MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Ngọc Hân cùng dàn khách mời, người mẫu trình diễn bộ sưu tập "Hội nhập và phát triển" tại Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đưa áo dài trở thành “Đại sứ du lịch” của Thủ đô

ngọc trang (thực hiện) LDO | 05/11/2023 17:52

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa, thu hút hơn 60.000 lượt du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, góp phần đưa áo dài trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội.

Phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trò chuyện với Hoa hậu - nhà thiết kế (NTK) Ngọc Hân sau sự kiện Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023.

Là nhà thiết kế nổi tiếng với nhiều năm đồng hành cùng Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, chị đã mang đến điều đặc biệt gì tại sự kiện lễ hội năm nay?

- Năm nay, tôi mang đến chương trình bộ sưu tập mới mang tên "Hội nhập và phát triển", lấy ý tưởng từ nhiều nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Thái Lan... Đó đều là những nước mà tôi đã có dịp đi qua, tìm hiểu và khám phá về nền văn hóa, truyền thống đặc sắc của họ. Do đó, tôi quyết định sử dụng những hoa văn, họa tiết đặc trưng của từng đất nước để đưa lên tà áo dài và trình diễn trong bộ sưu tập lần này.

Đặc biệt, tôi đã may mắn gặp gỡ và mời bà Suzuko Knapper - phu nhân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trình diễn áo dài trong bộ sưu tập của mình. Bên cạnh đó còn có bà Nomura Mone - Tùy viên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, bà Kamitani Naoko - Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn hóa Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Pamela Orozco - con gái Đại sứ El Salvador tại Việt Nam cũng tham gia trình diễn.

Phản ứng của các vị khách mời quốc tế ra sao khi mặc và trình diễn với áo dài Việt Nam?

- Tất cả các khách mời đều tỏ ra vô cùng hào hứng và yêu thích khi được diện tà áo dài Việt Nam.

Với phu nhân Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - Suzuko Knapper, tôi đã sử dụng một thiết kế dùng họa tiết trên Kimono Obi của người Nhật làm điểm nhấn, lấy cảm hứng từ quê hương của bà.

Trước đó, chúng tôi đã vô tình gặp nhau qua một bữa tiệc giao lưu. Tôi cũng có cơ hội giới thiệu với bà về những thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ kimono, khiến bà đặc biệt yêu thích. Phu nhân Đại sứ Mỹ đã mặc áo dài của tôi đi nhiều sự kiện trong nước và quốc tế.

Do đó, khi được tôi ngỏ lời mời tham gia trình diễn trong Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, bà đã vui vẻ đồng ý và hỗ trợ hết mình. Dù là lần đầu tiên trình diễn trên sân khấu, phu nhân Sozuko thể hiện phong thái rất tự tin, cuốn hút. Các khách mời còn lại cũng hoàn thành xuất sắc phần trình diễn của mình.

Hoa hậu - NTK Ngọc Hân là người đã sáng tạo rất nhiều trang phục áo dài cho người nổi tiếng, các quan chức cấp cao hay các sản phẩm quảng bá, gửi tặng ra thế giới. Bí quyết của chị để làm hài lòng nhiều đối tượng khách khác nhau mà vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng của tà áo dài Việt là gì?

- Tôi quan niệm mỗi vị khách tin tưởng và lựa chọn mình đều là một vị khách quan trọng. Đối với khách Việt, tôi thường dành thời gian lắng nghe tâm tư, sở thích của họ để lựa chọn màu sắc, hoa văn, thiết kế sao cho phù hợp với sở thích và không gian, mục đích sử dụng.

Còn với khách quốc tế, điều đầu tiên tôi quan tâm là họ đến từ quốc gia nào. Tôi nhận ra rằng việc sử dụng những hoa văn, họa tiết, chất liệu gần gũi với văn hóa dân tộc sẽ khiến họ có thiện cảm hơn với sản phẩm của mình.

Nhờ đó, dù diện áo dài trong các buổi lễ sang trọng, dạo phố hay làm quà tặng, tôi đều nhận được những phản hồi rất tích cực từ những vị khách quốc tế. Tôi gọi đó là cách “ngoại giao bằng văn hóa”.

Chị đánh giá ra sao về quy mô, các hoạt động trình diễn tại Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023?

- Năm nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội được tổ chức với quy mô lớn, sân khấu đẹp hơn nhiều so với năm 2022. Các chương trình được thực hiện theo trình tự lớp lang, từ những bộ sưu tập áo dài xưa đến những thiết kế lấy cảm hứng từ nét đẹp Việt Nam ngày nay. Bộ sưu tập "Hội Nhập và phát triển" của tôi được trình diễn cuối cùng, thể hiện Việt Nam khi hội nhập thế giới, bộc lộ những vẻ đẹp, màu sắc văn hóa trước bạn bè quốc tế.

Hoa hậu Ngọc Hân cùng bà Suzuko Knapper - phu nhân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong trang phục áo dài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh đó lễ hội còn có nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như: Các gian hàng bày bán áo dài, đồ thủ công mỹ nghệ, các gian hàng ẩm thực, trải nghiệm văn hóa vùng miền, làng nghề truyền thống... được sắp xếp theo từng khu vực, thuận tiện cho khách tham quan. Ngoài ra, tôi đặc biệt ấn tượng với con đường Dạo bước hồ Gươm, nơi thu hút nhiều chị em phụ nữ mặc áo dài chụp ảnh trong khung cảnh thơ mộng của mùa thu Hà Nội.

Theo chị, lễ hội có vai trò như thế nào trong việc tạo dựng thương hiệu Du lịch Thủ đô?

- Theo tôi, lễ hội Áo dài có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu Du lịch Thủ đô. Chương trình không chỉ quảng bá được nét đẹp truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, mà còn mang tính kết nối mạnh mẽ với các cơ quan, bạn bè quốc tế. Lễ hội được kỳ vọng sẽ góp phần đưa hình ảnh áo dài từ “đại sứ văn hóa” dần trở thành “đại sứ du lịch” - một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội.

Nếu Lễ hội Áo dài được làm thường xuyên và có nhiều điểm nhấn, tôi tin rằng đây có thể là sự kiện được mong chờ, thu hút đông đảo du khách đến Việt Nam vào đúng dịp này. Đó cũng là một cách để quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trang phục truyền thống có đóng góp rất lớn đối với du lịch. Ví dụ như du khách đến Hàn Quốc thì phải mặc hanbok, đến Nhật thì phải mặc kimono khi checkin những địa điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tà áo dài chưa thực sự được du khách quốc tế biết đến và lựa chọn như một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc nhất định phải thử. Theo chị, nguyên nhân do đâu và phải làm gì để khắc phục điều đó?

- Bản thân tôi từng đi du lịch, công tác tại nhiều nước và mỗi lần đến Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi đều diện kimono, hanbok để dạo bước quanh cung điện, phố cổ, giống như những cô gái bản địa thời xưa. Khi đăng ảnh khoe lên mạng xã hội, vô hình chung, chúng ta trở thành người quảng bá thêm cho văn hóa ở nước họ.

Tâm lý của du khách là đến nước nào thì tìm kiếm trang phục đẹp của nước đó để mặc và checkin. Nhưng theo tôi, Việt Nam làm điều đó chưa tốt.

Khi mặc trang phục dân tộc của các nước khác, họ chỉnh trang cho du khách rất đẹp vì họ coi đó là niềm tự hào của nước họ. Vì thế, theo tôi, phải tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho những người dân kinh doanh về mảng áo dài cho khách du lịch, không thể bán hay cho thuê những chiếc áo dài quá xấu, kém chất lượng.

Tôi từng thấy ở Hội An, có nhiều du khách phải mua những chiếc áo dài kém chất lượng như vải mỏng, đường kim mũi chỉ xộc xệch, xấu xí... Điều đó làm xấu đi hình ảnh của trang phục truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo tôi, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tốt cho các nhà thiết kế, những đơn vị thuê và bán áo dài cho khách du lịch, để áo dài được xuất hiện ở những nơi đẹp nhất, tốt nhất như phố cổ, các khu di tích lịch sử, những điểm du lịch mới... Rất nhiều nhà thiết kế mong muốn có địa điểm để treo những bộ áo dài của mình, để du khách nhìn thấy và cảm thấy rằng đến Việt Nam là phải mặc trang phục truyền thống của Việt Nam để check in.

Ngoài ra, chúng ta có thể liên kết với các công ty du lịch, các ứng dụng như Klook để giới thiệu dịch vụ cho thuê, chụp ảnh, địa điểm mua sắm áo dài uy tín, giúp khách nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ liên quan đến áo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn