MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp Nhạn nhìn từ phía dưới sông Ba.

Dòng chảy của những mảng màu văn hoá

Bài và ảnh: Bảo đàn LDO | 27/02/2022 09:40
Nếu nhìn đồng bằng Tuy Hòa - Phú Yên là một hình tam giác với cạnh đáy mở ra phía biển và đỉnh là vị trí thành Hồ, có thể thấy một quần thể di tích văn hóa Champa bao bọc quanh lưu vực hạ nguồn sông Ba. Dấu ấn Champa hiện hữu hầu khắp và mật tập, từ tòa thành Hồ được xây dựng trên vị trí yết hầu, mang tính chiến lược, là cửa ngõ để đi đến vùng sơn động, trấn giữ trục lộ huyết mạch từ đông xuyên tây trong quá khứ, chí đến những đoạn trường luỹ, những tháp Nhạn, Phú Lâm..., bia Chợ Dinh, hay hệ thống giếng cổ ở khu vực ven duyên...đã khiến cho vùng đất này trở thành địa bàn quan trọng một thời của các Mandala Champa trong quá khứ. Rồi đây đó, những đầu tượng, bi ký, phù điêu đất nung...dần phát lộ trong quá trình sinh sống của cộng đồng cư dân hậu trú càng chứng tỏ một quá khứ phồn thịnh của lớp người tiền trú nơi đây.

Những mảng màu văn hóa bản địa...

Trong lịch sử, với hấp lực của những món lợi kếch xù trong những mối quan hệ giao thương, từ rất sớm, người Hoa đã có mặt ở vùng đất này và nhanh chóng thủ đắc hệ chi lưu của mạng lưới trao đổi - một biểu hiện rất đặc thù của hệ thống mạng lưới con đường muối ở miền Nam Trung bộ Việt Nam. Nhiều di tích bến thuyền xưa ở Tuy Hòa còn lưu dấu đây đó qua nhiều câu chuyện kể, trong ký ức người già về một thời tấp nập, ví như Vĩnh Toàn Phát Mã đầu của gia tộc Bang Liềm... Thế nhưng, việc di chuyển trên dòng sông vốn không hề đơn giản bởi chướng ngại đá ngầm, đúng như nguyên nghĩa tên gọi Dak Pirong của nó. Mặt Hàn - Đồng Cam là một địa điểm điển hình với hình ảnh của hàng rào đá nổi khắp lòng sông, cũng chính từ gợi ý này, người Pháp đã tận dụng và xây nên con đập thuỷ lợi khá nổi tiếng dưới thời thuộc địa, con đập mà mãi cho đến hiện nay, ngày ngày vẫn tưới mát cho cánh đồng tươi trẻ, phì nhiêu Tuy Hòa.

Gắn liền với sông Ba là hình ảnh chiếc ghe Kinh cùng lá buồm màu trắng. Có thể nói rằng, từ xưa đến nay, ghe Kinh luôn là phương tiện đặc thù và duy nhất để ngược, xuôi dòng. Có người bảo rằng Kinh là ghe của người Kinh, từ gọi phân biệt với thuyền độc mộc của người miền thượng. Cũng có người bảo rằng Kinh chính là đi - đi buôn Thượng. Mỗi một chuyến đi kéo dài đến đơn vị tháng của vợ chồng người chủ ghe với hàng hóa chất ngập trong khoang. Mắm, muối, ché, chiêng...cần thiết cho người miền Thượng, hoặc nông sản, hoặc là lâm thổ sản quý giá đối với người đồng bằng.

Những bất lợi trong việc di chuyển trên dòng sông cũng chính là nguyên nhân hình thành rất nhiều chợ phiên ở đôi bờ, là chốn dừng chân và trao đổi hàng hóa trong hải trình ngược xuôi đầy mệt nhọc. Và rồi xe thổ mộ, cộ bò, sức người, sức ngựa...đã được nhiều lớp người tận dụng để vận chuyển hàng hoá một thời. Nó phổ biến đến mức từng hình thành một làng chuyên nuôi và thuần dưỡng ngựa ở tả ngạn dòng sông, và hình ảnh chiếc xe thồ với con ngựa kéo đã hằn nên vết dấu trong ký ức người Phú Yên, kể cả những viễn khách một đôi lần từng đến với miền đất tươi đẹp này.

Sự trắc trở trong kiếm tìm sinh kế đã khiến nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian xuất hiện làm tảng nền cho cho lẽ sống lẫn niềm tin. Nhiều miếu thờ hiện diện khắp vùng lưu vực ghi dấu nhiều lớp áo tiếp biến văn hoá. Và thường niên, đôi bờ dòng chảy sông Ba, nhiều lễ hội truyền thống đã được cộng đồng cư dân tổ chức như một cách để tiếp nối mạch nguồn, mạch nguồn cá nhân mỗi con người, của dòng tộc..., và của cộng đồng làng thôn.

Một “đại lộ” thuận lợi từ gợi ý của tự nhiên...

Có thể nói rằng, hiếm có con sông nào trên dải đất miền Trung Việt Nam có được bề dày lịch sử như Sông Ba - Đà Rằng ở Phú Yên. Vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, trên những hải đồ cổ được vẽ bởi người La Mã, dòng sông này từng được ghi chú một cách cẩn trọng với tên gọi Dairios. Một âm vị Latin cổ, mà nhiều người vẫn cho đấy chính là tiền thân của tên gọi hiện nay, sau nhiều lần biến âm qua một diễn trình tiếp nhận phù hợp với văn hoá người bản địa. Dairios - Dak Pirong - Ea Rarang...rồi Đà Rằng, những tên gọi lưu dấu một dòng chảy, trong quá khứ từng là điểm dừng quan trọng trên con đường mậu dịch hải thương.

Với dòng chảy dài và khá lạ lùng trong quá trình tích thuỷ, từ những con ngòi nhỏ ẩn khuất giữa rừng già vùng sơn địa Ngọc Rô, băng qua miền đất Tây Nguyên, dòng sông bắt đầu bằng sự hợp lưu của Ia Pa và Ayun - sông Cha và sông Mẹ theo cách gọi của người Jarai, mà địa vực cư trú của họ, một thời từng là tiêu điểm của nhiều chuyến thám hiểm được thực hiện dưới thời thuộc Pháp. Nơi thượng nguồn, vùng đất của sử thi, không gian của cồng chiêng, “miền đất huyền ảo”, vùng đất chứa đựng nhiều ẩn số thú vị dưới nhiều giác độ, với sự hiện diện của các M’tao, Pơtao Apui, Pơtao Ea (vua Lửa, vua Nước) nhiều quyền năng, trong quá khứ từng nắm giữ thanh gươm thần đậm sắc màu thần thoại.

“Đó thực sự là một trong những lối mở quan trọng vào cao nguyên phía Tây”, dòng chảy này là mạch nguồn, là con đường kết nối nhiều nền văn hóa, từ những buôn làng miền núi của người Ê Đê Mdhur, người Jarai, đến vùng bán sơn địa Sơn Hòa, Sông Hinh, đồng bằng, rồi những ngôi làng Việt ven biển.

Nơi hạ nguồn, cửa sông Ba, dưới giác độ địa lý, đơn giản chỉ là nơi nước sông về với biển, vực nước giao hòa giữa hai dòng mặn ngọt, nhưng không vì thế mà tên gọi của nó kém phần hoa mỹ. Trong nhiều tài liệu chính sử, cửa tấn Đà Diễn luôn được ghi chép một cách chi tiết bởi vị trí hiểm yếu, bởi dù muốn hay không, tạo hoá đã sắp bày một lối mở tự nhiên, một cửa ngõ thuận lợi ở miền duyên hải, một đại lộ, mà từ đó có thể liên thông đến vùng lâm lộc trù phú ở vùng cao nguyên phía Tây trong một hành trình dài, gập ghềnh, uốn khúc đầy trắc trở hơn 370 km.

Sông Ba nhìn từ núi Nhạn.

...Một con đường hứa hẹn cho những hành trình khám phá

Đó là những hình ảnh điểm xuyết cho một chuyến du hành, nếu bạn thực hiện một hành trình từ biển đến núi trên tỉnh lộ 645, hoặc quốc lộ 25 dọc đôi bờ. Tạm rời xa những mảng màu văn hóa của cư dân ven biển, những ngôi tháp Champa cổ kính, không gian xung quanh sẽ dần lắng đọng với những làng nghề nổi tiếng xứ Nẫu, hình ảnh những ngôi chợ phiên khi tấp nập, khi heo hắt bên sông...Và rồi hãy đến với những bản làng miền núi, nhìn ngắm những ngôi nhà dài, những cô gái Ê Đê vùng thấp xinh tươi trong trang phục truyền thống, và hãy tự chất chứa cho mình những kỷ niệm bên bếp lửa lúc đêm về.

Hãy dành cho mình cơ hội một lần đi lên mạn ngược, trên con đường bộ quanh co uốn khúc, không mấy xa tách với mớn nước dòng sông, hẳn bạn sẽ có nhiều cơ hội để thưởng ngoạn và trải nghiệm sự vô cùng. Cái vô cùng và thăm thẳm của dòng chảy, sự bao la của đất trời, cái nhiệt tình và hiếu khách của người dân nơi thôn dã. Và nếu như có được phép màu để quay ngược thời gian, có lẽ cảm giác này còn được tăng bội phần khi cùng với chiếc xe thổ mộ, với tiếng lóc cóc và nhịp xóc liên hồi của bánh xe gỗ trên con đường đá. Cảnh sắc thay đổi đến choáng ngợp, sự trù phú của những bãi đất bồi, những vườn cây xanh mướt..., và nhất là khi hoàng hôn phủ bóng chiều tà, dòng sông ánh lên sắc vàng ký ức, gợi nhiều hoài niệm trong xao xác cỏ lau.

Sông Ba là thế, như tự bao đời vốn thế, luôn là dẫn chất, là mạch nguồn sự sống của miền đất Phú Yên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn