MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women's World Cup). Ảnh: FIFA

FIFA World Cup nữ - Lịch sử và những con số

TAM NGUYÊN LDO | 22/07/2023 06:00

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã nghe đến World Cup nữ từ lâu, nhưng hẳn là khi đội tuyển nữ Việt Nam giành quyền tham dự lần đầu tiên vào năm nay, việc tìm hiểu về giải đấu mới bắt đầu nhiều hơn.

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (FIFA Women's World Cup) là một giải đấu quốc tế dành cho các đội tuyển quốc gia nữ thuộc các Liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

Giải đấu được tổ chức 4 năm một lần và 1 năm sau World Cup của nam kể từ năm 1991, khi đó gọi là FIFA Women's World Championship, được tổ chức tại Trung Quốc.

Năm 1991 là giải đấu chính thức đầu tiên, nhưng với bóng đá nữ thế giới, sự kiện đầu tiên đã diễn ra ở Italy từ năm 1970. Giải đấu diễn ra vào tháng 7, mang tên Women's World Cup (chưa có chữ FIFA đi kèm). Tiếp theo là một giải World Cup không chính thức khác ở Mexico năm 1971, trong đó Đan Mạch vô địch sau khi đánh bại Mexico 3-0 ở trận chung kết tại sân Azteca.

Vào những năm 1980, Mundialito được tổ chức 4 lần tại Italy, với chủ nhà và tuyển nữ Anh mỗi đội vô địch 2 lần.

Vào những năm 1970, một số quốc gia đã dỡ bỏ lệnh cấm bóng đá nữ kéo theo việc các đội tuyển mới được thành lập. Sau khi các giải đấu nữ chính thức của châu lục được tổ chức ở châu Á năm 1975 và châu Âu năm 1984, Ellen Wille - một nhà hoạt động thể thao người Na Uy, tuyên bố rằng, bà muốn FIFA nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá môn thể thao nữ.

Bài nói của người phụ nữ đầu tiên được FIFA mời phát biểu ở một kỳ họp đại hội đồng đã gây tiếng vang lớn. Điều đó đã dẫn đến giải đấu mang tên 1988 FIFA Women's Invitation Tournament tại Trung Quốc năm 1988, như một phép thử để xem liệu một giải vô địch thế giới dành cho nữ có khả thi hay không.

12 đội tuyển quốc gia tham gia sự kiện - 4 đội từ UEFA, 3 đội từ AFC, 2 đội từ CONCACAF và 1 đội từ CONMEBOL, CAF và OFC. Na Uy là đội vô địch, nhưng với sự hiện diện của trung bình 20.000 cổ động viên đến sân mỗi trận, giải đấu được coi là thành công và vào ngày 30.6 cùng năm, FIFA đã phê duyệt việc thành lập một kỳ World Cup chính thức, sẽ diễn ra vào năm 1991 một lần nữa tại Trung Quốc. Đến giờ, Ellen Wille vẫn được coi là "mẹ của bóng đá nữ".

Kể từ đó, World Cup bóng đá nữ đã đi qua một hành trình dài hơn 30 năm, với 8 lần tổ chức. Giải đấu ở Australia và New Zealand năm nay sẽ là lần thứ 9. Và dĩ nhiên, hành trình đã qua cũng để lại nhiều dấu ấn.

Chủ nhà

Qua 8 lần tổ chức, có 2 lần World Cup diễn ra tại châu Á (đều ở Trung Quốc 1991, 2007), 3 lần ở Bắc Mỹ (Mỹ 1999, 2003 và Canada 2015), 3 lần ở châu Âu (Thụy Điển 1995, Đức 2011, Pháp 2019). Giải đấu năm 2023 sẽ là lần đầu tiên tổ chức tại châu Đại dương (dù Australia đang sinh hoạt và tham dự với tư cách đại diện châu Á).

Giải đấu 2023 ở Australia/New Zealand cũng là lần đầu tiên World Cup nữ có 2 nước đồng đăng cai.

Các đội bóng

Tính đến trước World Cup 2023, có 7 đội đã tham dự cả 8 vòng chung kết là Mỹ, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Brazil, Nhật Bản, Nigeria. Trung Quốc, Canada, Australia là các đội có 7 lần. Anh 5 lần, Pháp, CHDCND Triều Tiên, Đan Mạch cùng 4 lần.

Tính đến World Cup 2023, đã có tổng cộng 44 đội tuyển nữ giành quyền tham dự vòng chung kết. Không tính sự kiện đầu tiên vào năm 1991 với 12 đội tham dự, World Cup 2015 ở Canada và 2023 ở Australia/New Zealand chứng kiến nhiều tân binh nhất - cùng 8 đội lần đầu ra mắt.

Nhà vô địch

Đội tuyển Mỹ khẳng định sức mạnh và vị thế với 4 lần vô địch, 1 lần á quân và 3 lần xếp hạng 3. Nghĩa là, họ chưa từng đứng ngoài Top 3 tại các kỳ World Cup. Tuyển Đức đứng sau với 2 lần vô địch. Nhật Bản và Na Uy mỗi đội 1 lần đăng quang.

Brazil thống trị bóng đá nam nhưng với bóng đá nữ, thành tích tốt nhất mới chỉ là á quân (2007).

Chỉ có duy nhất tuyển Mỹ là đội vô địch trên sân nhà. Họ và Đức cũng là 2 đội từng bảo vệ thành công chức vô địch.

Bàn thắng

Giải đấu có nhiều bàn thắng nhất là 2015 và 2019 (cùng 146 bàn - trung bình 2,81 bàn/trận). Giải có tỉ lệ bàn thắng mỗi trận cao nhất là năm 1999 (3,84) - 123 bàn/32 trận.

Mỹ đang là đội ghi nhiều bàn thắng nhất (138) và có hiệu số phụ cao nhất (+100), với 50 trận thắng, 40 hòa và 6 thua (giành 126 điểm).

Brazil không thành công trên phương diện tập thể nhưng với cá nhân, họ có Marta đang là chân sút xuất sắc nhất tại các kì World Cup, với tổng cộng 17 bàn thắng. Năm 2023 là kỳ World Cup thứ sáu của chân sút 37 tuổi.

Các chân sút tiếp theo là Birgit Prinz (Đức), Abby Wambach (Mỹ) - 14 bàn, Michelle Akers (Mỹ) - 12 bàn, Cristiane (Brazil), Sun Wen (Trung Quốc), Bettina Wiegmann (Đức) - 11 bàn.

Khán giả

Trong 8 kỳ World Cup đã qua, lượng khán giả trực tiếp đến sân đông nhất là năm 2015 (1.353.506 người/52 trận), nhưng giải đấu năm 1999 mới có tỉ lệ trung bình đến sân cao nhất (37.319 người/trận). Sự kiện có lượng khán giả thấp nhất là năm 1995, với tổng cộng 112.213 người/26 trận (trung bình 4.316 người/trận).

2 trận đấu chứng kiến số khán giả đến sân đông kỷ lục - 90.185 người, là trận tranh huy chương đồng (Na Uy - Brazil) và chung kết (Mỹ - Trung Quốc) năm 1999.
World Cup 2023

- Giải đấu diễn ra từ ngày 20.7 đến 20.8. 32 đội tham dự, thi đấu ở 10 sân đấu tại 9 thành phố thuộc 2 quốc gia.

- Dự giải có 11 đội từ châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ cùng có 6 đội, châu Phi 4 đội, Nam Mỹ 3 đội và châu Đại dương 1 đội. Tuyển nữ Việt Nam là 1 trong 8 đội lần đầu tham dự.

- Tổng giá trị giải thưởng và tiền dành cho các đội tham dự lên đến 110 triệu USD - nhiều hơn 80 triệu USD so với kì World Cup trước.

- Đội vô địch sẽ nhận tổng cộng 10,5 triệu USD (4,29 triệu USD cho Liên đoàn, 270.000 USD cho mỗi cầu thủ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn