuỗi giá trị nông dược xanh gắn với du lịch, giáo dục. Do đó, cần phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mô hình khởi nghiệp, thử nghiệm sản phẩm mới, đồng thời hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHCN - ông Trần Văn Tùng đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian qua đối với ngành khoa học công nghệ đã đạt được những kết quả, khẳng định sự đóng góp, đồng hành của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn địa phương.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt, triển khai khẩn trương có hiệu quả Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 96 của Chính phủ, kế hoạch của Bộ KHCN. Đồng thời, đề nghị Sở KHCN các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để tạo ra những sản phẩm có năng suất, hiệu quả có khả năng cạnh tranh trên địa bàn địa phương. Đồng thời triển khai áp dụng chỉ số đổi mới sáng tạo tại địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội bền vững và đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng trên địa bàn địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn