MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, vào ngày 17 tháng 4 đã ký kết một thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Đại học Luật

Du học Nga và câu chuyện từ một diễn đàn

Thùy Ân (từ Matxcơva) LDO | 12/05/2024 10:00

Du học Nga bây giờ hiếm lắm”, “Du học Nga không còn mốt nữa”, "Giờ vẫn còn người đi học ở Nga à?”, “Học ở Nga xong về Việt Nam làm gì?”... Tôi nhận được nhiều câu hỏi như vậy từ bạn bè, người quen khi tôi chia sẻ ý định du học Nga của mình.

Sau gần 3 năm du học tại xứ sở bạch dương, câu trả lời của tôi luôn là, "Có chứ! Vẫn có người sang Nga du học! Sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại Nga “không phải dạng vừa đâu”!

Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II

Vào một ngày của tháng 4 vừa qua, tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Liên bang Nga mang tên Lomonosov (MSU) đã diễn ra Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II (Diễn đàn lần II).

Sau khi được cung cấp thông tin về Diễn đàn lần II, và sau “ba lần bảy lượt” tra cứu thông tin về Diễn đàn lần I (diễn ra tại Hà Nội tháng 5.2019), tôi quyết định đến tham dự Diễn đàn lần II.

Với một sinh viên năm thứ II như tôi, những sự kiện liên quan đến Giáo dục hai nước Nga - Việt - quả là một đề tài không quá quen thuộc. Bản thân tôi vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng, cái gì mình không biết thì phải tìm hiểu, phải học! Tôi quyết liều một phen đến Diễn đàn để làm quen và bắt chuyện với các thầy, cô, những chuyên gia trong mảng Giáo dục của hai nước.

Nhờ trang Telegram của trường MSU (nơi tôi đang theo học), cùng thông tin bản thân tổng hợp, tôi được biết, sự kiện năm nay có sự tham dự của hơn 150 đại diện các cơ sở giáo dục - đào tạo của Liên bang Nga và Việt Nam.

Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước. Việt Nam và Nga luôn xác định việc phát triển chất lượng giáo dục nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu.

Hàng năm, Chính phủ Nga luôn dành khoảng 1.000 suất học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Sinh viên Việt Nam sang Nga du học đa dạng mọi ngành nghề.

Trong khuôn khổ Diễn đàn lần II, các chuyên giáo dục của hai bên thảo luận trao đổi, nhất trí về vấn đề mở rộng hợp tác, tăng số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh trong các chương trình đào tạo thuộc những ngành nghề mới.

Kết quả Diễn đàn lần II đạt được có thể thấy rõ nhất thông qua việc ký kết hơn 100 văn bản giáo dục - đào tạo nhằm triển khai, mở rộng các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, bồi dưỡng, nâng cao giáo dục song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Tôi được biết, những thế hệ người Việt sang Nga (và Liên xô trước đây) du học, dù là thế hệ trước hay thế hệ trẻ ở thời điểm hiện tại, đều được đào tạo giáo dục rất tốt, bài bản. Sau khi tốt nghiệp về nước, họ đều có những đóng góp quan trọng cho quê hương.

Rất nhiều người trong những lứa du học sinh từng học tại Liên xô trước đây, ở thời điểm hiện tại là những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, Toán học, Khoa học, Kinh tế...

Tại Diễn đàn lần II, một số thầy, cô Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam tự hào giới thiệu bản thân họ là cựu du học sinh Liên xô. Họ tự hào kể về ngôi trường từng học, chia sẻ những câu chuyện về những năm tháng sinh viên của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mở rộng trao đổi hợp tác giáo dục giữa Việt Nam - Liên bang Nga

Tại Diễn đàn lần II, tôi làm quen với chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Qua lời giới thiệu của cô, tôi được biết, cô từng là sinh viên khoa Luật - Đại học Tổng hợp Quốc gia Liên bang Nga mang tên Lomonosov (MSU).

Cô Quế Anh trở lại Nga sau đúng một phần tư thế kỷ - trên cương vị của một chuyên gia trong ngành Giáo dục, một giảng viên.

Cô Quế Anh không giấu được sự xúc động, bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm về năm tháng sinh viên đẹp đẽ của bản thân tại Nga.

“Chúng tôi là những lứa sinh viên được Nhà nước cử đi du học theo Hiệp định được ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết. Chúng tôi đi khi còn rất trẻ, khoảng 18 tuổi. Quãng thời gian sinh viên của chúng tôi trải qua ở Matxcơva tại MSU thật tươi đẹp, yên bình.

Các thầy cô giáo người Nga rất ân cần, luôn quan tâm chăm sóc chúng tôi. MSU có một nền học thuật rất vĩ đại. Ban đầu chúng tôi chưa thể hình dung ra sự vĩ đại ấy, phải mãi đến sau này, trong quá trình hoạt động chuyên môn, lĩnh vực nghề nghiệp của mình, tôi càng nhận ra sự vĩ đại của thời điểm ấy!”.

Khi được hỏi về vấn đề hợp tác giữa khoa Luật của MSU và trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cô Quế Anh chia sẻ:

“Sau một thời gian đàm phán, trao đổi, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và khoa Luật trường MSU, vào ngày 17 tháng 4 đã ký kết một thỏa thuận.

Văn bản thỏa thuận có tính chất định hướng cụ thể trong trao đổi học thuật và nghiên cứu 2 cơ sở đào tạo sẽ hợp tác trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi có dự định xuất bản sách, tổ chức các hội thảo, hội nghị tọa đàm với những chủ đề hai bên cùng quân tâm; tiến tới các chương trình đào tạo hai bên có thể cấp bằng”.

Chuyên gia Nguyễn Thị Quế Anh chia sẻ thêm về hợp tác xuất bản sách về Pháp luật. “Chúng tôi có xuất bản chung một cuốn sách của nhà xuất bản trường Đại học Tổng hợp Quốc gia LB Nga mang tên “Những cơ sở của hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và Liên bang Nga”. Sách được viết bằng hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Nga”.

Giống như các đại diện cơ sở giáo dục phía Việt Nam tham dự Diễn đàn lần II, cô Quế Anh đồng quan điểm, những thỏa thuận ký kết hợp tác, trao đổi giữa các trường Đại học Việt Nam và Liên bang Nga là những bước quan trọng của quá trình hợp tác song phương lâu dài.

Trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai vẫn sẽ còn nhiều thách thức, nhưng đây là tín hiệu khả quan trong việc kết nối, mở rộng các chương trình hợp tác, trao đổi giáo dục giữa hai bên.

“Hai bên có đề cập, những văn bản thỏa thuận không chỉ là những bước đầu tiên của quá trình hợp tác. Vài năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành các hội thảo quốc tế giữa hai bên liên quan đến ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Xô viết và Liên bang Nga hiện nay đối với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực học thuật hiện có những bước tiến tốt đẹp, tuy nhiên, trong lĩnh vực trao đổi sinh viên cần nhiều sự quan tâm. Chúng tôi hy vọng, trong các chương trình trao đổi sinh viên sẽ có những bước tiến tốt hơn”, cô Quế Anh nhận định.

Tôi được biết, truyền thống hợp tác giáo dục giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã có hơn 70 năm nay. Mối quan hệ hợp tác không chỉ giới hạn ở việc Liên bang Nga cấp học bổng cho Việt Nam hàng năm, mà còn là những chương trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của hai bên.

Qua Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Nga - Việt lần thứ II cùng buổi trò chuyện với chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Quế Anh, tôi thấy rằng, du học tại Liên bang Nga vẫn luôn là một đề tài thu hút nhiều sự quan tâm không chỉ của học sinh, sinh viên mà còn của các thầy cô, chuyên gia trong ngành giáo dục - đào tạo. Ngày càng nhiều trường đại học tại Việt Nam có mong muốn đẩy mạnh việc phát triển các chương trình trao đổi giáo dục với Liên bang Nga.

Các thế hệ trước đây từng sang Nga du học không những có nhiều đóng góp cho quê hương trong lĩnh vực của mình, mà còn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc góp phần mở rộng mối quan hệ hợp tác giáo dục song phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn