MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm.

Gần 20 năm rong ruổi khắp Việt Nam chụp ảnh “Mẹ yêu con”

Bài và ảnh ngọc trang LDO | 10/03/2024 13:54

“Có lần tôi chụp một bà mẹ ngồi bên con gái khi con vừa trải qua ca mổ dài 4 tiếng ở viện. Người mẹ vừa hát ru con vừa khóc. Tôi cảm thấy người con đau một, người mẹ đau mười” - đó là những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lê Bích khi kể về một tác phẩm trong “Mẹ yêu con”, bộ ảnh anh thực hiện trong gần hai thập kỷ.

20 năm đi khắp nẻo đường chụp khoảnh khắc "Mẹ yêu con"

Năm 2005, Lê Bích (sinh năm 1972, Hà Nội) lần đầu tiên chụp tác phẩm “Trên lưng mẹ”, khắc họa hình ảnh một em bé dân tộc H'Mông ngủ ngon lành trên lưng của người mẹ bán hàng tại chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai). Đó cũng là khoảnh khắc rung động trái tim anh, khơi dậy cảm xúc đặc biệt trong nhiếp ảnh gia về tình mẫu tử.

Khi ấy, Lê Bích chợt nhớ đến ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng...”

(trích “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”)

“Tôi quyết định bắt đầu hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình mẫu tử”, nhiếp ảnh gia chia sẻ về khoảnh khắc rung động mạnh mẽ.

Không có thứ tình cảm nào thiêng liêng, cao đẹp bằng tình mẫu tử. Đi càng nhiều, gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với những mảnh đời từ lạ kỳ đến bình thường, dung dị nhất, anh lại càng thấm thía, hiểu sâu hơn về chân lý đó.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích (phải) giới thiệu cho khách đến xem gian trưng bày.

Trong suốt gần 20 năm chụp ảnh về tình mẫu tử, Lê Bích trèo đèo lội suối, đi dọc các tỉnh miền núi phía Bắc đến miền Trung, từ những bản làng xa xôi nơi vùng cao hẻo lánh đến phố thị đông vui, sầm uất. Dường như ở bất cứ đâu, anh cũng có thể bắt gặp những khoảnh khắc đời thường mà tuyệt đẹp về tình mẫu tử.

Anh đặc biệt thích ghé thăm các bản nghèo miền núi hoang vu như: Bản Phia Thắp (Quảng Uyên, Cao Bằng), bản Lao Xa (Đồng Văn, Hà Giang), bản Lũng Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang), bản Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình)... Tác giả cho rằng mình chụp ảnh những mẹ con người dân tộc H'Mông, Thái, Nùng, Lô Lô đen... nhiều hơn so với người Kinh ở đồng bằng, đô thị.

“Chịu sự khắc nghiệt của thời tiết hay nghèo khó, thiếu thốn về vật chất, tình cảm của những người mẹ nơi đó càng bộc lộ một cách đằm thắm, sâu sắc đến nao lòng. Ta sẽ bắt gặp câu chuyện về tình mẫu tử, sự gắn bó giản dị và thiêng liêng giữa mẹ và con luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc ảnh tràn ngập yêu thương của người phụ nữ, dù là trong giây phút lao động, vui chơi hay nghỉ ngơi, trao truyền tri thức cho con cái của mình...”, nhiếp ảnh gia bộc bạch.

Lê Bích sử dụng những hiệu ứng thị giác chuyên nghiệp, kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố ánh sáng, khoảng cách và bố cục, đem đến tác phẩm hoàn hảo nhất cả về thẩm mỹ, nội dung và nghệ thuật.

Mỗi khung hình là một câu chuyện ý nghĩa

Hành trình chu du gần hai thập kỷ giúp nhiếp ảnh gia Lê Bích chụp được hàng trăm tấm ảnh tuyệt đẹp và ý nghĩa về tình mẫu tử. Tuy nhiên, dưới lời khuyên của người thầy - nhiếp ảnh gia Nguyễn Viết Thanh, anh chỉ trưng bày 30 tác phẩm xuất sắc nhất tại triển lãm “Mẹ yêu con” nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2024).

Lê Bích tâm sự, mỗi bức hình mà anh lựa chọn đều gắn liền với những câu chuyện hàm xúc, cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, hay những khoảnh khắc, trải nghiệm khi tác nghiệp vô cùng đặc biệt.

Tiêu biểu như tác phẩm “Bên mẹ trọn đời” - một trong những bức ảnh ấn tượng nhất tại triển lãm, nhiếp ảnh gia Lê Bích kể: “Đó là ảnh chụp hai mẹ con làm nón tại Làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội. Bà Bấc khi ấy đã 98 tuổi, hàng ngày ngồi khâu nón cùng con gái 78 tuổi. Hai mẹ con họ đã ngồi đó gần như cả cuộc đời. Dù đã mù lòa, người con gái vẫn lần mò tự khâu nón, chỉ nương nhờ mẹ khi cần xâu kim hay xử lý việc khó. Đó là khoảnh khắc gắn kết đời thường rất thiêng liêng, xúc động vô cùng”.

Khách đến xem trưng bày tại triển lãm.

Nhiếp ảnh gia cho biết, để thực hiện bức ảnh này, anh đã làm quen, trò chuyện rất lâu để hiểu sâu hơn về hai mẹ con, thậm chí phải đến làng Chuông chụp ảnh 2 lần.

“Sau lần chụp ảnh đầu tiên, tôi nhận ra không cần thiết phải phơi bày những dị tật, khó khăn của nhân vật. Chỉ cần bộc lộ cảm xúc chân thành, xoáy sâu vào tình mẫu tử bao la là đủ. Vì thế, tôi quyết định trở lại gặp mẹ con bà Bấc lần nữa và chụp ra bức ảnh sau này”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Hay với tác phẩm “Vui bên mẹ”, chụp cảnh hai mẹ con trên thửa ruộng bậc thang ở Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu), Lê Bích đã phải vượt đường xá xa xôi đến một bản làng 3 “không” - không điện, không đường, không trường. Con đường đến đây cũng lầy lội, có những đoạn ngập nửa bánh xe, nhưng anh vẫn kiên trì tiến về phía trước. Anh coi đó là chuyện thường, điều nên làm đối với một người làm nghệ thuật có sự cầu toàn, tự trọng và kính nghiệp.

Trong hầu hết các tác phẩm của mình, anh đều chọn khung hình ngang. Theo anh, đó là cách giúp anh và cả người xem cảm giác gần gũi, thân thiết, như đang được hòa mình vào cuộc sống, câu chuyện và thấu hiểu hơn cảm xúc của người trong ảnh.

Khó có ngôn từ nào diễn tả hết về thứ tình cảm thiêng liêng được chắt chiu vào trong bộ ảnh được sáng tác trong suốt gần hai thập kỷ. Chỉ biết rằng hành trình ấy vẫn chưa dừng lại.

Trong tương lai, nhiếp ảnh gia này hy vọng sẽ nối dài mãi bộ sưu tập, với các tác phẩm nhiếp ảnh chụp về người phụ nữ nói chung và người mẹ nói riêng, gắn liền với những cảm xúc, câu chuyện mà chính anh đã từng chứng kiến và trải nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn