MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường tranh bích hoạ tái hiện ký ức làng biển Mân Thái. Ảnh: TT

Đường bích họa hồi sinh ký ức làng biển

Thuỳ Trang LDO | 25/09/2022 09:00
Đầu tháng 9 vừa qua, một đường tranh bích hoạ đã được khai trương tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Sau Quảng Nam, đây có lẽ là đường tranh bích hoạ thứ hai, được đưa về với một làng biển. Những câu chuyện của người dân vạn chài, từ con cá, manh lưới đến chiếc thuyền, con sóng vỗ được các hoạ sĩ vẽ nên, khiến du khách trầm trồ, người dân tự hào. Không chỉ làm đẹp cho con hẻm nhỏ, đường tranh cũng là sự khởi đầu cho mô hình du lịch cộng đồng, mời gọi du khách thập phương đến để nghe về câu chuyện làng chài - thứ ngữ như sẽ trở thành ký ức giữa tốc độ đô thị hoá.

Đường tranh bích hoạ được UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng triển khai thực hiện tại các kiệt, hẻm liền kề khu vực Lăng Ông, thuộc tổ 12 phường Mân Thái với chiều dài gần 400 mét, diện tích hơn 1.200m2 và tổng trị giá 600 triệu đồng.

Với chủ đề “Câu chuyện làng chài”, mỗi bức họa đủ sắc màu đã khắc họa một cách sinh động nét đẹp văn hóa, sinh hoạt đời thường, cuộc sống mưu sinh của người dân ven biển Sơn Trà. Mân Thái là một trong những làng biển lâu đời của Đà Nẵng. Khi đô thị hoá ập đến, những con đường lớn được mở ra, bãi biển dành phần nhiều cho du lịch thì số người gắn bó với nghề làm biển cũng ít dần đi. Dù vậy, một số ít người dân Mân Thái vẫn gắn bó với nghề. Nhiều thế hệ người con Mân Thái vẫn không bao giờ quên gốc tích của mình là một ngôi làng làm biển.

Chính vì vậy, khi những bức tranh bích hoạ dần hình thành, người dân như được sống lại những ký ức đẹp đẽ. Đó là hình ảnh chiếc thuyền, manh lưới, đàn con cá lớn nhỏ. Là dáng cha, dáng mẹ gồng gánh giữa biển khơi, đất cát. Cả đại dương như được đưa về gần với người dân. Chỉ cần bước ra con hẻm sau nhà, người dân Mân Thái đã có thể chạm đến những kỷ niệm về thuyền, về biển.

Anh Phạm Bình, một người dân Sơn Trà bất ngờ khi đến đường tranh bích hoạ: “Lúc trước khi đi xem đường bích hoạ ở Tam Thanh, Quảng Nam, tôi rất ngưỡng mộ vì từ một làng biển bình thường thôi nhưng khi được vẽ thành tranh thì lại có sức hút kỳ lạ. Mà tranh lại là con cá, con tôm, chiếc thuyền... gần gũi với đời sống người dân. Nay, Đà Nẵng cũng có đường tranh của làng chài rồi, quá vui, quá tự hào” - anh Bình chia sẻ.

Những bức bích họa tuyệt đẹp ấy như mang luồng sinh khí mới đến với người dân Mân Thái khi thể hiện sinh động nét văn hoá đời sống của ngư dân nơi đây. Mỗi ngày, những người chồng khi ra khơi đánh cá, những người vợ gánh gồng từng rổ tôm cua, như nhìn thấy chính mình qua những nhân vật trong đường tranh.

Không chỉ vậy, đường tranh bích hoạ còn thay thế cho những bước tường cũ nhuốm màu thời gian, góp phần làm đẹp không gian sống của người dân nơi đây. Có thể nói, đường tranh bích họa đã làm thay đổi diện mạo của cả khu vực Tân An, tổ 12 phường Mân Thái và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể người dân trên địa bàn, các hộ dân có tường bao, tường nhà đều nhất trí tạo những bức họa trên tường nhà mình.

Đường tranh bích hoạ tái hiện ký ức làng biển Mân Thái. Ảnh: TT

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, đơn vị thực hiện vẽ đường tranh cho biết, Đà Nẵng sẽ hình thành các làng bích họa Mân Thái (quận Sơn Trà), Nam Ô (quận Liên Chiểu), Hòa Vang (huyện Hòa Vang). Trong đó, làng bích họa Mân Thái được triển khai đầu tiên với giai đoạn 1 là đường tranh bích họa Mân Thái mang chủ đề “câu chuyện làng chài”.

Ông Kha tâm đắc: “Không gì làm du lịch rẻ nhất, nhanh nhất, và hiệu quả nhất bằng mô hình làng bích hoạ hay có thể gọi là nghệ thuật cộng đồng. Nơi đây sẽ là không gian văn hoá không của riêng ai, nhưng đồng thời lại thuộc về tất cả mọi người. Nghệ thuật cộng đồng xuất phát từ sự phát triển văn minh của xã hội con người. Mỗi tác phẩm nghệ thuật cộng đồng, do các họa sĩ sáng tác nên đều gắn liền với hình ảnh con người, quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa, chiều dài lịch sử... Qua mỗi bức tranh, dự án làng bích họa luôn mong muốn truyền tải những nét đẹp về văn hóa, lịch sử đến cho du khách cũng như tất cả những con người yêu mến vùng đất Đà Nẵng thân thương nói chung và vùng đất Mân Thái nói riêng đầy nặng nghĩa tình. Khi tác phẩm nghệ thuật trong không gian cộng đồng được quan tâm đúng mức sẽ nâng chất lượng sống và nâng tầm cảm thụ thị hiếu thẩm mỹ của Nhân dân cuộc sống do đó phát triển, phong phú đa dạng hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn