MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tại Cột cờ Cực bắc Tổ quốc (nguồn: kenhdulich.org)

Du lịch Việt Nam: Vẫn chưa hấp dẫn và thiếu sự khác biệt

thanh hương LDO | 10/09/2017 07:00
8 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là thu hút khách quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều đột phá mới mang lại sự đa dạng trong sản phẩm, tính chuyên nghiệp trong các dịch vụ cung ứng liên quan.  

Du khách quốc tế từng có dịp sang thăm Việt Nam đều có nhận định, tài nguyên đất nước ta rất đa dạng và phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng về tự nhiên và văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực, sản phẩm du lịch không có nét đặc trưng hay tạo được nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao...

Vì vậy, nên chăng các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có sự liên kết các sản phẩm du lịch để tạo thành chuỗi các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, xu hướng mới của du khách hiện nay là được trải nghiệm nhiều điểm đến trong cùng một chuyến hành trình.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng TCDL thẳng thắn nhìn nhận, “chất lượng sản phẩm du lịch và tính chuyên nghiệp trong cung ứng, dịch vụ có ý nghĩa quyết định đến năng lực cạnh tranh và sự bền vững của ngành du lịch nước ta. Việt Nam tuy rất giàu có, đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng để chuyển hoá từ tài nguyên thành sản phẩm có chất lượng mang tính chuyên nghiệp, rõ ràng chúng ta còn ở mức hạn chế”.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, điểm nghẽn của du lịch Việt Nam còn nhìn vào một số khía cạnh như quảng bá xúc tiến, đảm bảo an ninh an toàn... và đặc biệt nếu không nghiêm túc nghiên cứu để tạo ra những dòng sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt, mang đậm bản sắc văn hóa, không sao chép, phát huy tối đa giá trị tài nguyên du lịch vốn có của địa phương thì quả là một điều đáng tiếc.

Theo một số đánh giá cho thấy, nếu tập trung nghiên cứu, định hướng thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách, phân khúc thị trường và cập nhật xu hướng “thịnh hành” trong du lịch mới có thể xây dựng, thiết kế các chương trình xúc tiến, quảng bá phù hợp với du khách.

Đặc biệt, việc biết cách sử dụng ứng dụng công nghệ hiện đại hiệu quả nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, tranh thủ tối đa lợi thế của mạng xã hội để quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài, có như vậy doanh nghiệp lữ hành có cơ sở tìm hiểu nhu cầu, nhận phản hồi từ khách du lịch trước hay sau mỗi chuyến đi.

Cần chuyên nghiệp hoá trong quản lý

Nói đến tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý du lịch hơn hết vẫn là nằm ở chính tầm nhìn chiến lược, chính sách phát triển du lịch phù hợp xu thế, thủ tục hành chính thuận tiện, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, nguồn nhân lực ngành được đào tạo bài bản, trách nhiệm, công tác đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, cần triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017, trong đó chú trọng tới các lĩnh vực như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cao cấp, phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường; Chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm, thị thực điện tử; Quỹ phát triển phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch trong nước và ngoài nước...

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh đánh giá, “dường như môi trường xanh, sạch đẹp, thân thiện đang bị chúng ta quay lưng không để ý đến, nếu vậy làm sao mong du khách trở lại VN thêm lần nữa?

Trong báo cáo mới đây của Diễn đàn kinh tế thế giới, VN chỉ xếp thứ 100/136 nước trên thế giới về mức độ cạnh tranh thị thực. Ngoài ra, việc không mạnh tay đầu tư quảng bá thông tin du lịch Việt Nam ra nước ngoài là một trong những yếu điểm mà chúng ta cần khắc phục sớm.

Cũng tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Báo Lao Động tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chỉ rõ, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra 8 nhóm giải pháp là kim chỉ nam cho các hoạt động du lịch Việt Nam, đó là:

Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở chất lượng kỹ thuật ngành Du lịch; Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch;

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch...

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái kỳ vọng, thời gian tới ngành du lịch sẽ có những thay đổi tích cực không chỉ trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, vai trò của những người trực tiếp làm du lịch mà các bộ ngành, các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng sẽ cùng tham gia đóng góp cho sự tăng trưởng về du lịch nói riêng, cũng như tăng trưởng phát triển kinh tế Việt Nam nói chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn