MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyến dẫn tour du lịch xuyên Tết gần nhất của anh Nguyễn Đức Mạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đón Tết khắp nẻo đường

Tuyết lan LDO | 15/01/2024 10:57

Theo quan niệm của nhiều người, dịp Tết thường là khoảng thời gian để trở về nhà, sum họp với gia đình. Nhưng những năm gần đây xuất hiện xu hướng "ăn Tết xê dịch". Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đi du lịch xuyên Tết để có những trải nghiệm mới, đón Tết trên khắp nẻo đường, gặp những con người mới ở những vùng đất mới.

Đi để trải nghiệm

Hai năm gần đây, Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh) đã lựa chọn đi du lịch xuyên Tết cùng những người bạn thân để thực sự được thư giãn và nghỉ ngơi. Năm nay, theo kế hoạch, Cường sẽ đón giao thừa cùng người bạn thân ở Phú Quốc. Chuyến đi sẽ bắt đầu từ ngày 29 và kết thúc vào ngày mùng 2 (Âm lịch).

"Trải qua một năm vội vã, gần như bản thân tôi không có một kỳ nghỉ dài ngày đúng nghĩa. Những ngày trong năm dù là ngày nghỉ hay ngày lễ nhưng tôi vẫn phải "tận hưởng cùng deadline". Chính vì vậy với quỹ thời gian nghỉ ngơi dài ngày của dịp Tết Nguyên đán, tôi sẽ để bản thân mình được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Tôi sẽ dành một nửa thời gian để về thăm gia đình mình, sau đó sẽ đi du lịch. Bố mẹ tôi suy nghĩ thoáng nên hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, miễn là tôi sắp xếp chuyến đi an toàn và phù hợp" - Cường cho hay.

Cũng lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thêu (Thủ Đức, TPHCM) đã đưa hai con gái thực hiện hành trình du lịch, đón Tết trên xe. Họ từng dựng lều ngủ ở rừng U Minh, Nam Cát Tiên, ven biển ở bãi Thơm (Phú Quốc)... Trên đường đi, họ cũng có thể xin dựng trại tại vườn, hiên nhà của một số gia đình bản địa. Theo chị Thêu, anh chị muốn các con trải nghiệm cuộc sống tự nhiên, tiếp xúc gần gũi nhất với văn hóa, tập tục đón Tết, đời sống, ẩm thực, con người của từng vùng miền.

Nghề luôn phải "ăn tết" trên đường

Nhờ xu hướng đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp lữ hành đều rất bận rộn sắp xếp hướng dẫn viên và lên lịch trình cho khách. Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đều trong cảnh thiếu nhân lực và phải trả mức thù lao cho hướng dẫn viên cao hơn nhiều lần so với ngày thường.

Đã gắn bó với nghề hơn 9 năm, anh Nguyễn Đức Mạnh - Hướng dẫn viên du lịch tại Công ty Du lịch lữ hành JoyTrip gần như không thể đón Tết cùng gia đình mà phải dành toàn bộ thời gian để đồng hành cùng khách du lịch trong những chuyến đi chơi đầu năm mới. Kể về những chuyến chạy tour xuyên Tết của mình, anh Mạnh nhớ nhất là chuyến đồng hành cùng khách tham quan Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019. Vì sau thời gian này, gần như ngành du lịch phải tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động hạn chế vì dịch bệnh COVID-19.

“Từ khi theo nghề hướng dẫn viên du lịch, chưa một lần được ăn Tết trọn vẹn” - anh Nguyễn Đức Mạnh nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Chuyến dẫn tour xuyên Tết năm 2019 của tôi bắt đầu từ ngày 30 đến mùng 2 Âm lịch, khách du lịch là người quốc tế. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho chuyến đi tôi đã phải đi trước từ ngày 29 để sang nước ngoài đón khách. Nằm ở nước bạn đón Tết đôi khi nghĩ cũng tủi thân và nhớ gia đình nhưng sau đó nhìn khách du lịch của mình vui vẻ, thích thú với văn hóa ngày Tết của quê hương nên tôi cũng được an ủi phần nào" - anh Mạnh cho hay.

Có kinh tế nhưng đánh đổi thời gian bên gia đình

Xu hướng du lịch Tết đang trở nên phổ biến nên Tết Nguyên đán lại là thời gian bận rộn với những người làm nghề du lịch. Nhiều hướng dẫn viên đã phải chạy không ngày nghỉ, không có Tết trọn vẹn bên người thân và gia đình. Anh Mạnh tâm sự, nghề hướng dẫn viên du lịch được nhiều nhưng cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều điều. Thông thường khi dẫn tour Tết, các hướng dẫn viên cũng sẽ được trả công tác phí cao hơn ngày thường, có thể gấp đôi. Chưa kể tiền bồi dưỡng và lì xì của khách thường cũng hậu hĩnh hơn ngày thường.

"Dịp Tết nhu cầu du lịch tăng cao trong khi đó số lượng hướng dẫn viên có hạn. Cầu nhiều hơn cung nên tiền lương đi làm dịp này thường tăng cao. Tiền công cho một ngày dẫn tour trong dịp nghỉ Tết có thể lên tới từ 1 - 3 triệu đồng tuỳ thuộc tour ở trong nước hay ở nước ngoài. Chính vì vậy, chỉ trong dịp nghỉ lễ Tết, những hướng dẫn viên chăm chỉ chạy tour liên tục có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng. Chính mức thu nhập cao có thể bằng cả tháng lương bình thường đã động viên phần nào đối với những hướng dẫn viên phải nghỉ Tết muộn hoặc thậm chí mất cơ hội nghỉ Tết" - anh Mạnh cho biết.

Bên cạnh thu nhập cao, có thêm nhiều mối quan hệ và kiến thức thì điều lớn nhất hướng dẫn viên du lịch phải đánh đổi chính là thời gian ở cạnh gia đình: "Mỗi lần giới thiệu mình làm nghề hướng dẫn viên, ai cũng bảo nghề này sướng lắm, được đi du lịch cả năm. Nhưng thật ra, đi chơi và đi làm khác nhau hoàn toàn, đặc biệt là những ngày Tết, khi người người, nhà nhà quây quần bên nhau thì hướng dẫn viên lại phải rong ruổi khắp mọi miền để hoàn thành công việc. Từ khi vào nghề gần như không năm nào tôi đón Tết trọn vẹn cùng gia đình. Có năm thì đón giao thừa ở nước ngoài có năm thì khởi hành đón khách ở trong nước. Mỗi lúc xong việc nghỉ ngơi, nghĩ về gia đình lại tủi thân vô cùng.

Nhiều khách du lịch biết những hướng dẫn viên du lịch đi làm vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán khá thiệt thòi nên thường thân thiện và thoải mái, có những đoàn coi hướng dẫn viên như người trong nhà, cùng nhau đón Tết ở một nơi xa. Về phía gia đình cũng hiểu được đặc thù công việc của tôi nên luôn thông cảm và động viên. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì gia đình là điểm tựa vững chắc để hoàn thành tốt công việc".

Cũng là một hướng dẫn viên du lịch trẻ, Nguyễn Thảo Châm (23 tuổi, Hà Nội) lần đầu tiên chọn ăn Tết xa nhà vào năm nay để dẫn khách đi tour tham quan Thái Lan. Lúc đầu Châm rất băn khoăn khi quyết định sẽ dẫn tour dịp Tết nhưng sau khi nhận được sự ủng hộ của gia đình Châm đã yên tâm nhận lịch: "Với một người theo chủ nghĩa gia đình, chưa bao giờ ăn Tết xa nhà thì việc dẫn tour xuyên Tết thật sự là một trải nghiệm thú vị. Để gắn bó lâu với nghề thì việc dẫn tour xuyên Tết là điều không thể tránh khỏi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn