MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc

PGS.T.S PHẠM VĂN TÌNH LDO | 25/11/2016 17:15
Trong giao tiếp, đôi khi để chỉ ai đó đầu óc kém cỏi, dốt nát đến mức mù tịt, không biết gì (nhất là trong học hành), người ta hay dùng thành ngữ “dốt đặc cán mai” để hàm chỉ.

Ví dụ: “Hai năm học chưa xong lớp 1, cái thằng ấy đúng là dốt đặc cán mai. Bà Hơn còn tốn nhiều cơm với thằng này lắm” (báo Gia Đình Việt Nam); “Hương chức hội tề nhiều ông dốt đặc cán mai, tập được một chữ ký tên đã là khá lắm” (Đoàn Giỏi).

“Dốt” là một tính từ, chỉ ai đó kém về trí lực, chậm hiểu, chậm tiếp thu. Trong một lớp học, sẽ có những em học kém, chậm tiếp thu, được xếp vào loại “dốt”. Dốt trái nghĩa với giỏi, giỏi giang, thông minh. Nhiều người vẫn có thắc mắc là tại sao "cán mai" lại được đưa vào thành ngữ có cấu trúc ví von nói về sự dốt.

Tìm trong dân gian, ta thấy khi cần nói về mức độ dốt, người ta thường hay vận dụng các thành ngữ để nói: dốt có chuôi. Thành ngữ này dựa vào một câu chuyện vui dân gian. Đó ngày trước, có một ông thầy đồ dốt chữ, ở một đám nọ, thấy người ta khuyên một hình tròn trong văn tự, ông bèn đọc thành Tròn (Nguyễn Văn Tròn). Đến khi có người tinh nghịch lừa lúc ông quay đi, vẽ thêm một nét thẳng (vào vòng tròn) thì ông đọc thành Gáo (Nguyễn Văn Gáo), rồi sau phân bua “Đứa nào lại tra cái chuôi vào đây thế?". Hay các thành ngữ khác: dốt lòi đuôi (vì kém cỏi nên nói khoác lòi cái đuôi ngu dốt); dốt như bò (bò được coi là một gia súc kém trí tuệ, chỉ biết ăn no kéo cày, đầu óc ngu dốt chẳng biết gì)...

Cùng trường nghĩa với “dốt” có “dốt đặc”, nhưng mức độ dốt đặc mạnh hơn. Người ta thường nghĩ những ai kém trí tuệ, dốt nát thì đầu óc “đặc như bí”, chẳng có chỗ nào thoáng đạt, thông minh sáng láng. Chúng ta từng đọc truyện “Dốt Đặc và Biết Tuốt” (của Liên Xô trước đây), với hai nhận vật trái ngược nhau về phẩm chất trí tuệ. Một anh thì cái gì cũng biết, còn anh kia thì mù tịt, đâu óc đặc như mật ong. Có cảm giác bộ não trong đầu anh ta đặc sệt, chẳng có chỗ nào để chứa kho tri thức như người thường.

Trở lại thành ngữ "dốt đặc cán mai". Chính từ tính chất “đặc” mà dân gian thêm hai từ nữa để có thành ngữ “dốt đặc cán mai”. Mai là một dụng cụ dùng để đào đất, gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào một cái cán dài. Cán mai thường làm bằng gỗ lim, chắc nặng. Cái cán này khác với cán xẻng, cán cuốc…, thường làm bằng tre, rỗng ruột. Nhưng cán mai thì bằng gỗ nên đặc ruột. Chính từ ngữ nghĩa này mà thành ngữ “dốt đặc cán mai” ra đời và được dân gian sử dụng rất hiệu quả ("Đặc" thường gây liên tưởng đến cái gì đó đã chứa đầy một lượng vật chất, như nước, như gỗ, như cháo..., mà không thể tiếp nhận thêm cái gì khác ngoài vật chất đó. Và đầu của ai đó mà như vậy thì đúng là "chẳng có gì để chứa" và "chẳng có gì để nói").

“Dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc”, dốt đến thế là cùng. Ai mà được ví với câu thành ngữ này thì thật đáng xấu hổ. Phải mau mau học hành, tu chỉnh, trau dồi kiến thức sao cho bằng anh bằng em, kẻo tủi hổ với bạn bè:

Cán mai ruột đặc đã đành Giờ đem ra ví với anh học lười…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn